KTNT – Xây dựng nông thôn mới là vấn đề lớn, nhằm tạo ra sự chuyển biến về mọi mặt trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao chất lượng sống của người dân. Với 19 tiêu chí đề ra, việc xây dựng mô hình nông thôn mới phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Nhất là thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng hạn chế. Vậy nhưng cũng có nhiều địa phương đang làm rất tốt.
Công trình nước sạch với tổng kinh phí 11 tỷ đồng hoàn thiện sẽ góp phần kiện toàn hệ thống hạ tầng ở Nhân Quyền. |
BàI I: Nhân Quyền, xã nông thôn mới
Nếu nói địa phương nào đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Hải Dương, nhiều người sẽ nhắc tới xã Nhân Quyền (huyện Bình Giang). Với những bước đi đúng, vùng quê này đang dần "thay da, đổi thịt". Năm 2008, Nhân Quyền vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Trong chuyến công tác mới đây về Nhân Quyền, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của vùng quê này, hệ thống đường làng, ngõ xóm được bê-tông hoá, 4 thôn đều đạt danh hiệu "Làng văn hoá", cả 3 cấp trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia…
"Phố" giữa quê
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND xã Nhân Quyền hồ hởi: "Toàn xã có 4 thôn là Đan Loan, Hoà Loan, Bùi Xá và Dương Xá với 1.540 hộ, 6.550 khẩu. Những năm qua, Ban chấp hành Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể đã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế – xã hội theo 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Nhân Quyền đã đạt được những kết quả đáng tự hào".
Thanh niên xã Năng Khả (Nà Hang – Tuyên Quang) đi đầu trong xây dựng nông thôn mới. |
Để minh chứng, ông Trực dẫn chúng tôi "mục sở thị" các công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm… Điều đầu tiên dễ nhận thấy ở Nhân Quyền là những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát, đường giao thông được bê-tông hoá, lưới điện sinh hoạt được nâng cấp…
"Để có điều kiện phát triển hạ tầng, cán bộ và nhân dân trong xã đã tranh thủ mọi nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất. Xã đã đầu tư trên 7 tỷ đồng làm 24, 5km đường bê-tông, 3km đường trải nhựa theo dự án WB2. Ngay cả đường dẫn ra cánh đồng cũng được bê -tông hoá. Đến nay, xã đã xây dựng và hoàn thiện hai trạm biến áp (320 KVA và 180 KVA), 15km đường điện hạ thế, 2km đường điện cao thế phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Nhờ đó, 100% số hộ được sử dụng điện sinh hoạt", ông Trực cho biết.
Cùng với đó, xã tập trung đầu tư xây dựng trường, lớp phục vụ cho việc dạy và học tại địa phương với 36 phòng học cao tầng và các công trình phụ trợ, tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Từ năm 2002, xã tập trung xây dựng trạm y tế với 11 phòng kiên cố, kinh phí trên 200 triệu đồng. Năm 2004, xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Đi đầu trong các phong trào
Hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", đến nay, cả 4 thôn của Nhân Quyền đã xây dựng hương ước, quy ước làng văn hoá. Năm 2008, xã có trên 90% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá. Hằng năm, xã phát động phong trào xây dựng Gia đình văn hoá đến các gia đình, khu dân cư, áp dụng phương pháp tự chấm điểm theo các tiêu chí, sau đó Ban công tác mặt trận thôn rà soát kết quả và thông báo công khai với dân, đề nghị UBND xã công nhận Gia đình văn hoá. "Việc để các gia đình tự đánh giá không những nâng cao được tính tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi gia đình mà còn thể hiện tính dân chủ trong nhân dân", ông Trực cho biết.
Công tác khuyến học, khuyến tài được xã đặc biệt quan tâm. Hằng năm, xã huy động xây dựng quỹ khuyến học từ 8 – 10 triệu đồng, tổ chức tặng quà động viên các thầy cô giáo dạy giỏi, những học sinh có thành tích cao trong học tập. Mỗi năm, Nhân Quyền đều có trên 50 em đỗ đại học, cao đẳng.
Một điều đáng để các địa phương khác học tập Nhân Quyền, đó là việc xây dựng "tiếng kẻng học tập". Người khởi xướng phong trào trên là ông Trực. Cho đến nay, phong trào đã duy trì được gần 20 năm. Nhớ lại những ngày đầu, ông Trực tự hào: "Hồi ấy nhiều bậc cha mẹ mải mê làm ăn, không quan tâm đến việc học tập của con cái. Vì vậy, tôi đã cùng mọi người xây dựng phong trào "tiếng kẻng học tập". Gần 20 năm qua, cứ 19 giờ hằng ngày, tiếng kẻng lại vang lên báo hiệu đã đến giờ học bài của học sinh". Nói về hiệu quả của phong trào "tiếng kẻng học tập", anh Nguyễn Văn Huân ở thôn Bùi Xá cho biết: "Mỗi khi tiếng kẻng vang lên, các gia đình đều trở nên yên tĩnh, mọi người ai vào việc nấy. Đến giờ, phong trào đã thành nếp rồi!".
Rời Nhân Quyền, chúng tôi ghi nhớ lời nhắn nhủ của ông Trực: "Quê tôi dù không được chọn xây dựng mô hình nông thôn mới nhưng đến nay nhiều tiêu chí của địa phương đã đạt và vượt. Hiện, địa phương đang xây dựng công trình nước sạch với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng. Chỉ vài tháng nữa thôi, người dân Nhân Quyền sẽ được sử dụng nước sạch".
Với phương châm lấy phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu, đẩy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông thôn, xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…, Nhân Quyền bước đầu tìm thấy hướng đi của mình, tạo ra những nhân tố trong xây dựng nông thôn mới.
BàI II: Làm "nông thôn mới" kiểu Thầy Ký