Bài 3: Nguyên liệu, “nỗi khổ” của thức ăn chăn nuôi
"Bão giá" tan, nông dân chịu
Từ đầu năm đến nay, đã có tới 9 lần các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TACN công bố tăng giá sản phẩm, trung bình khoảng 40-60%, có loại tới 70-80%. Hiện thức ăn hỗn hợp các loại có giá 6.000-8.000 đồng/kg, thức ăn đậm đặc 12.000-14.000 đồng/kg. Mỗi tháng, các doanh nghiệp điều chỉnh giá một đến hai lần, thậm chí, có tháng điều chỉnh tới bốn lần (mỗi lần tăng 100-300 đồng/kg).
Anh Lữ Hoàng Giang ở ấp Thới Hòa C, phường Thới Long (quận Ô Môn – Cần Thơ) cho biết: "Tôi không dám đầu tư nuôi lợn vì chi phí quá cao. Chỉ tính tiền mua giống trên 700.000 đồng/con, rồi thức ăn, tấm cám… tất cả đều đã tăng cao so với trước". Cùng chung quan điểm đó, anh Văn Thạo ở đội 12, xã Vĩnh Khúc (Văn Giang – Hưng Yên) bức xúc: "Giá cám tăng cao nên chăn nuôi chẳng có lãi. Tôi đã trót nuôi nên cố hết lứa này rồi ngừng lại xem tình hình thế nào".
Tại Bình Định, người chăn nuôi đang "kêu trời" khi từ đầu năm đến nay, giá TACN liên tục tăng. Tăng nhiều nhất là sản phẩm của các hãng D3, DH, CP, Cargill, Con Cò, trung bình 10.000-30.000 đồng/bao, tùy loại. Cụ thể, thức ăn D3 dành cho vịt đẻ hiện có giá 250.000 đồng/bao 40kg, tăng 30.000 đồng; loại cho gà thịt 260.000 đồng/bao 40kg, tăng 30.000 đồng. Thức ăn Cargill dành cho lợn giống 200.000-235.000 đồng/bao 25kg, tăng 20.000-25.000 đồng…
Đâu là nguyên nhân
Bà Bùi Thị Oanh, Trưởng phòng Chăn nuôi – Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, năm 2006, cả nước có 241 doanh nghiệp (DN) sản xuất TACN, năm 2007 chỉ còn 214 đơn vị (giảm 11%). Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2008, có khoảng 30-40 DN tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do DN thiếu vốn và giá nguyên liệu quá cao. Với gần 200 DN hoạt động, 6 tháng đầu năm, chúng ta chỉ sản xuất được 4,1 triệu tấn TACN, đáp ứng 78,8% nhu cầu, số còn lại phải nhập khẩu. Đây chính là nguyên nhân khiến giá TACN bị đẩy lên cao trong thời gian qua.
Có một thực tế là hầu hết các DN sản xuất TACN có vốn đầu tư nước ngoài và các DN lớn trong nước đã đạt tiêu chuẩn ISO nhưng lại chưa có quản lý chất lượng GMP (hệ thống đánh giá, quản lý, thông tin rủi ro trong dây chuyền sản xuất) dẫn đến tình trạng chất lượng TACN chưa cao. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu các nguyên liệu quan trọng như premix, chất phụ gia và các chất bổ sung khác khiến nông dân gánh chịu "cơn bão" tăng giá TACN.
Một nguyên nhân khác dẫn đến giá TACN tăng là do ngành nông nghiệp thiếu khả năng quy hoạch phát triển các nguồn nguyên liệu thô cũng như công nghiệp phụ trợ cho chế biến TACN. Năm 2007, nhu cầu về nguyên liệu TACN vào khoảng 17 triệu tấn, trong đó chúng ta chỉ chủ động được 13,3 triệu tấn, nhập khẩu 3,7 triệu tấn (tương đương 20%) và là những mặt hàng có giá tăng cao hàng chục phần trăm. Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng ngành sản xuất TACN đang gặp phải nghịch lý khi không chủ động được nguồn nguyên liệu chủ chốt có nguồn gốc từ nông nghiệp như ngô, đậu tương, thức ăn thô xanh… Với trên 1 triệu hecta ngô, năng suất bình quân 3,6 tấn/ha, sản lượng trên 3,6 triệu tấn/năm nhưng các DN vẫn phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn/năm. Các nguyên liệu khác như: bột cá 60% đạm, vi khoáng, amino acid cũng trong tình trạng tương tự. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá TACN của Việt Nam luôn cao hơn so với các nước trong khu vực 10-20%.
