Trường ĐHNL Huế mở thêm ngành mới: Bệnh học thủy sản

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2289/QĐ-BGĐT về việc giao cho trường Đại học Nông Lâm-Đại học Huế đào tạo ngành Bệnh học Thủy sản trình độ đại học hệ chính quy. Theo đó, trường Đại học Nông Lâm Huế sẽ thực hiện đào tạo trình độ đại học hệ chính quy ngành Bệnh học thủy sản, mã số 52.62.03.02.


1. Tính cấp thiết về việc đào tạo ngành Bệnh học thủy sản
Trong chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã chỉ rõ định hướng phát triển thủy sản theo 4 lĩnh vực là khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến và tiêu thụ thủy sản, cơ khí đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó là định hướng phát triển thủy sản ở 5 vùng trên lãnh thổ nước ta là vùng đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; vùng Đông Nam bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long; vùng miền núi, trung du phía Bắc và Tây Nguyên. Đến năm 2020, kinh tế thủy sản góp 30-35% GDP khối nông-lâm-ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8-10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 – 9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5 – 7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65 – 70% tổng sản lượng.
Các tỉnh miền Trung có vị trí và điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là sản xuất giống. Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Trung thành trung tâm sản xuất giống cả nước. Tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven biển đầm phá; phát triển các đối tượng có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, cá biển,…; phát triển nuôi trên biển tại vùng nuôi trồng thủy sản phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo. Theo quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 là tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 36.980 ha, trong đó: diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ là 22.140 ha chiếm 60,0%, diện tích nuôi trồng thủy sản nước nước ngọt là 14.840 ha chiếm 40,0%; Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 158.190 tấn, trong đó: sản lượng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ đạt 122.310 tấn chiếm khoảng 77,3%; sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt đạt 35.880 tấn chiếm khoảng 22,7%; Sản xuất giống thủy sản: cung cấp cho thị trường 100 tỷ giống hải sản các loại và 400 triệu giống thủy sản nước ngọt; Thu hút và giải quyết việc làm lao động nuôi trồng thủy sản cho 80.000 người; Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1.200 triệu USD; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,0%/năm (giai đoạn 2015-2020).
Định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh miền Trung đến năm 2030 là tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 36.750 ha, trong đó: diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ là 21.770 ha chiếm 59,2%, diện tích NTTS nước ngọt là 14.980 ha chiếm 40,8%; Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 208.130 tấn, trong đó: sản lượng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ đạt 162.280 tấn chiếm khoảng 78,0%; sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt đạt 45.850 tấn chiếm khoảng 22,0%; Sản xuất giống thủy sản: cung cấp cho thị trường 120 tỷ giống hải sản các loại và 600 triệu giống thủy sản nước ngọt; Thu hút và giải quyết việc làm lao động nuôi trồng thủy sản 85.000 người; Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1.490 triệu USD; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,4%/năm (giai đoạn 2021-2030).
Do vậy ngành Nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều sản phẩm có giá trị cho xã hội. Tuy nhiên phát triển Nuôi trồng thủy sản kéo theo nhiều vấn đề về dịch bệnh thủy sản. Hiện tại đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu về Bệnh học thủy sản còn thiếu hụt nghiêm trọng. Đặc biệt đội ngũ cán bộ trực thuộc mạng lưới Thú y từ Trung ương đến địa phương làm chuyên môn về Bệnh thủy sản. Do đó, việc đào tạo kỹ sư Bệnh học thủy sản có trình độ chuyên môn sâu đáp ứng với yêu cầu công việc tại các chi cục Thú y, Trung tâm nghiên cứu, chẩn đoán bệnh, các công ty, nhà máy chế biến thủy sản và các trang trại nuôi trồng thủy sản là một yêu cầu cấp bách của thực tế hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội.
2. Mục tiêu đào tạo và cơ hội việc làm của kỹ sư ngành Bệnh học thủy sản
Mục tiêu chung: Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Bệnh học thủy sản nhằm mục tiêu đào tạo các kỹ sư ngành Bệnh học thủy sản có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ tốt, có kiến thức và kỹ năng chuyên môn, có thể làm việc trong các cơ sở sản xuất, quản lý, dịch vụ, nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực Bệnh học thủy sản.
