Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp rất lớn, với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Đặc biệt sơn thủy hưu tình, miền Trung được xem như một viên ngọc thô trong phát triển du lịch nông nghiệp. Mặt khác, ở khu vực miền Trung, kinh tế còn phụ thuộc lớn vào nông nghiệp, tuy nhiên với điều kiện địa hình chia cắt, khí hậu tương đối khắc nghiệt, lắm nắng nhiều mưa, bão lũ thường xuyên nên việc phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại gặp rất nhiều khó khăn. Hướng đi nào mang lại hiệu quả cao trong phát triển nông nghiệp của khu vực này đang được các nhà quản lý, các nhà khoa học và nhà chuyên môn quan tâm tháo gỡ.
Trong nhiều năm trở lại đây, các nhà khoa học của Trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) đã từng bước nghiên cứu và tiếp cận hướng nghiên cứu mở để vừa phát triển nông nghiệp vừa kết hợp du lịch ở Khu vực miền Trung. Tiêu biểu từ kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Du lịch nông nghiệp do TS. Nguyễn Văn Đức đứng đầu, đã hoàn chỉnh mô hình phát triển du lịch nông nghiệp tại hầu khắp các tỉnh miền Trung từ việc thực hiện mô hình trồng hoa hướng dương theo hướng du lịch. Kết quả đã được chuyển giao đến nhiều địa phương và doanh nghiệp, trong năm 2019 – Nhóm nghiên cứu Du lịch Nông nghiệp – ĐHNL đã chuyển giao quy trình công nghệ cho 04 doanh nghiệp ở các tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị, thực hiện 02 gói chuyển giao quy trình công nghệ cho Ủy ban nhân dân huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Ngoài việc chuyển giao quy trình phát triển du lịch nông nghiệp, nhóm nghiên cứu Du lịch Nông nghiệp ĐHNL đã thực hiện thêm mô hình hợp tác WIN – WIN với các hộ dân ở miền Trung. Kết quả hơn 10 hợp đồng hợp tác WIN – WIN cùng đầu tư và cùng chia sẻ lợi nhuận đã được TS. Nguyễn Văn Đức cùng cộng sự thực hiện thành công tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh và đang tiếp tục mở rộng ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Hiệu quả mang lại cho các mô hình du lịch nông nghiệp của TS. Nguyễn Văn Đức được đánh giá không có loại cây trồng nông nghiệp nào sánh bằng, với 01ha hoa hướng dương chỉ phục vụ khai thác du lịch nông nghiệp trong một vụ với lợi nhuận ròng thu được trên 150 triệu đồng (thời gian từ trồng đến hết khai thác du lịch là 2,5 tháng). Ngoài ra, các hiệu quả xã hội khác mang lại còn cao hơn như tạo thêm công việc làm cho người nông dân, giới thiệu và bán các đặc sản vùng miền và thu sản phẩm từ cây trồng nông nghiệp.
Với hiệu quả của mô hình đã đạt được trong nghiên cứu phát triển Du lịch Nông nghiệp đã tạo động lực cho nhiều dự án khởi nghiệp của Thanh niên ở khu vực miền Trung và cả nước. Tất cả các địa phương đã có những thử nghiệm và nhân rộng mô hình này.
Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp ở miền Trung còn rất lớn, tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa có chính sách về đất đai, tài chính và quy hoạch cho việc phát triển mô hình này dẫn đến những cách làm còn mang tính tự phát, thiếu quản lý và rủi ro khá cao. Hy vọng trong những năm tiếp theo, Nhà nước có những chính sách cho lĩnh vực còn mới mẽ này để phát huy hết tiềm năng vốn có của Nông nghiệp Việt Nam.