Đón tôi ở văn phòng xí nghiệp, giám đốc Đặng Ngọc Phú bảo:
– Đây là lần cuối cùng tôi tiếp nhà báo. Ngày mai, tôi chính thức nghỉ hưu. 62 tuổi rồi.
Rồi anh mời tôi đi thăm đồi chè. Tốt nghiệp đại học năm 1971, đúng vào năm khu kinh tế Thanh Niên (thuộc xã Minh Đài huyện Thanh Sơn, nay là huyện Tân Sơn, Phú Thọ) được thành lập, do ông Nguyễn Công Tạn (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ) làm giám đốc, anh Phú được phân công về đây với "chức" đội trưởng, và gắn bó với khu kinh tế rồi xí nghiệp chè Thanh Niên đến nay. Xí nghiệp có 1 nhà máy chế biến và 432 ha chè nguyên liệu, được giao cho 700 hộ công nhân. Giữa vùng chè xanh ngút mắt, anh chợt hỏi tôi:
– Anh thấy chè của chúng tôi thế nào?
– Tôi không phải dân chuyên môn, nên không dám nói gì về vấn đề kỹ thuật hay chất lượng, giống má… Nhưng nhìn những đồi chè ở đây, tôi có thể đánh giá là người trồng chè đã sống được bằng chè. Bởi không sống được, thì những luống chè ở đây sẽ bị họ bỏ mặc, không chăm sóc, trở nên cằn cỗi, xơ xác, cỏ cao hơn cả chè, chứ không được sạch sẽ gọn gàng, tươi non như thế này.
Với người trồng chè, thì tháng 10 là tháng cao điểm nhất về thu hái, để rồi từ tháng 11 đến tháng 3 sang năm là thời gian ngừng thu hái để "bảo dưỡng" vườn chè, nghĩa là chăm bón cho vườn chè đủ sức ra lá cho chu kỳ sau. Vì thế, tuy cơn bão số 9 gây mưa dầm dề suốt mấy ngày, nhưng trên các nương chè, người ta vẫn đội mưa để hái. Nhiều nhà thiếu nhân lực, phải thuê người hái. Mỗi cân chè hái từ vườn về, người hái thuê được trả công từ 1.000 đến 1.200 đồng. Năm 2008, xí nghiệp ước tính sẽ thu được 5.500 tấn chè búp tươi, nhưng thực đạt 6.800 tấn, năm nay, tuy chưa hết mùa thu hái nhưng con số cũng gần đạt mức thực thu rồi. Tôi hỏi về thu nhập, anh Kiều Văn Hải ở đội 6 nói:
– Vợ chồng em nhận của xí nghiệp 3.000 m2 đất, và trồng thêm hơn 1 ha đất của mình nữa, tổng cộng gần 2 ha. Vì là chè mới được thu nên năm ngoái chỉ được tổng cộng 20 tấn, chè của em 100% là loại B, giá 3.100 đồng mỗi ký lô, tổng thu được 64 triệu.
– Trong 64 triệu đồng ấy, anh phải chi phí hết bao nhiêu?
– Khoảng 20 triệu bác ạ. Đấy là tính hết cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho đến tiền trả cho người hái thuê…
– Năm nay, có giữ được mức như năm ngoái không?
– Hơn chứ bác. Vì vườn chè mới được hái, đang tơ, năm sau bao giờ năng suất cũng cao hơn năm trước.
– Ngoài chè ra, anh có làm thêm gì không?
– Không làm được gì sất. Chỉ độc vườn chè đã nhược người rồi.
Ông Nguyễn Thanh Bình gắn bó với vườn chè từ 30 năm nay, đã chứng kiến hết những thăng trầm của cây chè đất này, hiện đã nghỉ hưu nhưng vẫn nhận 6.000 m2 chè của xí nghiệp, và trồng thêm 10.000 m2 chè trên đất nhà nữa, bảo:
– Nhận để cho vợ chồng thằng con trai nó làm. Vợ chồng tôi chỉ đỡ đần chúng nó thôi.
Năm 2008, vườn chè của ông Bình thu được 27 tấn, với giá bình quân 3.100 đồng/kg, ông có gần chín mươi triệu đồng, trong đó chi phí hết gần một phần ba. Vợ chồng giám đốc Đặng Ngọc Phú, vợ đã về hưu, hai đứa con làm việc xa cả, đứa ở Hải Phòng đứa ở Hà Nội, nhưng cũng nhận 1 ha chè, anh cho biết năm 2008, trừ chi phí đi rồi, còn được ngót hai chục triệu:
– Nhìn chung, một lao động làm chè ở đây, siêng năng ra thì mỗi năm có thể được chừng một ngàn đô la lãi ròng hay hơn một chút. Thu nhập đó, tuy chưa thể nói là cao nhưng cũng đã sống ổn.
Xí nghiệp chè Thanh Niên là thành viên của Công ty chè liên doanh Phú Đa (liên doanh với I Rắc, được thành lập từ năm 2000). Công ty chỉ sản xuất một mặt hàng duy nhất là chè đen. Tổng giám đốc công ty Phú Đa Nguyễn Văn Liệu cho biết:
– Mấy năm đầu liên doanh, thì tình hình tiêu thụ rất thuận lợi. Phía I Rắc bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nhưng rồi chiến tranh xẩy ra, mất thị trường. Đó chính là giai đoạn chúng tôi lao đao nhất. Nhưng do sản phẩm của nhà máy có chất lượng tốt, nên cũng tiêu thụ được, tuy ít, trong nội địa. Nhiều nhà kinh doanh đã đến đây xin mua chè với mục đích mang về đấu trộn với sản phẩm của họ rồi mang đi tiêu thụ. Phía chúng tôi, thì để tìm hướng cho mình, không còn con đường nào khác là phải tìm những thị trường mới… Sau mấy năm cố gắng, hiện chúng tôi đã đưa được sản phẩm của mình vào Mỹ, I Ran, Anh, và nối lại được với thị trường cũ là I Rắc. Tuy mới là bước đầu, và số lượng còn ít, nhưng tại những thị trường đó, sản phẩm của chúng tôi đều được đánh giá là tốt. Và tôi cũng xin khẳng định rằng tại Việt Nam này, sản phẩm của chúng tôi có thể nói là tốt nhất.
Đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho người trồng chè ở đây sống được bằng cây chè.