Mục tiêu cụ thể: Hiểu biết kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên để tiếp thu các kiến thức khác; Có kiến thức cơ bản về nuôi trồng thủy sản và kiến thức chuyên môn về sinh lý, bệnh lý thủy sản, chẩn đoán, phòng, trị và quản lý sức khỏe động vật thủy sản; Có kỹ năng chẩn đoán, xác định biện pháp phòng và trị bệnh ở động vật thủy sản; Có khả năng nghiên cứu, xây dựng chương trình, giải pháp quản lý sức khỏe động vật thủy sản cho cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Hoàn thành chương trình đào tạo ngành Bệnh học thủy sản, ngoài các yêu cầu chung về đạo đức nghề nghiệp, thái độ tuân thủ các nguyên tắc an toàn nghề nghiệp, trình độ lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng – an ninh theo quy định hiện hành và đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định hiện hành về Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, người học sau khi tốt nghiệp trình độ đại học ngành Bệnh học thủy sản phải đạt được các yêu cầu năng lực tối thiểu sau đây:
2.1. Kiến thức
  • Có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực Bệnh học thủy sản; nắm vững kỹ thuật chẩn đoán, phòng trị bệnh trên động vật thủy sản và có kiến thức thực tế về Bệnh học thủy sản để có thể giải quyết các công việc phức tạp; tích lũy được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực Bệnh học thủy sản để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến ngành nuôi trồng thủy sản.
  • Nhận biết, phân loại được một số đối tượng nuôi thủy sản chính, động vật đáy, động vật phù du và thực vật phù du có ý nghĩa trong nuôi trồng thủy sản. Ứng dụng được những kiến thức này trong sản xuất giống và nuôi các loài động vật thủy sản, quản lý sức khỏe và chẩn đoán nhanh bệnh ở động vật thủy sản.
  • Vận dụng được những kiến thức về Bệnh học thủy sản để nhận diện được quy luật phát sinh, phát triển của một số bệnh thủy sản phổ biến. Thực hiện được các phương pháp chẩn đoán bệnh lâm sàng và trong phòng thí nghiệm. Phân tích và áp dụng được phương pháp sử dụng thuốc trong phòng và trị bệnh thủy sản.
  • Có trình độ B tin học và sử dụng được một số phần mềm máy tính thông dụng cho chuyên ngành.
  • Có trình độ Anh văn B1 hoặc tương đương.
2.2. Kỹ năng
  • Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành Bệnh học thủy sản trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực Bệnh học thủy sản; có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề quy mô địa phương và vùng miền.
  • Có kỹ năng ngoại ngữ ở mức có thể hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề quen thuộc trong công việc liên quan đến ngành Bệnh học thủy sản; có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết được báo cáo có nội dung đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến công việc chuyên môn.
  • Có khả năng nghiên cứu và chuyển giao các hoạt động về Bệnh học thủy sản, quản lý dịch bệnh thủy sản. Có kỹ năng về tổ chức quản lý điều hành hoạt động quản lý và phòng trừ dịch bệnh thủy sản.
  • Kỹ năng giao tiếp xã hội, thuyết trình trước đám đông.
  • Kỹ năng làm việc nhóm: Trong môi trường làm việc nhóm, người học phải biết xây dựng tinh thần đồng đội, sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau trong quá trình làm việc. Ngoài ra, kỹ năng làm việc nhóm đòi hỏi phải có sự phân công công việc hợp lý cho các thành viên trong nhóm, nhằm phát huy tối đa khả năng của từng thành viên và hiệu quả làm việc của nhóm đạt cao nhất.
  • Kỹ năng làm việc độc lập, nghiên cứu độc lập: Môi trường làm việc, nghiên cứu thường đòi hỏi sự độc lập của các cá nhân, do đó trong quá trình giảng dạy và tập nghiên cứu ở trường, sinh viên chuyên ngành Bệnh học thủy sản cần học tập và phát huy các kỹ năng này.
