Bản đề án của chiến lược này nhận định các nhóm ngành hàng này có lợi thế cạnh tranh và có thị trường xuất khẩu ổn định, từ đó xác định hướng phát triển đến năm 2020.
Về lúa gạo, sẽ tập trung phát huy lợi thế về trồng lúa ở các vùng đồng bằng, nhất là ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng theo hướng nâng cao năng suất chất lượng bằng việc sử dụng các giống mới năng suất cao, chất lượng phù hợp với yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bộ cho biết sẽ áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là "ba giảm ba tăng" nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, đồng thời mở rộng chương trình lúa lai để đạt mức sản lượng lúa vào năm 2010 là 36,5 triệu tấn, năm 2015 là 38 triệu tấn và năm 2020 là 39,8 triệu tấn.
Đối với vùng trung du miền núi, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa, sẽ đầu tư thủy lợi nhỏ gắn với xây dựng ruộng bậc thang, tăng cường khuyến nông và hỗ trợ nông dân sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ.
Về cà phê, đề án xác định mục tiêu ổn định diện tích cà phê khoảng 500.000 héc ta, trong đó có 40.000 héc ta cà phê chè ở các vùng có điều kiện phù hợp như Tây Nguyên, Tây Bắc và Bắc Trung bộ. Năng suất trung bình cà phê ước đạt 976.000 tấn vào năm 2010 và 1,1 triệu tấn năm 2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề ra định hướng phát triển trồng trọt các vùng. Nhóm nông sản chủ lực của vùng Đông Bắc là chè, lúa gạo, ngô, khoai, cam quít, vải, nhãn, quế, hồi…, của vùng Tây Bắc là ngô, đậu tương, chè, cây ăn quả ôn đới, nhãn, cà phê chè, lúa đặc sản…, của đồng bằng sông Hồng là cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp hàng năm với diện tích lúa khoảng 550.000 héc ta và của ĐBSCL là lúa gạo, rau các loại, mía, dừa, cây ăn quả với trọng tâm phát triển vùng lúa chất lượng cao khoảng 1 triệu héc ta phục vụ xuất khẩu.