Chỉ thị 222/TTg của Thủ tướng Chính phủ
Chỉ thị của Thủ tướng về cải cách giáo dục theo nguyên lý “Học đi đôi với hành; Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất; Nhà trường gắn liền với xã hội” cách đây hơn 50 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Sau một năm giảng dạy tại Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội, năm 1968, tôi được tổ chức điều về Trường Đại học Nông nghiệp II (nay là Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế). Khi đó, Trường Đại học Nông nghiệp II mới thành lập (Trường thành lập vào ngày 14 tháng 8 năm 1967 tại tỉnh Hà Bắc, nay là tỉnh Bắc Giang), cơ sở vật chất nghèo nàn; phương tiện dạy học và nghiên cứu thiếu thốn. Khi đó, giảng đường, nhà cửa đều làm bằng tre nứa, vách xung quanh xây bằng “cay đất” (tức đất sét đổ khuôn) mái lợp bằng tranh, rạ, lá cọ hoặc cỏ lác.
Xác định đúng mục tiêu đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo toàn diện nên ngay những ngày đầu, Trường đã xác định mục tiêu đào tạo là “Vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, có sức khỏe tốt”. Để đảm bảo chất lượng đào tạo toàn diện, Nhà trường nghiêm chỉnh thực hiện Nghị quyết 142 của Bộ chính trị, cải cách giáo dục trên 4 địa bàn: Địa bàn 1 (Giảng đường); Địa bàn 2 (Phòng thí nghiệm); Địa bàn 3 (Trại thực hành thí nghiệm), Địa bàn 4 (Các cơ sở sản xuất ngoài xã hội). Một trong những đổi mới quan trọng, đẫn đến thành công của nhà trường trong thời kì này là thực hiện sáng tạo cách làm thế này: Nhà trường khảo sát năng suất cây trồng, vật nuôi của bà con nông dân trong vùng, qua đó đề ra định mức khoán cho các lớp; nếu vượt năng suất định mức thì thầy và trò lớp đó được hưởng. Từ chủ trương này, thầy và trò ra sức học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với nông dân, trao đổi lẫn nhau để làm sao việc áp dụng kiến thức đã học về giống, kỹ thuật nuôi trồng vào thực tiễn đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Đó là những năm chiến tranh, đời sống nhân dân cả nước vô cùng khó khăn; gạo thịt theo chế độ tem phiếu. Nhưng với thầy và trò Trường Đại học Nông nghiệp II, nhờ trồng lúa, trồng lạc, khoai tây, nuôi lợn, gà, nuôi trâu bò vượt năng suất nên đời sống được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, thành công lớn nhất, quan trọng nhất của mô hình này, đó là đào tạo những kĩ sư nông nghiệp toàn diện, biết áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến vào sản xuất ngay khi còn còn là sinh viên. Sau này, nhiều nơi, trong đó có cả trường đại học ở Cu Ba sang tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình này.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm trường.
Với những thành tích nổi bật trong đào tạo, Nhà trường được tặng cờ Luân lưu của Chính phủ 3 năm liền (1977-1978, 1979) và vinh dự được nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước đến thăm, trong đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp GS. Tạ Quang Bửu. Thủ tướng Pham văn Đồng về thăm trường Đại học Nông nghiệp II ngày 2/9/1974. Lúc này, tôi đang là cán bộ giảng dạy của Khoa Trồng trọt. Trong chuyến thăm trường, Thủ tướng viết lưu bút: “Tôi thân ái, nhân ngày quốc khánh của dân tộc, chúc Trường Đại học NN II đạt nhiều thành tựu mới to lớn hơn trước nhằm giải quyết những vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng về trồng trọt và chăn nuôi rất thiết thực với tỉnh Hà Bắc! Tôi thân ái gởi các đồng chí của Trường những tình cảm nồng nhiệt của tôi”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm trường ngày 4/6/1978. Khi đó, tôi là Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thư viện của trường. Dù mới thành lập nhưng phong trào văn hóa thể thao của nhà trường rất mạnh. Nhà trường mời nhạc sĩ Thái Cơ, Văn Kí, Trần Chung, Đôn Truyền…về sáng tác cho Trường những ca khúc mang chất liệu dân ca Quan họ Bắc Ninh được thầy và trò luyện tập, với nhạc đệm là là chiếc ghi – ta và Controbat của tôi, thầy Lan, Acordion của thầy Phan Liêu, Violon của thầy Thọ và những nhạc cụ khác của thầy trò nhà trường nên luôn đoạt giải cao trong các kì hội diễn. Không những đệm đàn cho các tiết mục văn nghệ, tôi còn sáng tác ca khúc về nhà trường. “Tự biên, tự diễn”; “Cây nhà lá vườn” đã tạo nên phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi của nhà trường.