Trong chăn nuôi bò, thức ăn thô xanh đóng vai trò rất quan trọng. Trên thực tế, nhiều địa phương đã xây dựng dự án, hỗ trợ tiền cho người chăn nuôi nhưng lại không tính đến việc phát triển đồng cỏ. Trong khi diện tích cỏ tự nhiên ngày càng bị co hẹp do tốc độ đô thị hóa và hoang mạc hóa. Chất lượng cỏ tự nhiên cũng bị suy giảm. Theo thống kê, diện tích cỏ trồng tăng 47,07%/năm (giai đoạn 2001-2006) nhưng sản lượng chỉ đạt 6,79 nghìn tấn, trong khi nhu cầu của đàn gia súc là 112,89 nghìn tấn, tức còn thiếu 106,1 nghìn tấn. Cỏ trồng ở các địa phương chủ yếu là cỏ voi, lượng cỏ giàu đạm như cỏ họ Đậu, cỏ hỗn hợp,… còn rất ít. Nguồn lợi phụ phẩm công, nông nghiệp tuy dồi dào (57.320,48 triệu tấn các loại) nhưng khả năng tận dụng làm TACN chỉ khoảng 36,5%. Các chợ rơm được thành lập ở khu vực phía Nam không phải để cung cấp nguồn thức ăn cho gia súc mà để… trồng nấm và lót hàng. Tuy nhiên, thay vì phải chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, hệ thống đồng cỏ rồi mới tính đến phát triển đàn gia súc thì ở ta đã làm ngược quy trình. Điều này chẳng khác gì "xây nhà từ nóc". Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Lê Bá Lịch cho rằng, chúng ta đang thiếu khả năng quy hoạch phát triển toàn diện các nguồn nguyên liệu thô cũng như công nghiệp phụ trợ cho ngành TACN. Vì vậy nguồn nguyên liệu TACN trong nước chỉ đáp ứng được 68-70% so với nhu cầu.
Cần chủ động nguồn nguyên liệu
Để chủ động được nguồn nguyên liệu, tháo gỡ khó khăn, theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục
Việc chủ động, nâng cao hiệu suất sử dụng TACN sẽ góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt trên 42%, với sản lượng thịt xẻ các loại là 5.500 ngàn tấn, trong đó thịt lợn chiếm 63%, thịt gia cầm 32%, thịt bò 4%. |
chăn nuôi, trước tiên cần khống chế dịch bệnh, tăng cường sản xuất nguyên liệu thức ăn trong nước, có chính sách ưu đãi đối với DN, đơn giản hoá các thủ tục nhập khẩu, thay đổi chính sách tiền tệ… Trước mắt, Cục sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể nhằm tạo nguồn thức ăn giàu năng lượng như cám, gạo, ngô; thức ăn thô xanh thông qua việc xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh, phát triển các mô hình tận dụng phụ phẩm nông nghiệp (khoảng 60 triệu tấn/năm) để bổ sung nguồn thức ăn.
Đại diện nhiều DN cũng cho rằng, việc cần thiết lúc này là tăng cường xây dựng vùng nguyên liệu. Khó khăn lớn nhất của DN vẫn là vốn. Ngoại tệ, khô dầu tăng ảnh hưởng rất nhiều đến giá TACN. Vì vậy, chúng ta cần chủ động nguồn nguyên liệu và hy vọng Nhà nước sẽ giảm thuế suất đối với các mặt hàng TACN, ông Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc điều hành DNTN Thức ăn chăn nuôi Thành Lợi nhận định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Trước mắt, cần tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, rà soát bổ sung, điều chỉnh, xây dựng mới quy hoạch sản xuất TACN gắn với vùng nguyên liệu, phát triển các giống cây nguyên liệu TACN đáp ứng yêu cầu về năng suất, chống chịu dịch bệnh… Bên cạnh đó, cần đa dạng nguồn nguyên liệu TACN nhập khẩu thông qua việc cho phép các DN nước ngoài nhập khẩu và phân phối trực tiếp tới các DN Việt Nam, xây dựng sàn giao dịch TACN, tăng cường năng lực dự trữ các nguyên liệu như: ngô, khô dầu đậu tương, bột cá… trong thời gian dài. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng TACN công nghiệp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng loại thức ăn này trong chăn nuôi; điều chỉnh cơ cấu vật nuôi để tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có, giảm đầu tư, giá thành cho các loại thực phẩm thịt, sữa, trứng…
Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính phủ đưa TACN vào danh mục các mặt hàng thiết yếu; đề nghị ngân hàng có chính sách cho vay ưu đãi với nông dân và DN; s ngành hải quan tạo điều kiện về thủ tục nhanh nhất cho DN. Ngoài ra, Cục Chăn nuôi phải tăng cường thông tin dự báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng về giá. Còn các DN phải công bố giá và đảm bảo chất lượng cho người chăn nuôi…
Với những giải pháp trên, hy vọng, thời gian tới, thị trường TACN sẽ ổn định, nông dân sẽ không còn phải lao đao trong cơn "bão giá".
Bài 4: Chăn nuôi an toàn, bền vững với môi trường