Sản xuất dầu bơ là một trong ba sản phẩm của đề tài nghiên cứu “Các biện pháp kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch và chế biến sản phẩm bột bơ, dầu bơ tại Quảng Trị” do PGS.TS. Nguyễn Văn Toản cùng nhóm nghiên cứu thuộc khoa Cơ khí và Công nghệ (CKCN), trường Đại học Nông lâm (ĐHNL), Đại học Huế và Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị phối hợp thực hiện.
Sản phẩm dầu bơ được chiết xuất từ công nghệ tách chiết kết hợp enzyme. Theo công nghệ này, chỉ cần 18 – 20 kg quả sẽ chiết xuất được 1 lít dầu tinh chất, trong khi theo các phương pháp truyền thống phải cần 45 – 50 kg. Với công nghệ này, sản phẩm dầu bơ có thời hạn sử dụng trong 2 năm.
Hiện tại, công nghệ này đã được chuyển giao cho doanh nghiệp là HTX Dược liệu Trường Sơn (tại Cụm Công nghiệp Cam Thành, Cam Lộ) và bước đầu thương mại hóa. Dầu bơ là sản phẩm được sử dụng làm mỹ phẩm rất hiệu quả và hiện nay, mỗi lít dầu bơ đang được bán trên thị trường với giá dao động từ 20 triệu đồng.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Toản, Trưởng Khoa CKCN, trường ĐHNL cho biết: “Công nghệ tách chiết kết hợp enzyme này có thể giữ nguyên được các tính chất, thành phần đặc biệt của quả bơ như vitamin E, omega 3-6-9…. Bên cạnh đó, người dân đã làm chủ được công nghệ bảo quản sau thu hoạch giúp quả bơ tươi ngon lâu hơn so với chỉ 5-7 ngày như trước đây. Từ đó, giúp người nông dân chủ động hơn về giá bán, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.”
Hiện nay, bơ là cây trồng phổ biến tại nhiều địa phương ở Quảng Trị, có giá trị kinh tế cao nhưng khi vào vụ thu hoạch thì rất nhanh bị hỏng, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế người trồng. Vì vậy, cùng với nghiên cứu kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch thì việc chiết xuất thành công dầu bơ tinh chất là tín hiệu tích cực để nâng cao giá trị kinh tế. Quả bơ không chỉ dùng làm thực phẩm mà còn có thể chiết xuất thành sản phẩm dầu bơ tinh chất. Đồng thời làm phong phú thêm sản phẩm dược liệu của huyện Cam Lộ nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.