Sáng ngày 29/8/2023, tại Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) An Lỗ, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH). Trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) phối hợp cùng Viện lúa quốc tế (IRRI) đã tổ chức buổi Tập huấn – trình diễn công nghệ và thiết bị sản xuất phân hữu cơ từ rơm cho hơn 100 đại biểu đến từ các HTXNN thuộc các xã trên địa bàn huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà, tỉnh TTH và các đại biểu đại diện cho phòng Nông nghiệp, kinh tế hạ tầng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp,…của các huyện, thị xã cũng có mặt tham dự tại buổi tập huấn, trình diễn
Tham dự buổi tập huấn, có ông Hồ Đính – Chi cục trưởng, chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), đại diện sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh TTH.
Bà Đinh Thị Kim Dung, Chánh văn phòng IRRI tại Việt Nam và PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của IRRI cùng các chuyên gia IRRI tại Việt Nam
Về phía trường ĐHNL, ĐHH, có PGS.TS. Trần Thanh Đức, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng nhà trường cùng nhóm thực hiện dự án do PGS.TS. Đỗ Minh Cường, trưởng bộ môn Kỹ thuật cơ khí, Khoa Cơ khí và Công nghệ làm trưởng nhóm đã có mặt để tổ chức buổi tập huấn – trình diễn.
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, PGS.TS. Trần Thanh Đức khẳng định: “Việc ứng dụng công nghệ và thiết bị vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ đã được các nhà nghiên cứu, các khoa chuyên môn của nhà trường phối hợp cùng các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện từ lâu, mang lại những hiệu quả rất tích cực, góp phần giúp nông dân tiếp cận được những công nghệ và thiết bị mới vào sản xuất nông nghiệp. Hôm nay, được phối hợp cùng tổ chức IRRI để tập huấn và trình diễn cho bà con tại TTH về công nghệ và thiết bị sản xuất phân hữu cơ từ rơm là việc làm rất cần thiết và thiết thực hiện nay, khi mà lãnh đạo tỉnh TTH cùng các sở ban ngành của tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt việc hạn chế đốt rơm tại đồng, góp phần tận dụng phế phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập trong sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại tỉnh TTH”
Chia sẻ cùng nội dung này tại hội trường, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng cho biết “thu hoạch 1 tấn lúa, sẽ có tương đương 1 tấn rơm rơm rạ trên đồng ruộng. Mặc dù lượng rơm đã được thu gom để phục vụ chăn nuôi và một số mục đích khác, tuy nhiên, một khối lượng lơn rơm rạ được người dân xử lý bằng cách đốt hoặc và vùi dưới ruộng gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và phát thải khí hiệu ứng nhà kính. Việc cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ rơm kết hợp với công nghệ sinh học sẽ rút ngắn thời gian ủ phân (45 ngày), bằng một nửa thời gian so với phương thức ủ thủ công truyền thống; tăng số lượng phân hữu cơ được sản xuất; chất lượng phân hữu cơ được nâng cao góp phần phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường.”
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Lỗ (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) Nguyễn Ba cho biết, hợp tác xã đưa vào sản xuất khoảng 44 ha lúa/vụ, nên lượng rơm rạ sau thu hoạch trên đồng ruộng rất lớn. Việc áp dụng quy trình cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ sẽ góp phần nâng cao nhận thức của bà con nông dân, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ. Hơn nữa, hợp tác xã sẽ tận dụng nguồn phân hữu cơ này để đưa vào bón ở 18 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tại địa bàn góp phần tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chỉ phí đầu vào tăng thu nhập cho bà con.
Tại TTH, diện tích trồng lúa hằng năm hơn 54.000 ha, ước tính lượng rơm rạ thải ra khoảng 620.000 tấn. Ngoài một phần được thu gom để chăn nuôi, che phủ cây trồng, làm nấm, nhập cho thương lái, còn lại phần lớn được đốt và vứt bỏ trên đồng ruộng, các kênh mương gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường, tắc nghẽn dòng chảy. (ông Hồ Đính, chi cục trưởng chi cục TT&BVTV tỉnh TTH trao đổi)
Sau khi được chuyên gia tập huấn, giới thiệu mô hình, các đại biểu được chứng kiến trình diễn cơ giới hóa sản xuất phân bón từ nguyên liệu rơm thô, tro trấu, phân bò khô, men vi sinh… và quy trình sản xuất phân bón từ rơm. Đó là sự kết hợp giữa vật lý và sinh hóa để tối ưu quá trình phân hủy rơm hiệu quả và chất lượng bằng cơ giới máy trộn liên kết máy kéo đảo trộn rơm, quá trình trộn, men vi sinh được phun vào khối trộn với liều lượng phù hợp.
Đại diện nhóm thực hiện chương trình, PGS.TS. Đỗ Minh Cường cho biết: Công nghệ và thiết bị được đưa vào tập huấn và trình diễn sáng nay đã được nhóm trao đổi cùng IRRI và các chuyên gia, nhà khoa học của trường ĐHNL, ĐHH để thực hiện. Các thiết bị và công nghệ này đều có thể sản xuất và chuyển giao tại trường ĐHNL nên nông dân yên tâm khi áp dụng công nghệ và thiết bị này vào sản xuất trong thời gian tới.
Phát biểu tổng kết buổi tập huấn, bà Đinh Thị Kim Dung cho biết: Các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đã tiếp cận và đưa công nghệ, thiết bị này vào sản xuất nông nghiệp từ sớm. Ban đầu là một nhóm hộ cùng nhau làm, sau đó phát triển thành tổ hợp tác và sau đó thành lập doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả, góp phần đưa nền sản xuất nông nghiệp tại địa phương phát triển bền vững, tuần hoàn và giải quyết được việc làm cho nhiều bà con, nông dân.
Thời gian qua, tỉnh TTH đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm chế đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa, tiến hành thu gom bằng máy để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng. Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra mục tiêu thu hút 50 xã, phường tham gia xử lý rác thải thành phân bón tại gia đình; xây dựng đề án và chính sách hỗ trợ cho người dân sử dụng men vi sinh trong xử lý rơm rạ; xử lý phế thải, phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp thành phân bón vi sinh, giảm tải cho việc chôn lấp và tiết kiệm nguồn nước. Vì vậy, công nghệ này hết sức có ý nghĩa và phù hợp tại địa bàn tỉnh TTH.
Một số hình ảnh tại buổi tập huấn: