Từ tháng 7-11/2021, Trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp (CARD) đã phối hợp với UBND huyện Phú Lộc, các phòng chức năng, đặc biệt là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các xã liên quan triển khai khảo sát, nghiên cứu xây dựng đề án phát triển mô hình cây dược liệu vùng gò đồi huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đề án được xây dựng cho giai đoạn từ năm 2022-2025 đối với các các xã Xuân Lộc, Lộc Hòa, Lộc Điền và Lộc Thủy. Mục tiêu đề án là làm cơ sở cho việc phát triển tài nguyên cây dược liệu tiềm năng, cũng như phát huy nguồn lực địa phương để hình thành vùng sản xuất dược liệu ổn định, phục vụ liên kết bền vững trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Kết quả điều tra khảo sát xác định được 258 loài cây dược liệu có phân bố tự nhiên hoặc được gây trồng tại địa phương tại 4 xã vùng gò đồi huyện Phú Lộc. Trong đó, đáng chú ý có những loài thuộc Sách đỏ Việt Nam 2007 như:Trầm hương, Vương tùng, Lá khôi tía. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho sự phong phú, đa dạng cũng như tiềm năng phát triển dược liệu tại địa phương. Mặc dù, trong những năm gần đây trên địa bàn huyện cũng đã và đang có nhiều mô hình phát triển cây dược liệu, tuy nhiên quy mô còn rất nhỏ lẻ, rải rác; quy trình trồng, chế biến, bảo quản còn thô sơ, sản phẩm chưa kết nối thị trường nên khó khăn trong việc tiêu thụ.
Đề án đã đưa ra 06 mô hình với 8 loài cây dược liệu ưu tiên tại vùng gò đồi giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 gồm:
+ Mô hình 1: Trồng dưới tán rừng tự nhiên (Ba kích tím, Thiên niên kiện, Sâm bồng bồng)
+ Mô hình 2: Trồng chuyên canh cây Thìa canh
+ Mô hình 3: Trồng chuyên canh cây Cà gai leo
+ Mô hình 4: Trồng chuyên canh cây Chè dây
+ Mô hình 5: Trồng chuyên canh cây Tràm gió
+ Mô hình 6: Trồng chuyên canh cây Tràm năm gân
Nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra một số giải pháp chính để triển khai thực hiện Đề án nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng hiện trạng dược liệu tự nhiên hiện có, đất đai, lao động, thị trường… góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển kinh tế, tạo ra nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến dược liệu, mỹ phẩm, hướng tới đưa dược liệu trở thành thế mạnh của huyện. Trong đó tập trung các nhóm giải pháp như sau: (1) chính sách, (2) giống, (3) kỹ thuật, (4) chế biến, bảo quản và thị trường, (5) đầu tư phát triển bền vững và tổ chức sản xuất, (6) vốn.
Thông qua thực hiện Đề án này, nâng cao được trình độ kỹ thuật cho cán bộ cơ sở và nông dân tại địa phương, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững, đa dạng hóa sản phẩm và loại hình trong sản xuất nông lâm nghiệp; tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho một bộ phận người dân nông thôn; hỗ trợ đầu tư hợp lý; góp phần trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học; góp phần xây dựng thành công về định hướng phát triển nông lâm nghiệp bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của các xã nói riêng và toàn Huyện nói chung.