Xét nhu cầu nhân lực của xã hội cũng như những điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất trang thiết bị hiện có của Khoa TNĐ và MTNN và của Trường, sau khi thẩm định hồ sơ và được sự đồng ý của Đại học Huế, ngày 20 tháng 01 năm 2010 Hiệu Trưởng Nhà trường đã ra quyết định số 80/QĐ-NL về việc mở chuyên ngành học mới Quản lý thị trường bất động sản, thuộc ngành Quản lý đất đai (mã ngành 52 62 0117) do Khoa TNĐ và MTNN quản lý bắt đầu tuyển sinh từ năm 2010.
Như vậy, Khoa Tài nguyên đất và Môi trường nông nghiệp thuộc Trường ĐHNL Huế có chỉ tiêu tuyển sinh là 210 gồm ngành Quản lý đất đai (180 chỉ tiêu khối A và D1) với 02chuyên ngành là Quản lý đất đai và chuyên ngành Quản lý Thị trường bất động sản; Ngành Khoa học đất với 30 chỉ tiêu tuyên sinh (khối A và B). Khoa TNĐ và MTNN hiện cũng đang chuẩn bị hồ sơ để trình ĐHH và Nhà trường cho phép đào tạo liên thông từ Cao đẳng lên Đại học ngành Quản lý đất đai, vì hiện tại nhu cầu học liên thông là rất lớn từ nguồn sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng ngành QLĐĐ tại các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế.
Tự hào là Khoa duy nhất ở miền Trung đào tạo cả bậc Đại học và sau Đại học 02ngành Quản lý đất đai và Khoa học đất, nhưng Khoa TNĐ và MTNN luôn nhận thức được rằng, bên cạnh việc đa dạng hoá và chuyển đổi ngành nghề dựa trên nhu cầu xã hội và nguồn lực hiện tại, Khoa cũng đã và đang quyết tâm xây dựng chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các ngành học trên thông qua việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ giảng viên, tìm kiếm các nguồn kinh phí để tiếp tục nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, đồng thời đổi mới nội dung, chương trình các môn học cho phù hợp với thực tế của từng chuyên ngành.
Đối với chuyên ngành học mới Quản lý Thị trường bất động sản, với tổng số 127tín chỉ đào tạo trong 04 năm, khối ngành tuyển sinh là A và D1, sau khi ra trường có khả năng làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện, xã về lĩnh vực định giá đất đai và bất động sản như: Bộ Tài nguyên và và Môi trường, Bộ Xây dựng, Cục và chi cục Quản lý đất đai, các Sở và Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính. Các cơ quan và viện nghiên cứu về đất đai và bất động sản. Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có chuyên ngành Quản lý thị trường bất động sản; Các công ty môi giới và định giá bất động sản; Trung tâm định giá bất động sản; các dự án liên quan đến bất động sản; Trung tâm khai thác và kinh doanh bất động sản và nhiều công ty, dự án trong và ngoài nước đang đầu tư vào lĩnh vực đất đai và bất động sản.