  • Biết cách xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học thông qua các bài tập lớn, bài thảo luận nhóm….

2.3. Năng lực tự chủ và trách nhiệm
  • Có ý thức trách nhiệm công dân, có thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
  • Có phương pháp làm việc khoa học, biết phân tích và giải quyết các vấn đề mới về quản lý dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam và thế giới.
  • Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ Bệnh học thủy sản; có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau; tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật; có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn ở quy mô trung bình.
  • Có tính hòa đồng, kiên nhẫn, năng động và sáng tạo, biết khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
  • Có lòng yêu nghề, gắn bó với nghề; học tập, cập nhật kiến thức đáp ứng nhu cầu đổi mới; quan tâm đến sự phát triển của cơ quan, có tinh thần cầu tiến; có tinh thần làm việc tốt, có năng lực phát hiện cái mới và cải tiến trong công việc được giao.
2.4. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Bệnh học thủy sản, người học có thể làm việc trong các lĩnh vực sau:
  • Trong các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương có liên quan đến lĩnh vực Bệnh thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Các cơ quan quản lý thú y thủy sản từ cấp Bộ, tỉnh, huyện và cấp xã: Sở, Phòng Nông Nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương, Sở kế hoạch đầu tư, Sở khoa học và công nghệ, Chi cục nuôi trồng thủy sản, Chi cục thú y ở các địa phương, các trại giống địa phương, các trung tâm khuyến nông…).
  • Trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến Bệnh học thủy sản gồm các công ty thức ăn, thú y thủy sản.
  • Trong các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ngành Bệnh hoc thủy sản. Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn bằng cách tham gia các chương trình đào tạo sau đại học trong nước hoặc ở nước ngoài.
  • Làm chủ các doanh nghiệp về tư vấn, quản lý Bệnh học thủy sản, quản lý sức khỏe động vật thủy sản, quản lý thức ăn, thuốc thú y thủy sản.
3. Thực trạng đào tạo trình độ đại học ngành Bệnh học thủy sản
Trước nhu cầu rất lớn về kỹ sư ngành Bệnh học thủy sản nhưng theo thống kê mới chỉ có một số trường đang đào tạo trình độ đại học ngành này. Đó là Đại học Cần Thơ; Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trong khi đó miền Trung và Tây Nguyên bao gồm 19 tỉnh thành, có diện tích tự nhiên 105,7 nghìn km2, chiếm 32,1% diện tích cả nước; dân số 14,85 triệu người (năm 2014) chiếm 17,08% dân số cả nước. Đây là thuận lợi và triển vọng lớn trong nhu cầu tuyển sinh và thị trường cung cấp nguồn nhân lực ngành Bệnh học thủy sản cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.
4. Sự phù hợp trong định hướng quy hoạch nguồn nhân lực của ngành, địa phương, khu vực và cả nước
Trên cơ sở quy hoạch nhân lực của các Bộ, Ngành và Địa phương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã lên kế hoạch tổng thể nhu cầu nhân lực trong cả nước cũng như trong từng vùng kinh tế từ nay đến năm 2020. Theo đó, nhu cầu lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên ở khu vực miền Trung như sau: khu vực Bắc Trung Bộ 678 nghìn người, Nam Trung Bộ là 863 nghìn người, Tây Nguyên là 315 nghìn người.
Trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 đã xác định: “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học – công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế văn hóa, khoa học – công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á”.
Nhìn vào quan điểm quy hoạch và các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Bộ, ngành, địa phương về phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 có thể thấy nhu cầu lao động chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế và nghề Nuôi trồng thủy sản rất lớn. Để phát triển bền vững nghề Nuôi trồng thủy sản cần cán bộ có trình độ cao về Bệnh học thủy sản để quản lý dịch bệnh trong quá trình nuôi. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ đại học ngành Bệnh học thủy sản cho thị trường lao động ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, việc đào tạo kỹ sư Bệnh học thủy sản là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu phát triển của trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế, của tỉnh Thừa Thiên Huế, của khu vực và trong cả nước.
Xem chi tiết: