Trong hai ngày (12-13/07/2021), Hội nghị tổng kết Dự án “Canh tác Nông nghiệp Bền vững (SFARM – Sustainable Farming)” đã được tổ chức trực tuyến tại trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Tham dự Hội nghị, tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, có: PGS.TS. Trần Thanh Đức- Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì Hội nghị, cùng một số cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế và một số giảng viên, nghiên cứu viên của Trường Đại học Khoa học và Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế.
Khai mạc Hội nghị tổng kết Dự án “Canh tác Nông nghiệp Bền vững”
Dự án Canh tác Nông nghiệp Bền vững (SFARM) được tài trợ bởi Chương trình ERAMUS + thuộc Liên minh Châu Âu, gồm các đối tác cùng tham gia thực hiện dự án. Tại Châu Á, có các trường đại học: Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế và Đại học Tây Nguyên (Việt Nam), Trường Đại học (ĐH) Nông nghiệp Bogor và Trường ĐH Syiah Kuala (Indonesia), Trường ĐH South West và Trường ĐH Chongqing Three Gorges (Trung Quốc), Trường ĐH Champasack và Trường ĐH Savannaket (Lào).
Về đối tác Châu Âu, gồm có: Trường ĐH Nông nghiệp Athens, Hy Lạp (Điều phối dự án); Trường Đại học Evora, Bồ Đào Nha; Trường ĐH Basilicata, Ý; Tổ chức EUROtraining, Hy Lạp.
Dự án SFARM được tiến hành trong 3 năm (2017-2020) với mục tiêu nâng cao kỹ năng cho cán bộ, giảng viên và sinh viên của các trường đại học nông nghiệp của các nước thuộc Châu Á thông qua việc phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ trên cơ sở tích hợp các nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp dưới sự giúp đỡ của các trường Đại học của Châu Âu; Tăng cường hợp tác, trao đổi kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững giữa các cơ sở đào tạo châu Á và châu Âu; Thiết lập mối quan hệ bền vững với các công ty, doanh nghiệp nông nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu về nguồn nhân lực và nâng cao cơ hội việc làm cho các học viên SFARM.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, PGS.TS. Trần Thanh Đức cho biết: Dự án “Canh tác Nông nghiệp Bền vững” rất có ý nghĩa cho các trường đại học ở các nước Châu Á nói chung và Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế nói riêng. Năm 2021, Nhà trường rất vinh dự là đơn vị chủ trì Hội nghị tổng kết dự án SFARM sau hơn ba năm thực hiện. PGS.TS. Trần Thanh Đức cũng đã bày tỏ cám ơn đối với các đối tác tài trợ cho dự án, đặc biệt là Giáo sư George Papadakis đến từ trường ĐH Nông nghiệp Athens, Hy Lạp – Điều phối viên của dự án SFARM đã tạo cơ hội cho Nhà trường cùng tham gia thực hiện và phát triển dự án nông nghiệp bền vững này.
PGS.TS. Trần Thanh Đức- Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế phát biểu tại Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, người tham dự được nghe các trình bày về các chủ đề, như: Đào tạo nông nghiệp bền vững ở Việt Nam; Kiểm định chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục; Mô tả tiến trình kiểm định chất lượng đào tạo của Chương trình cao học ngành công nghệ sinh thái nông nghiệp trường Đại học Syial Kuala- Indonesia; Khảo sát phương pháp dạy học để thúc đẩy khả năng sáng tạo của chương trình sau đại học; Hiệu quả của phân hữu cơ đối với chất lượng và năng suất cây trồng; Phát triển bền vững cây cà phê và hồ tiêu ở Miền Trung Tây nguyên Việt Nam; Canh tác nông nghiệp bền vững; Ứng dụng vi sinh vật trong quản lý rác thải nông nghiệp; Định hướng ứng dụng công nghệ sinh học trong ngành khoa học cây trồng và bảo vệ thực vật ở miền Trung Việt Nam; Nhu cầu đào tạo của Chương trình cao học về Nông nghiệp bền vững; Xây dựng Chương trình Cao học về Canh tác nông nghiệp bền vững tại Trường Đại học Savannakhet, Lào; Chương trình Cao học về Nông nghiệp bền vững tại Trường ĐH Champasack, Lào; Đánh giá tác động của dự án SFARM tại trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế và trường ĐH Tây Nguyên Việt Nam; Sử dụng phim ảnh để đánh giá sự chú ý của công chúng đối với đào tạo ngành nông nghiệp.
Báo cáo trực tuyến từ các đơn vị tham gia dự án
Qua hơn ba năm thực hiện dự án SFARM, kết quả của dự án mang lại cho các đơn vị tham gia, như: Có 03 môn học mới/cập nhật mới; 03 khóa học nghề mới được phát triển; 40 học viên tham gia đào tào nghề/trường; 05 giảng viên/chuyên gia được đào tạo kiến thức mới về Nông nghiệp bền vững; ít nhất 12 giảng viên/nghiên cứu viên/chuyên viên đào tạo tham gia SFARM VLE; Thành lập 1 phòng thí nghiệm AgroLab; ít nhất 15 học viên tham gia vào chương trình mới phát triển.
Thành phần tham dự Hội nghị tại trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế cùng các đơn vị tham gia dự án trực tuyến
Thông qua dự án SFARM này, các đơn vị tham gia sẽ tiếp tục kết nối thông tin, chia sẻ kiến thức, phát triển các chương trình trong khuôn khổ của dự án, đồng thời hướng tới cùng chung tay xây dựng một tương lai bền vững hơn như mục tiêu của dự án đề ra.