Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị triển khai đề tài KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu bảo tồn, phát triển và chế biến sản phẩm chè Truồi”

Chiều 24/03/2023, tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra hội nghị triển khai đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu bảo tồn, phát triển và chế biến sản phẩm chè Truồi”. Trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) là đơn vị chủ trì, thời gian thực hiện trong ba năm (2022-2025).

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Văn Huế chủ nhiệm đề tài đã trình bày các mục tiêu và kế hoạch nghiên cứu của đề tài trong thời gian triển khai tại địa phương. Đề tài áp dụng các công nghệ tiên tiến để bảo tồn và phát triển cây chè Truồi – một giống chè đặc sản của vùng đất Truổi nổi tiếng của xứ Huế. Ngoài ra, đề tài cũng tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm chế biến từ chè Truồi nhằm tăng giá trị sản phẩm và phát triển kinh tế địa phương đồng thời nâng cao nhận thức của người dân địa phương và các bên liên quan về giá trị của cây chè Truồi.

TS. Nguyễn Văn Huế -, chủ nhiệm đề tài trình bày khái quát các nội dung, công việc của đề tài

 

Hội nghị đã thu hút sự quan tâm và tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển cây chè cũng như đại diện từ các cơ quan chức năng và doanh nghiệp liên quan đến ngành chè. Tại đây, các nhà khoa học, chuyên gia và người dân đã trao đổi, thảo luận và đưa ra những đóng góp quý giá để phát triển sản phẩm chè Truồi ngày càng có chất lượng cao và tăng giá trị kinh tế cho vùng đất này.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Minh Quân – Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc đánh giá cao ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài. Ông hy vọng nhóm nghiên cứu sẽ đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và phát triển cây chè Truồi ngày càng hiệu quả, đồng thời đưa ra các sản phẩm chế biến từ chè Truồi có giá trị kinh tế cao. Đây là một trong những đề tài nghiên cứu quan trọng và có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững của địa phương, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế bền vững ngày càng được đặt lên hàng đầu.

Ông Trần Văn Minh Quân, phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

 

Cũng tại Hội nghị, TS. Phạm Hữu Tỵ – Trưởng phòng KH, HTQT&TTTV, trường ĐHNL, ĐHH tin tưởng với sự gắn kết nối chặt chẽ của bốn “Nhà” đề tài sẽ thành công, mang lại những hiệu quả, đóng góp nhất định trong lĩnh vực, phát triển kinh tế xã hội của địa phương đúng theo định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn trung hạn.

Sau hội nghị, đề tài sẽ tiếp tục được triển khai với mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới nhất trong việc bảo tồn và phát triển cây chè Truồi. Các sản phẩm chế biến từ chè Truồi cũng sẽ tiếp tục được nghiên cứu và phát triển, nhằm tăng giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây là một đề tài rất ý nghĩa khoa học và có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của địa phương, đồng thời giúp nâng cao vị thế và uy tín của ngành chè Việt Nam trên thị trường quốc tế.

TS. Phạm Hữu Tỵ – Trưởng phòng KH, HTQT&TTTV phát biểu tại hội nghị

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Quang cảnh Hội nghị
Ông Hoàng Viết Thắng – Giám đốc công ty TNHH Ấn Lĩnh đóng góp ý kiến
PGS.TS Phan Thị Phương Nhi giải đáp thắc mắc của người dân
Nhóm các nhà khoa học thực hiện đề tài