ND – Con sông Bồ ngày mưa bão, nước chỉ “chực” tràn bờ, ôm trọn những ngôi làng ven sông thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm nào cũng thế, mưa lũ làm cuộc sống của người dân bị đảo lộn, tuy nhiên vài năm gần đây, người dân dần chủ động không chỉ sống chung với lũ, mà còn tìm cách phòng chống lũ hiệu quả, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Một trong số các giải pháp hiệu quả đó là mô hình chăn nuôi lợn, kết hợp với xây dựng chuồng lợn hai tầng, phát triển thức ăn xanh và xây dựng hầm bi-ô-ga.
Chuồng lợn hai tầng và thức ăn xanh
Ðường ngấn nước dễ đến cả mét, "dấu vết" từ mùa lụt năm ngoái vẫn còn in hằn lên bốn bức tường quanh ngôi nhà của chị Trần Thị Câu, thôn Sơn Công, xã Hương Vân, huyện Hương Trà. Ngôi nhà ba gian mái gỗ được cất cao nóc luôn trong thế sẵn sàng "mở nóc" để gia đình sơ tán lên cao mỗi khi đến mùa lụt. Tại những ngôi làng ven con sông Bồ thuộc huyện Hương Trà, nơi được coi là vùng đất trũng dễ bị ngập lụt của tỉnh Thừa Thiên – Huế, cuộc sống của người dân vẫn an lành vì vốn quen với cảnh "sống chung với lũ" từ bao đời nay.
Chị Câu bảo: "Chẳng phải người dân nơi đây, mà cả những con vật nuôi cũng được "huấn luyện" để chạy lũ, hoặc sơ tán sang làng khác, có khi đến mùa lũ lại phải bán tống, bán tháo chúng đi". Cho dù còn bộn bề gian khó, cuộc sống của người dân cũng mới được cải thiện vài năm nay nhờ phát triển kinh tế vườn, trồng cây và chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, "bài toán" đặt ra cho bà con là, làm sao tìm hướng vừa phát triển kinh tế hiệu quả lại vừa có thể đối phó với lũ lụt. Trong khi còn đang lúng túng trong sản xuất – giải pháp chuồng lợn hai tầng và thức ăn dự trữ cho mùa lũ mà Trung tâm Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp, thuộc Trường đại học Nông lâm Huế mang đến đã đáp ứng được yêu cầu của thực tế.
Cơn bão số 9 đi qua, dù nước sông Bồ tràn vào các làng, nhưng chị Câu cũng "thở phào" vì "thoát" cảnh ngập trắng làng như mọi năm. Dẫu quá quen với bão lũ, nhưng bà con vẫn phấp phỏng âu lo tìm cách phòng chống, sơ tán dân, "sơ tán" cả gia súc, gia cầm. Lần này, chị Câu yên tâm hơn vì đưa được đàn lợn 30 con "sơ tán" lên tầng hai của chuồng để tránh lũ. Hộ gia đình chị Câu là một trong những hộ đầu tiên ở xã Hương Vân được hỗ trợ xây dựng chuồng lợn hai tầng. Dự án của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp mới hỗ trợ cho một số hộ gia đình trong xã hai triệu đồng, một phần tư chi phí xây dựng cho một chuồng lợn hai tầng. Mô hình chăn nuôi kiểu này đang thật sự phát huy hiệu quả và mang đến kinh nghiệm "mẫu" cho bà con trong xã áp dụng.
Ven những con đường ngoắt ngoéo, quanh co trong thôn Sơn Công, những đường ranh giới giữa các vườn nhà, dễ nhận thấy sự xuất hiện của những vạt cây xanh, được gọi là "cây chè" khổng lồ. Ðể giúp bà con chủ động được nguồn lương thực cho đàn lợn, nguồn thu nhập chính của các hộ nông dân vùng quê này, TS Nguyễn Thị Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp, người nhiều năm nghiên cứu đồng đất trũng thấp này đã "tìm" đúng đất cho loài cây này phát triển. Cây chè khổng lồ có tên khoa học là Trichantera Gigantea, có hàm lượng prô-tê-in cao, sinh trưởng nhanh, sống lâu khi ngâm trong nước lũ, được coi là nguồn thức ăn xanh cho đàn lợn khi lũ về. TS Nguyễn Thị Lộc chia sẻ.
Bi-ô-ga hợp tác, hình mẫu cho vùng lũ
Trong điều kiện địa hình trũng thấp của huyện, nhất là các xã ven sông Bồ, nơi thường xuyên là "rốn" lũ, chăn nuôi với số lượng lớn từng bị "lên tiếng" gây ô nhiễm môi trường, giờ đây với việc kết hợp xây dựng hệ thống bi-ô-ga, môi trường sống được bảo đảm và mang lại nguồn thu nhập chính cho bà con chăn nuôi lợn ở huyện Hương Trà nói chung và xã Hương Vân nói riêng.