“Khuôn vàng Thước ngọc”
Ấn tượng sâu sắc với Bác Bí thư Đảng ủy. Nói đến phong trào văn hóa văn nghệ của nhà trường, tôi luôn nhớ về bác Bí thư Đảng ủy bác Hoàng Sĩ Oánh là Bí thư Đảng ủy, nhưng bác luôn trực tiếp kiểm tra, giám sát, đôn đốc thầy và trò thực hiện nếp sống văn hóa mới. Câu cửa miệng của bác là “Khuôn vàng Thước ngọc”. “Khuôn vàngThước ngọc” của thanh niên thời ấy là ăn mặc phải gọn gàng, tóc cắt ngắn, tích cực rèn luyện thân thể…. Với “Khuôn vàng” đó, không ít thanh niên mặc quần loe bị rạch ống….Tuy nhiên, với những thầy giáo trẻ, bác Bí thư ứng xử không “mạnh tay” như sinh viên. Có lẽ, bác Bí thư lo sợ, đối xử “mạnh tay” với các thầy, cô giáo trẻ nhỡ ra các thầy, cô giận, nản chí, xin chuyển công tác chăng?. Ngày ấy, những thầy giáo trẻ, được đào tạo ở nước ngoài về trong đó có tôi là rất hiếm, nhiều nơi sẵn sàng đón nhận. Mỗi buổi sáng, dù rét cắt da cắt thịt, bác Bí thư vẫn đến tận các phòng trong kí túc xá sinh viên, hô to, yêu cầu các sinh viên ra sân tập thể dục ngay. Nhưng khi đến phòng các thầy, bác Bí thư rón rén, giọng nhỏ nhẹ, vẻ tội nghiệp: “Khuôn vàng Thước ngọc” ơi, dậy đi, dậy tập thể dục nào”… Với sự trân trọng các trí thức trẻ của bác Bí thư Đảng ủy cũng như các đồng chí lãnh đạo nhà trường ngày ấy, đã tập hợp được đông đảo đội ngũ giáo viên giỏi gắn bó với nhà trường. Và, với phương thức đào tạo vừa học vừa làm, nhà trường đã đào tạo những thế hệ sinh viên toàn diện. Nhiều vị lãnh đạo ở Trung ương coi nhà trường như môi trường quân đội, hướng nghiệp cho con thi vào trường Nông nghiệp II để học tập, rèn luyện và họ đã trở thành kĩ sư, biết vận dụng kiến thức vào việc nhà nông mà trước đây họ xa lạ.
