Công bố kết quả nghiên cứu: Khảo nghiệm một số giống sắn kháng bệnh khảm lá tại tỉnh Quảng Nam

Đề án tốt nghiệp thạc sĩ: Khảo nghiệm một số giống sắn kháng bệnh khảm lá tại tỉnh Quảng Nam

Ngành: Bảo vệ thực vật

Mã số: 8620112

Tác giả: Đàm Xuân Tùng

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trần Thị Hoàng Đông

Đề tài Khảo nghiệm một số giống sắn kháng bệnh khảm lá tại tỉnh Quảng Namđược thực hiện nhằm đánh giá tình hình sản xuất sắn, mức độ nhiễm bệnh khảm lá và xác định một số giống sắn có khả năng kháng bệnh khảm lá phù hợp với điều kiện sinh thái tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

– Thời gian và địa điểm nghiên cứu: Từ tháng 12/2022 đến tháng 8/2023 tại thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Phương pháp nghiên cứu

– Điều tra thực trạng canh tác sắn và bệnh khảm lá trên cây sắn thông qua khảo sát 60 hộ nông dân trồng sắn trên địa bàn huyện Quế Sơn bằng phiếu hỏi được xây dựng sẵn. Các thông tin khảo sát gồm diện tích, năng suất, sản lượng sắn, dịch hại trên cây sắn, tình trạng gây hại của bệnh KLS và các biện pháp đã áp dụng để quản lý bệnh KLS từ năm 2019 – nay.

– Bố trí thí nghiệm khảo nghiệm các giống sắn và theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển, năng suất theo Quy chuẩn Khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống sắn (QCVN01-61:2011/BNNPTNT). Điều tra các đối tượng dịch hại trên cây sắn theo QCVN 01-61:2011/BNNPTNT và bệnh khảm lá theo phương pháp của CIAT

– Xử lý số liệu: Số liệu điều tra nông hộ được mã hóa và xử lý bằng phần mềm thống kê SPSS 20. Số liệu thí nghiệm được tính trung bình bằng phần mềm Excel 2010 và xử lý thống kê theo Statistix 10.0.

Kết quả nghiên cứu chính đã đạt được

– Bệnh KLS phát sinh gây hại trên đồng ruộng từ giai đoạn cây con trên tất cả các giống sắn thí nghiệm. Hai giống HN5 và HN1 là ít bị bệnh khảm lá nhất trong tập đoàn giống nghiên cứu.

– Có 6 loài côn trùng, 2 loài nhện nhỏ và 2 loài bệnh xuất hiện trên ruộng sắn. Trong đó, 4 loài gồm bọ phấn trắng (Bemisia tabaci), nhện đỏ (Tetranychus urticae Koch), bệnh khảm lá (SriLanka cassava mosaic virus) và bệnh cháy lá (Xanthomonas axonopodis pv. manihotis) là những đối tượng gây hại phổ biến nhất trên ruộng sắn.

– Năng suất củ tươi của các giống sắn thí nghiệm đạt từ 23,2 – 57,1 tấn/ha, trong đó, HN1, KM 505-54, HL-S14 là những giống có năng suất củ tươi tương đương với giống đối chứng KM94-QS. HN97 là giống có hàm lượng tinh bột cao nhất với 27,5% và thấp nhất là HN5 (21,3%). Các giống còn lại đều có hàm lượng tinh bột trên 25%.

Đề nghị tiếp tục nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác như thời vụ, mật độ, phân bón,…cho giống sắn HN1 để hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác giống sắn kháng khảm này tại địa phương.

Xem file tại link: