GS. Michael Henry Boehme: Phát triển các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh là điều kiện cần thiết để hội nhập quốc tế

Tháng 2/2020, GS. Michael Henry Boehme, Khoa Khoa học Sự sống, Đại học Humboldt Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức (Humboldt University of Berlin) bắt đầu thời gian 3 tháng giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Huế trong chương trình trao đổi học giả của Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức DAAD. Nhân dịp này, Giáo sư đã dành thời gian trao đổi với Bản tin Đại học Huế về hợp tác trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu.

GS. Michael Henry Boehme tại phòng làm việc Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế

PV: Giáo sư vui lòng chia sẻ mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Giáo sư và Đại học Huế nói chung và với Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế nói riêng?

GS. Michael Henry Boehme:

Đã 25 năm kể từ tháng 11/1995, tôi lúc đó là Phó Khoa Nông nghiệp cùng đoàn công tác bao gồm tám đại diện của Đại học Humboldt University of Berlin đã có chuyến công tác tại Đại học Huế. Chúng tôi đã cùng thảo luận và làm việc với Giám đốc Đại học Huế lúc bấy giờ là PGS.TS. Nguyễn Thế Hữu và các cộng sự để đi đến thỏa thuận hợp tác được ký kết chính thức vào năm 1997.

Năm 1996 và 1997, trong thời gian này tôi đã làm việc cùng với GS. Lê KhắcHuy, Hiệu trưởng; GS. Trần Văn Minh, Phó Hiệu trưởng và PGS. Nguyễn Minh Hiếu, Trưởng khoa Nông học và Trưởng Bộ môn Làm vườn.

Năm 1997, tôi cùng GS. Lindemann, Trưởng khoa Nông nghiệp (Agriculture and Horticulture) và GS. Kaufmann, Trưởng bộ môn Chăn nuôi (Animal sciences) đã có chuyến thăm và làm việc với Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế. Sau đó, thỏa thuận hợp tác trong khoa học và giáo dục đã được ký kết giữa Trường ĐH Nông Lâm (HUAF) và Đại học Humboldt University of Berlin (HUB).

Tháng 3.2001, chúng tôi tổ chức một hội thảo tại HUAF với sự hỗ trợ của DAAD với chủ đề: Hệ thống sử dụng đất và Công nghệ sinh học (Land use systems and Biotechnology); năm 2006 là một hội thảo cựu lưu học sinh tại HUAF. Năm 2008, một cuộc họp thảo luận về phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ về Khoa học làm vườn (Horticultural Sciences) tổ chức tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội để tìm kiếm khả năng khai thác một chương trình tương tự như vậy.

GS. Michael Henry Boehme thăm phòng truyền thống Đại học Huế

PV: Giáo sư đã hướng dẫn cho bao nhiêu thạc sĩ và tiến sĩ người Việt Nam ?

GS. Michael Henry Boehme:

Tôi đã hướng dẫn một sinh viên từ Hà Nội (Học viện Nông nghiệp Việt Nam – VNUA) thực hiện luận văn cao học, sau đó là luận án tiến sĩ và đã hoàn thành năm 2003; 4 nghiên cứu sinh từ HUAF hoàn thành vào các năm 2002, 2007 và 2012, người sau cùng hy vọng sẽ hoàn thành và tháng 8 năm nay; 01 nghiên cứu sinh từ Trường ĐH Nông Lâm TP HCM; 01 nghiên cứu sinh từ Hà Nội, hoàn thành luận văn cao học tại Leipzig và tiến sĩ vào năm 2016.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học Huế từng là một trong những nghiên cứu sinh do GS. Michael Henry Boehme hướng dẫn tại Đại học Humboldt University of Berlin

PV: Một phần rất quan trọng trong hội nhập quốc tế là việc tham gia vào các mạng lưới học thuật toàn cầu. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc trao đổi ý tưởng và tạo ra các cơ hội hợp tác. Giáo sư có ý kiến gì về điều này?

GS. Michael Henry Boehme:

Hoàn toàn chính xác. Vì vậy, các nhà khoa học và sinh viên Việt Nam nên tham gia vào các hội nghị, hội thảo quốc tế. Thông qua các sự kiện này, họ có thể trao đổi kiến thức và thảo luận các hợp tác xa hơn.

Tôi tham gia thường xuyên các các hội nghị hội thảo này nhưng ít khi thấy các bạn Việt Nam. Năm 2018, tôi rất vui mừng khi gặp PGS.TS. Huỳnh Văn Chương tại một hội thảo cựu sinh viên ở TP.HCM. Tôi cũng thường xuyên khuyến khích đồng nghiệp của tôi ở VNUA tham gia các hội thảo quốc tế và sau đó họ cũng đã thành công và có bài báo đăng trên kỷ yếu hội thảo quốc tế.

Tôi sẽ gửi thông tin đến các bạn ở Đại học Huế về các hội nghị hội thảo trong khu vực như: Hội thảo quốc tế về khoa học cây trồng (ISH) năm 2020 tại Indonesia, SEAVEG năm 2021 do Mạng lưới Khoa học cây trồng quốc tế tổ chức và tôi là một trong những thành viên.

PV: Các chương trình trao đổi học giả cung cấp nhiều cơ hội cho đội ngũ học giả Việt Nam bắt kịp những kiến thức cập nhật của thế giới. Đây cũng là những cơ hội để thiết lập các mối quan hệ quốc tế?

GS. Michael Henry Boehme:

Như tôi biết thì hầu hết các nghiên cứu sinh của các bạn làm nghiên cứu ở nước ngoài, đó là điều kiện để các bạn tiếp tục các hợp tác với các giáo sư hướng dẫn của mình, như các nghiên cứu sinh của tôi đã từng làm là PGS.TS. Huỳnh Văn Chương và TS. Nguyễn Tiến Long (HUAF), cũng như PGS. TS. Lê Hùng Anh, bây giờ công tác tại Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM.

Thậm chí, Việt Nam không phải là thành viên chính thức của chương trình trao đổi sinh viên IAESTE (điều phối viên là Trung tâm Hợp tác Quốc tế của Đại học Thái Nguyên), các bạn vẫn có cơ hội để tổ chức các chương trình trao đổi thực tập cho sinh viên tại các đại học hoặc công ty trên toàn thế giới.

PV: Giáo sư nghĩ như thế nào về sự thay đổi về hội nhập quốc tế trong giáo dục ở Việt Nam nói chung và ở Đại học Huế nói riêng?

GS. Michael Henry Boehme:

Tôi nghĩ, bước đầu tiên là cần thiết phải xây dựng các chương trình đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ bằng tiếng Anh, tiếp đó sẽ là việc tham gia các học bổng nước ngoài và viết các dự án. Đối với các chương trình trao đổi sinh viên, Chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh là rất cần thiết để thu hút sinh viên quốc tế. Tôi chưa hiểu lắm về vấn đề chung của Đại học Huế nhưng tôi nghĩ với HUAF thì cần rất nhiều hơn nữa các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.

PV: Về vấn đề kết nối các nhóm nghiên cứu quốc tế thì sao thưa Giáo sư ?

GS. Michael Henry Boehme:

Tôi đang tiếp tục hợp tác nghiên cứu với các đối tác mà tôi đang có và hướng dẫn các nghiên cứu sinh trong khuôn khổ các hợp tác này. Có một điều mà tôi nhận thấy là thường các đối tác ở Việt Nam, Malaysia hay Indonesia dường như chờ ý tưởng và sáng kiến từ nhóm nghiên cứu. Nhưng tôi thì nghĩ rằng, họ nên chuyển những ý tưởng và đề xuất, nhu cầu của chính họ cho các nhà nghiên cứu cùng hợp tác thì sẽ tốt hơn.

PV: Có cách nào để khuyến khích hay có những chính sách mang tính chiến lược nào cho việc tăng xuất bản thưa Giáo sư?

GS. Michael Henry Boehme:

Có nhiều quy định khác nhau về vấn đề này, ví dụ như hỗ trợ tài chính cao hơn cho đơn vị trong trường hợp đạt được một số lượng xuất bản nhất định. Hoặc thậm chí có thể giảm ngân sách nếu đơn vị không đạt được số lượng và chất lượng xuất bản trong năm. Một cách khác là có thể phát triển một hệ thống đánh giá hoặc hình thức thi đua khen thưởng nào đó. Có thể dựa vào vị trí thống kê trong Researchgate và Google Scholar.