Chị Phan Thị Hạnh, 35 tuổi, một trong những thành viên trẻ nhất của Hội chăn nuôi xã Hương Vân nhưng là người có đàn lợn nhiều nhất nhì trong xã với 40 con mỗi lứa. Mỗi năm, gia đình chị bán bốn lứa lợn, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chị Hạnh chia sẻ: "Trước đây mấy năm, gia đình tôi chỉ nuôi nhiều nhất khoảng chục con lợn mỗi lứa mà đã cảm thấy bức xúc vì chất thải của lợn gây mùi hôi nhưng nay nhờ bi-ô-ga, 40 con mỗi lứa chỉ nuôi từ 3-4 tháng là có thể xuất chuồng". Chị đầu tư chừng năm triệu đồng xây hầm bi-ô-ga, có thể chứa hơn một tấn chất thải từ đàn lợn, tạo thành nhiên liệu dùng để nấu thức ăn, thắp sáng và cả sưởi ấm cho chúng. Chị Hạnh nhẩm tính, gia đình chị tiết kiệm được khoản tiền mua chất đốt, tiền điện mỗi tháng khoảng trăm nghìn đồng, đồng thời chẳng phải mất công đi kiếm củi về đun nấu.
Việc nhân rộng mô hình nuôi lợn làm hầm bi-ô-ga tại Hương Trà đối với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, thì "thách thức" không chỉ ở vốn mà còn ở kỹ thuật. Vấn đề này cũng được Trung tâm Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp, Trường đại học Nông lâm Huế "vào cuộc" chung sức cùng bà con. TS Lê Văn An, Giám đốc Trung tâm cho biết: "Hộ dân chỉ nuôi mỗi lứa từ 4 tới 6 con lợn thì không thể xây dựng hầm bi-ô-ga, vì thế tư vấn cho người nông dân hiểu được hiệu quả thực tế của việc kết hợp giữa các hộ với nhau để xây dựng hầm bi-ô-ga. Hầm bi-ô-ga giữa hai hộ dân nuôi lợn được gọi là hầm bi-ô-ga hợp tác. Hệ thống này rất phù hợp với nhiều hộ gia đình có quy mô chăn nuôi nhỏ". Hai hộ anh Nhân và chị Mai ở đội 1, thôn Lại Bằng cùng xây dựng hầm bi-ô-ga hợp tác, đây là một trong hai hầm bi-ô-ga hợp tác đầu tiên của xã Hương Vân và huyện Hương Trà, với sự hỗ trợ thực hiện thiết kế của các chuyên gia và kỹ sư nông nghiệp.
Hội Chăn nuôi và Hội Nông dân xã được coi là "trung tâm" thông tin, nơi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm nhà nông của bà con. Chị Trần Thị Mau, Chủ tịch Hội Chăn nuôi xã Hương Vân cho biết: "32 thành viên của hội là những chị em đều được dự án hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ vay vốn, điều khó khăn nhất với các chị em ở đây để phát triển chăn nuôi, cụ thể mỗi chị em nghèo được cấp hai con lợn giống. Ðó là dự án Nâng cao năng lực thích ứng và sinh kế bền vững cho cộng đồng nhằm đối phó với thảm họa tự nhiên ở miền trung do Trường đại học Nông lâm Huế phối hợp với Ðại học Ky-ô-tô (Nhật Bản) thực hiện trong khuôn khổ chương trình đối tác phát triển của JICA". Nhận thấy tiện lợi, bà con mạnh dạn vay vốn chăn nuôi, xây dựng hầm bi-ô-ga, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, lạc, sắn… Một đại lý thức ăn gia súc do Hội "đứng ra" thành lập với sự hỗ trợ của các nhà khoa học của Trường đại học Nông lâm Huế trở thành đại lý cấp một, đã trở thành địa chỉ tin cậy và luôn đồng hành với bà con. Tại đây, bà con được ưu đãi giá, được giảm tới 5%, nhất là với các hộ nghèo trong xã.
Mô hình bi-ô-ga, công nghệ tạo sản phẩm khí sinh học nhờ sử dụng chất thải động vật nhằm tạo khí đốt phục vụ sinh hoạt, xử lý chất thải chăn nuôi và bảo vệ môi trường hiện đang ứng dụng hiệu quả ở hai xã Hương Vân và Hương Phong, huyện Hương Trà của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ðến nay, có đến 50 hộ gia đình ở huyện Hương Trà áp dụng mô hình nuôi lợn hướng nạc, có khả năng sinh sản tốt, kết hợp với xây dựng hầm bi-ô-ga để chứa chất thải của lợn làm khí đốt. Mô hình chăn nuôi kết hợp hầm bi-ô-ga vừa đem hiệu quả kinh tế cao, tạo ra chất đốt, năng lượng điện, vừa góp phần làm sạch môi trường. Ðời sống của người dân trong thôn đang ngày càng được cải thiện do có thêm thu nhập từ chăn nuôi lợn mang lại.