Tầm quan trọng của nguồn nhân lực quản lý nguồn lợi thủy sản đối với sự phát triển của đất nước [Phần 1]

Giới thiệu chung: Ngành Quản lý Nguồn lợi thuỷ sản

Ngành Quản lý Nguồn lợi thuỷ sản là 1 trong 3 ngành trực thuộc Khoa Thuỷ sản, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Ngành được thành lập năm 2008, thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực Quản lý Nguồn lợi thuỷ sản. Sự thành lập ngành Quản lý Nguồn lợi thuỷ sản ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của Khoa Thuỷ sản Trường Đại học Nông Lâm Huế, đồng thời cũng nhằm đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa loại hình đào tạo, tăng quy mô đào tạo của Đại học Huế, Trường đại học Nông Lâm và phát huy các hoạt động hợp tác quốc tế về biển, đảo và bảo vệ các vùng đất ngập nước. Đồng thời đáp ứng nguồn cán bộ khoa học kỹ thuật có chuyên môn về quản lý môi trường và nguồn lợi thuỷ sản, và nhu cầu thực tiễn của miền Trung, Tây Nguyên và các khu vực khác về công tác nghiên cứu, phát triển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản của các địa phương ven biển. Tăng cường sự gắn kết trong hợp tác đào tạo, thống nhất chương trình đào tạo liên thông giữa các thành viên trong mạng lưới viện, trường thủy sản Việt Nam (ViFINET) và thuỷ sản quốc tế.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGUỒN NHÂN LỰC QUẢN LÝ NGUỒN LỢI THỦY SẢN ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC

Người kỹ sư tốt nghiệp ngành Quản lý Nguồn lợi Thủy sản là nguồn nhân lực quan trọng đối với nhiều lĩnh vực, bao gồm:

  • Nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đầm phá và biển đảo
  • Đánh gía và quản lý nguồn tài nguyên dưới nước (san hô, cỏ biển, rong biển, động vật rạn san hô…) và các hệ sinh thái ngập nước (rừng ngập mặn…) tại các khu vực đầm phá, vùng bờ và hải đảo
  • Đánh giá tác động môi trường trong nhiều dự án phát triển thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học tại các khu vực đầm phá, vùng bờ và hải đảo
  • Xây dựng và thực thi các chiến lược quy hoạch liên quan đến nuôi trồng thủy sản và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản
Đây là những lĩnh vực hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu cũng như sự quan tâm, đầu tư trên nhiều phương diện của nhà nước đối với nghề thủy sản (hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm thủy sản đạt 10 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030). Người kĩ sư tốt nghiệp ngành Quản lý Nguồn lợi Thủy sản được hy vọng là sự bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan quản lý từ cấp địa phương đến trung ương; đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản cũng như nhiều chương trình, dự án của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong và ngoài nước Việt Nam.

Chương trình đào tạo ngành Quản lý Nguồn lợi Thủy sản là một bước đi quan trọng, nhằm hỗ trợ tốt hơn “Đề án tăng cường năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, “Định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” cũng như hoàn toàn phù hợp với các định hướng của chính phủ về một “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”.

Hướng đến một tầm nhìn xa hơn, người sinh viên tốt nghiệp từ ngành Quản lý Nguồn lợi Thủy sản có thể trực tiếp tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế tại khu vực biển đảo, góp phần phát triển đất nước và giữ gìn an ninh, chủ quyền biển đảo của Việt Nam.