Theo đánh giá của ngành Chăn nuôi, những yếu tố như rét đậm, rét hại kéo dài cuối năm 2007, đầu năm 2008, dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng tuy chưa xẩy ra trên diện rộng nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát gây tâm lý bất ổn cho người chăn nuôi, giá các nguyên liệu đầu vào của chăn nuôi không ngừng tăng cao,… đã có những tác động bất lợi đến ngành chăn nuôi. Đặc biệt, giá các nguyên liệu đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi tăng cao, năng lực quản lý và trình độ thâm canh chăn nuôi thấp, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm hiệu quả chăn nuôi.
Cục Phó Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, theo thời giá hiện nay, giá thành gà công nghiệp (quy mô chăn nuôi 1.000 con /lứa, xuất bán 45 ngày tuổi) là 23.500 – 24.000đ/kg và giá thành lợn siêu nạc là 33.000kg – 35.000đ/kg. Với giá bán như hiện nay, người chăn nuôi không có lãi
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dương thì ngành chăn nuôi cũng đã xuất hiện những tín hiệu đáng mừng: Chăn nuôi gia cầm có mức tăng trưởng khá, đạt khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò sữa tiếp tục tăng cao trên 10%, đàn bò thịt tăng khoảng 3%, riêng đàn lợn giảm gần 3%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp tiếp tục tăng cao, đạt khoảng trên 11% so với cùng kỳ năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong 7 tháng đầu năm 2008 khoảng 80,62 triệu USD. Chủ trương tăng diện tích và thâm canh trồng ngô, đậu tương, cỏ làm thức ăn chăn nuôi được nhiều địa phương quan tâm đầu tư. Chăn nuôi trang trại, công nghiệp có chiều hướng phát triển nhanh hơn, nhất là khu vực liên doanh và đầu tư nước ngoài.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong những tháng còn lại của năm 2008 và những năm tiếp theo, hầu hết ý kiến các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng không nên chú trọng quá đến mục tiêu tăng trưởng mà cần nhấn mạnh đến vấn đề an toàn và hiệu quả cho chăn nuôi, nên đặt giải pháp về giống, thú y lên hàng đầu…
3 vấn đề: nâng cao chất lượng giống; thực hiện tốt quy trình thực hành chăn nuôi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường là những mục tiêu chính mà ngành chăn nuôi sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Bộ NNPTNT cũng đưa ra một số giải pháp, như các địa phương tăng cường hoạt động quản lý chất lượng con giống, trong đó tiến hành công tác bình tuyển, đánh giá đàn giống trong sản xuất, nhất là lợn, bò và trâu đực giống. Yêu cầu bắt buộc các cơ sở giống phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống cơ sở phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam hoặc nhà cung cấp. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm cộng đồng về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường trong chăn nuôi.