Trong những lần đi thực tế tại các trường đại học được phản ánh có tính trạng loạn thu, tôi đã gặp một lớp trưởng. Ngoan ngoãn, năng động với các công việc “điếu đóm” điểm danh, cầm sổ đầu bài, thu giấy vay vốn, thông báo lịch học, lịch thi, lịch nộp học phí… là hình ành của cậu.
Trong buổi học mà tôi được chứng kiến, SV này là thành viên tích cực luôn giơ tay phát biểu và nhận được nhiều ưu ái của thầy cô.
Khi chia sẻ với những bức xúc về học phí, cũng như nhiều SV khác, SV này yêu cầu được giữ kín danh tính, mặc dù ở vị thế của mình, bạn chính là người đại diện cho những SV khác lên tiếng về những vấn đề liên quan đến quyền lợi.
Tình cờ, tôi biết trên diễn đàn "tự phát" của sinh viên, cậu lớp trưởng này lại xuất hiện thường xuyên trong các chủ đề về học phí với những ý kiến "phản biện" nhà trường gai góc nhất, tất nhiên là với một nick "ảo".
SV "xả" những bức xúc của mình trên mạng internet thay vì công khai với nhà trường. Ảnh minh họa |
Tốn mấy chục triệu rồi, thôi cố chịu thêm…
PV: Diễn đàn là của nhà trường hay SV tự quản lý hả bạn?
Do SV tự lập, quản trị diễn đàn là SV và cũng là cán bộ lớp nên "nhát chết" lắm. Mấy cái topic phản ánh về học phí hay về thư viện, thủ tục hành chính, cơ sở vật chất… trước đây sôi động lắm. Nhưng kể từ khi trường bị lên báo chí thì các ý kiến cũng ít đi, các bình luận bị kiểm duyệt, còn những chủ đề "nhạy cảm" thì bị đóng.
Nhưng bên ngoài quán nước, mấy anh quản trị đó cũng bức xúc lắm. Không muốn, mà vẫn phải viết bài bênh vực trường.
PV: Vì sao vậy?
Vì sợ ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của bản thân. Kỳ học nào, nhà trường cũng tổ chức diễn đàn đối thoại giữa Hiệu trưởng hay lãnh đạo các khoa, phòng với SV, nhưng có ai dám lên tiếng đâu.
Một số năm thứ 3 hay năm cuối thì sợ bị "trù úm" không được ra trường. Một số tặc lưỡi cho qua: "Có mấy chục nghìn thì đáng là bao". Một số khác không quan tâm. Nhưng đa phần là do đã phản ánh nhiều nhưng không thấy nhà trường thay đổi, nên chán không muốn nói nữa.
PV: Đó là các cán bộ lớp, cán bộ Đoàn. Thế còn những SV khác thì sao?
Đa số đều sợ và cam chịu. Các bạn cũng sợ lắm, bị "out" khỏi trường là "chết với các cụ ở nhà". Từ hồi đi học ĐH đến giờ, đã tốn hết mấy chục triệu rồi, thôi thì cố chịu thêm ít nào hay ít đấy.
Tôi không biết Hội SV mặt mũi, hình thù ra sao?
PV: Nhà trường rất dân chủ trong việc mở ra các kênh đối thoại, vậy tại sao SV lại sợ. Phải chăng lỗi này nằm tại chính SV?
Có lẽ đó là một phần của vấn đề. Người Việt Nam mình thế mà. Từ bé đến lớn đều được dạy là nghe lời bố mẹ, nghe lời thầy cô mới là đứa trẻ ngoan.
Đi học thì thầy đọc gì chép đấy, làm bài thi theo đáp án để đạt điểm cao. Nhiều SV năm thứ 2 trường tôi, bị gọi lên bảng ấp úng nửa giờ không nói nổi một câu, sau phải xin thầy cầm sách trả lời nhưng cũng không biết tìm vấn đề ở đâu để mà nói.
Học đã như vậy thì "mơ" gì đến chuyện SV đứng lên đấu tranh vì những quyền lợi chính đáng của bản thân. Nhiều người mang tâm lý "đối phó" cho qua bốn năm để lấy được tấm bằng nên nhiều lúc cũng tặc lưỡi cho qua nhiều vấn đề.
