Ngày 16.01.2019, hội thảo khởi động dự án “MIRSA-3 về Phát triển kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tại châu Á ” được tổ chức tại trường Đại học Nông Lâm(ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH). Hội thảo nhằm bàn bạc và thống nhất nội dung, phương pháp và kế hoạch thực hiện dự án trong thời gian 5 năm (2018 – 2023).
Đến dự hội thảo có PGS. TS. Lê Đình Phùng – Phó Hiệu trưởng nhà trường, GS. Trần Đăng Hòa – Trưởng Khoa Nông học chủ trì Hội thảo và các giảng viên, sinh viên nhà trường. Các chuyên gia đến từ: Viện nghiên cứu môi trường nông nghiệp quốc gia Nhật Bản; Viện lúa quốc tế IRRI; Viện nghiên cứu lúa quốc gia Philippine; Viện nghiên cứu môi trường nông nghiệp Indonesia.
Tại Hội thảo các chuyên gia đã làm rõ về cơ chế ảnh hưởng của các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là quản lý nước, phân bón và sử dụng giống đến lượng khí phát thải, sinh trưởng phát triển, năng suất lúa và độ phì đất. Từ đó, xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa giảm được 30% lượng khí phát thải, đảm bảo tính bền vững về năng suất và độ phì đất.
Trong những năm qua, Trường ĐHNL, ĐHH đã hình thành các nhóm nghiên cứu về biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp. Với sự hỗ trợ và tư vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước, Trường đã xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu về khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp. Mặc dù đây là vấn đề nghiên cứu mới, tuy nhiên nhóm nghiên cứu đã có cố gắng tiếp cận để thực hiện tốt các nội dung nghiên cứu.
Hội thảo này là cơ hội quý báu cho Trường ĐHNL tiếp tục xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp để từng bước tìm ra các biện pháp kỹ thuật sản xuất giảm phát thái khí nhà kính nhưng vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cho người nông dân.
Chuyên gia Indonesia trao đổi tại Hội thảo
Chụp ảnh lưu niệm