“Nâng cao năng lực đào tạo theo tín chỉ đối với giảng viên”, đó là chủ đề của Hội thảo vừa diễn ra tại trường ĐHNL Huế, do Công đoàn trường ĐHNL tổ chức. Ban giám hiệu trường ĐHNL, Ban chấp hành Công đoàn trường cùng đông đảo cán bộ giảng viên của trường đến dự.
Tại Hội thảo, nhiều giảng viên đã trình bày các tham luận về những kinh nghiệm của mình qua một năm áp dụng chương trình đào tạo tín chỉ tại trường ĐHNL. Thầy Nguyễn Ngọc Truyền, Khoa Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp cho rằng: "đào tạo tín chỉ, nhiều giảng viên được linh hoạt tiếp cận với các phần mềm máy tính, vận dụng được kiến thức và phương pháp truyền đạt tốt hơn vào quá trình giảng dạy. Điều này, giáo viên có thể tiết kiệm được thời gian và tận dụng được tối đa tính linh hoạt của các công cụ này, góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập". Với những ưu điểm của chương trình đào tạo mới, đào tạo tín chỉ là phương thức đào tạo, tôn trọng người học, xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo, TS. Đỗ Thị Bích Thủy- GV khoa Cơ khí- Công nghệ nhấn mạnh: "hệ thống tín chỉ là một hệ thống quản lý khoa học, chặt chẽ, linh hoạt và mềm dẻo. Nó tạo cho sinh viên có nhiều lợi thế, tăng tính chủ động cho người học, tăng chất lượng đào tạo nếu thực hiện tốt". Việc chuyển đổi hệ thống đào tạo theo niên chế sang hệ thống đào tạo theo tín chỉ đã có những hiệu ứng thích hợp. "Thái độ học tập của sinh viên đã có sự thay đổi, tinh thần tự học của sinh viên được hiểu và thực hiện với thái độ nghiêm túc hơn; tính linh hoạt trong việc sử dụng quỹ thời gian được sắp xếp tốt; sinh viên đã phải thể hiện nghị lực học tập để tích lũy đủ kiến thức trước khi rời trường tham gia vào thị trường lao động bên ngoài". TS. Hồ Đắc Thái Hoàng- GV khoa Lâm nghiệp có đồng quan điểm trên.
Qua một năm ứng dụng đào tạo tín chỉ tại trường ĐHNL, nhiều giảng viên cũng như sinh viên gặp nhiều khó khăn với việc tiếp cận phương pháp mới này trong điều kiện hoàn cảnh nước ta. Trong báo cáo của Th.S Phạm Hữu Tỵ- Khoa Tài nguyên đất và Môi trường nông nghiệp: "Với sinh viên còn gặp khó khăn trong quá trình lựa chọn học phần, tính chủ động trong học tập còn hạn chế…; đối với giảng viên thì khó khăn trong việc bố trí thời gian thực hành môn học cho sinh viên, trong việc tìm kiếm phần mềm giảng dạy". Theo Th.S Nguyễn Thị Thanh – khoa Nông học: "cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Sinh viên phải tốn thời gian để làm quen với phương pháp mới, chưa có định hướng về nghề nghiệp trong những năm học đầu. Số lượng sinh viên trong một lớp quá đông vì vậy khó khăn cho giáo viên trong các buổi seminar và thảo luận. Giáo viên cần mất nhiều thời gian và công sức hơn để đầu tư vào việc cải tiến phương pháp giảng dạy thực hành, thực tập và các hoạt động khác".
Nhằm khắc phục những hạn chế đào tạo tín chỉ, TS.Hồ Trung Thông- Khoa Chăn nuôi – Thú y đã nêu lên những giải pháp khắc phục: "Phòng Đào tạo lập ban đại diện học phần và phân nhiệm vụ cho ban này quản lý chặt chẽ việc tổ chức dạy và học; công bố trên website của trường về yêu cầu điều kiện tham gia các môn học và đăng tải thông tin về thời khóa biểu môn học, thời gian đào tạo thông qua website; công khai lý lịch khoa học của giáo viên nhà trường, các công trình nghiên cứu của giáo viên nhằm tạo động lực học tập cho sinh viên và sự lựa chọn giáo viên của sinh viên; mã hóa khác nhau cho học phần của các chuyên ngành khác nhau…"
Từ những ý kiến thảo luận tại Hội thảo sẽ góp phần giúp trường ĐHNL Huế tìm ra các giải pháp thích hợp để tổ chức thực hiện đào tạo tín chỉ hiệu quả hơn.