Nhiều thế hệ “Khuôn vàng Thước ngọc” của nhà trường, sau này đã phấn đấu trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, như ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy (Nguyễn Thế Trung, Trần Lưu Hải, Trần Văn Túy, Nguyễn Nhân Chiến…), nhiều thầy giáo, học sinh trở thành lãnh đạo của các Viện nghiên cứu, Giám đốc Đại học Huế, Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế… Phương thức đào tạo mới của nhà trường không những đào tạo những thế hệ kĩ sư nông nghiệp toàn diện mà còn tạo mối quan hệ giữa thầy và trò ấm áp, gần gũi như tình anh em. Đã đành, sinh viên học thầy về kiến thức, về phong cách sống mẫu mực, nhưng đôi khi thầy giáo học sinh viên về kinh nghiệm sản xuất của nhà nông. Nhiều hôm, sau giờ học, thầy trò đi bắt cá, bắt tôm, cùng vào bếp đun nấu, cải thiện bữa ăn, thật vui vẻ, ấm cúng. Đó là những năm đời sống nhân dân cả nước vô cùng khó khăn. Tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm diễn ra trầm trọng. Ở trường Nông nghiệp II, cán bộ, giáo viên, sinh viên phải ăn mì, ăn bo bo…
Phòng thí nghiệm tế bào học dưới hầm
Giai đoạn từ năm 1967-1973, bom đạn Mỹ bắn phá ác liệt, vì vậy phải đào nhiều hầm trú ẩn, trong đó có hầm bố trí Phòng nghiên cứu Di truyền- tế bào học: vẫn có lồng kính, lồng khử trùng, kính hiển vi quang học, các lam thủy tinh để làm tiêu bản tế bào rễ lúa, hành, cà chua, lạc, đậu tương… Các quy trình làm tiêu bản vẫn theo chuẩn của quốc tế. Lúc đó vẫn làm được tiêu bản “Nhiễm sắc thể” ở Đậu tương gây đột biến bằng tia Gamma Co60.
Khoa chăn nuôi có phòng thí nghiệm sinh lý do Hà Lan tài trợ. Đích thân thầy Hiệu trưởng trường Đại học Wageningen đứng trên bục giảng tại lớp học có tường rơm đất bao quanh. Có đoàn sinh viên từ Mỹ đến giao lưu và chơi bóng chuyền với sinh viên của trường. Kỷ niệm đáng nhớ là có một sinh viên Mỹ đã tự đốt thẻ quân dịch ngay sau trận đấu bóng chuyền tại trường.
Đã 55 năm trôi qua, tôi cứ nghĩ vì sao, trong điều kiện vô cùng khó khăn về vật chất và nguồn nhân lực, thế mà Trường vẫn đạt được những kỳ tích ba năm liền là Lá cờ đầu của ngành Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, thời đó, giữa bao nhiêu trường có truyền thống vẻ vang như Đại học tổng hợp, Đại học Bách khoa, Kinh tế quốc dân, Ngoại giao, Đại học Nông nghiệp I…
Điều tôi tâm huyết nhất đó là dưới mái trường Đại học Nông nghiệp 2, từ các đồng chí lãnh đạo, các thầy cô giáo, đến các cán bộ công nhân viên chức, đến các em học sinh đều coi Nhà trường là mái nhà êm ấm, cả trường là một Đại gia đình, tình cảm chân thành, đầm ấm, thủy chung, sâu sắc. Đến giờ, dù đã có nhiều người đã ra đi, trong đó có thầy giáo đã hy sinh vì bom từ trường khi băng mình cứu trẻ em của bà con xã Bích Sơn, Việt Yên, Hà Bắc nơi trường cư trú.
Cảm kích hơn, khi Trường chuyển về Cố đô Huế, các thế hệ lãnh đạo, các thầy cô giáo, học sinh của trường Đại học Nông Lâm, Đại họcHuế, ngày nay vẫn giành những tình cảm trân quý nhất đến thầy trò trường 2 Hà Bắc như xưa. Gần đây nhất là ngày 02/8/2022, Hội cựu Giáo viên, cán bộ công nhân viên, sinh viên tại các tỉnh phía Bắc và Hà Nội, đã vinh dự được gặp và giao lưu với Đoàn cán bộ của Trường ra thăm Hà Nội. Thay mặt Hội cựu CBCNVC và học sinh tại Hà Nội xin gửi tới Trường Đại học Nông Lâm Huế lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp kỷ niệm 55 ngày thành lập Trường 14 tháng 8 năm 1967.
Kính chúc Trường liên tục phát triển, đổi mới, sáng tạo đạt được những thành tưu rực rỡ góp phần đưa Nông nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới, trở thành cường quóc về nông nghiệp trong thời gian sớm nhất./.