PV: Khi có vấn đề cần lên tiếng, SV có nghĩ đến tổ chức Đoàn & Hội SV không? Đây là nơi phản ánh bức xúc và gửi gắm quyền lợi của SV mà.
Nói thật, bây giờ hỏi nhiều SV, họ còn không biết Hội SV là cái gì? hoạt động ra sao nữa. Như chỗ tôi học xa cơ sở chính của trường, hội mặt mũi, hình thù ra sao tôi chưa một lần biết đến.
Thỉnh thoảng, lớp lại nhận được một văn bản của Đoàn hoặc Hội gửi xuống thông báo đang có vấn đề nhạy cảm này, nhạy cảm khác diễn ra và cấm SV không được tham gia. Nếu không sẽ có hình thức kỷ luật.
Có gì bức xúc thì tự SV xả với nhau hoặc cùng lắm là kiến nghị lên khoa, trường, chứ cũng không gửi đến Hội
Nói thật bằng nick ảo
PV: Trên diễn đàn tôi thấy bạn phản biện những tồn tại trong nhà trường rất gai góc. Đã bao giờ những ý kiến đó được công khai cất lên trong một buổi đối thoại với hiệu trưởng chưa?
Nói thật là tôi cũng "xoắn" lắm, có đấu tranh thì cũng ở một mức độ nào đó thôi. Ký túc xá, thư viện, sân chơi… là mấy vấn đề dễ nói vì nhà trường cũng sớm khắc phục.
Nhưng cứ động đến học phí thì từ giáo viên chủ nhiệm đến hiệu trưởng đều cho một câu trả lời chung chung là "xã hội hóa giáo dục nên phải tự thu, tự chi". SV không có thông tin nên cũng chẳng biết nói thêm gì nữa.
Từ đó, có họp hành, đối thoại gì thì cũng không ai muốn phát biểu nữa. Ngồi cho hết buổi rồi ra về…
PV: Và sau đó, ấm ức được ném lên các diễn đàn rất rôm rả?
Thì SV mà. Chúng tôi quan niệm diễn đàn là nơi tụ tập xả stress, "chém gió", giao lưu, làm quen… Bạn thử xem việc phải đứng lên đối diện với thầy hiệu trưởng và một đám đông đang dò xét xung quanh, với việc ngồi một mình trước màn hình máy tính với một cái nick "chém gió" (không ai biết mình là ai), thì vị thế nào sẽ giúp người ta nói thật hơn?
Cảm ơn bạn!
TS. Trịnh Hòa Bình: SV Việt Nam không được giáo dục thói quen phản biện. Tính hai mặt của một lớp trưởng SV như ở trên là một hiện tượng không phổ biến nhưng có tính phổ quát. Cũng giống như câu chuyện người khác đi xe bus nhìn thấy kẻ trộm nhưng không dám tố cáo, chỉ khi kẻ trộm xuống xe thì mới hô hoán. Hay ở trong một cơ quan, khi ngồi vỉa hè, trà đá thì nhân viên bàn luận rất gay gắt về thủ trưởng hay những vấn đề bức xúc, nhưng trong cuộc họp thì lại im thin thít. Cách đây không lâu, trong diễn đàn Sống trung thực do VietNamNet tổ chức, một bạn trẻ đã nói đến chuyện trung thực có điều kiện và dũng cảm có điều kiện. Không phải là một sự dũng cảm hết mình, mà là một sự dũng cảm có điều kiện, trong những hoàn cảnh cụ thể và luôn tạo cho mình một đường rút an toàn. Ngay cả nói thật thì cũng là nói thật có điều kiện, nói thật ẩn danh, nói thật được bảo vệ. Thích an toàn, cam chịu, dễ thỏa hiệp, vô cảm trước những vấn đề không động chạm đến quyền lợi thiết thân… đó là tâm lý rất phổ biến trong xã hội, thậm chí ở ngay cả các bậc người lớn như cha mẹ, thầy cô, các nhà khoa học, trí thức… SV nhìn vào đó và tự nhiên các em sẽ hình thành một cơ chế "tự kiểm duyệt" trước những vấn đề bức xúc cần lên tiếng. Bên cạnh đó, SV Việt Nam vốn quen lối giáo dục một chiều, từ bé đã không được giáo dục thói quen phản biện, bày tỏ chính kiến của bản thân. |