PV: Tại sao Giáo sư chọn Đại học Huế để đến giảng dạy trong khuôn khổ chương trình DAAD?

GS. Michael Henry Boehme:

Tôi đang đồng thời giảng dạy tại các trường đại học ở Đông Nam Á và Nam Á nhưng vì sự hợp tác lâu dài với Đại học Huế, tôi quyết định đến đây với Đại học Huế. Hơn nữa, tôi là thành viên của các tổ chức hữu nghị Việt – Đức nhưng từ trước đến nay tôi chưa có thời gian ở lại lâu hơn với Việt Nam.

Tôi sẽ giảng dạy và tổ chức các seminar cho giảng viên và sinh viên về các chủ đề:

  1. Đào tạo nghề về chuỗi giá trị của thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp
  2. Thu thập và xử lý dư lượng hữu cơ ở các vùng ngoại ô và thành phố – nguyên tắc và an toàn chất lượng
  3. Sử dụng các chất thải hữu cơ cho các loại cây trồng và nấm
  4. Sự bền vững trong sản phẩm cây trồng – Cơ hội và thách thức về công nghệ đổi mới sáng tạo ở Châu Á
  5. Đánh giá việc tiêu thụ rau quả về phương diện giá trị dinh dưỡng và sự quan tâm của người tiêu dùng

Tôi cũng sẽ giảng bài và tổ chức các seminar về Soilless Culture – Hydroponics khoảng 8 giờ/ tuần.

PV: Giáo sư có thể chia sẻ thêm những vấn đề gì về các hoạt động giảng dạy và học thuật cho giảng viên và sinh viên Đại học Huế trong thời gian ở đây?

GS. Michael Henry Boehme:

Thông qua các bài giảng, seminar, tôi sẽ chia sẻ về các hoạt động nghiên cứu và xuất bản. Và nếu các bạn quan tâm, tôi sẽ cung cấp thêm kiến thức, kinh nghiệm của tôi về mô hình e-learning tại Đại học Humboldt University of Berlin.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư và kính chúc Giáo sư có thời gian làm việc thật thú vị tại Đại học Huế.

PGS.TS. Lê Đình Phùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế tiếp GS. Michael Henry Boehme, thảo luận chương trình làm việc và kế hoạch hợp tác trong thời gian sắp đến
GS. Michael Henry Boehme giảng bài về canh tác không cần đất cho sinh viên Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế

______________________________

PGS.TS. Lê Đình Phùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế:

Hàng năm, Trường ĐH Nông Lâm đều đón các chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, kết nối quốc tế, xuất bản quốc tế, xây dựng chương trình dự án chung. Việc phát triển các mối quan hệ giữa nghiên cứu sinh của trường và các giáo sư nước ngoài trở thành các hợp tác quốc tế sâu rộng hơn được nhà trường xác định là vấn đề rất quan trong cho tương lai của sự phát triển. Chủ trương của Trường là gắn các đề tài, dự án HTQT vào hoạt động đào tạo nghiên cứu sinh và gắn với giáo sư nước ngoài. Mỗi nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp là một đại sứ phát triển hợp tác quốc tế. Các nước trên thế giới đều theo mô hình Research based education như được nói trên và chúng ta cũng sẽ theo hướng đó.

Về phát triển các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, từ năm 2009, Nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Chăn nuôi bằng tiếng Anh. Năm 2013 đã có 2 sinh viên Campuchia tốt nghiệp tiến sĩ chương trình này. Năm 2019 tiếp tục có 2 sinh viên Lào tốt nghiệp. Dự kiến năm 2020 sẽ thêm có 5 sinh viên lào, 01 sinh viên Campuchia, 2 sinh viên Việt Nam sẽ tốt nghiệp.

Đại học Huế đã có chủ trương và hướng dẫn xây dựng các chương trình đào tạo song ngữ trình độ thạc sĩ và tiến sĩ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, tăng tính quốc tế hóa đối với các chương trình đào tạo và thu hút học viên nước ngoài. Trong thời gian này, Nhà trường cũng đã chuẩn bị các chương trình đầy đủ điều kiện để đào tạo bằng tiếng Anh trình Đại học Huế phê duyệt.