Ký ức về một ngôi trường

Năm 1973 tôi thi đậu vào trường Đại học Nông nghiệp 2 (ĐHNN2). Nếu không đi bộ đội thì tôi vào học khóa 7 của trường. Sau ngày Miền Nam giải phóng, đầu tháng 9/1976 tôi mới có Quyết định xuất ngũ để về trường nhập học, năm ấy là khóa 10.

Gần một năm rưỡi sống ở Sài Gòn sau giải phóng, tôi thấy ở đây những ngôi trường như đại học Khoa học, đại học Kỹ thuật, đại học Sư phạm, đại học Y khoa được xây dựng từ thời Pháp và Mỹ để lại. Nhìn từ bên ngoài thôi đã thấy lộng lẫy, cao sang lắm. Tôi thầm ước được ngồi vào giảng đường, được là sinh viên của một trong những ngôi trường ấy. Suốt chặng đường đi xe đò ra Bắc, tôi cố hình dung về ngôi trường ĐHNN2 mà mình sắp là sinh viên, có đẹp như những ngôi trường Đại học trong Sài Gòn mà tôi từng thấy?

Thời gian đi ra Bắc mất khoảng 5 ngày, tôi về quê thăm nhà khoảng một tuần. Nên mãi đến đầu tháng 10 mới có mặt tại trường để nhập học. Theo hướng dẫn trên Giấy báo nhập học, tôi đi tàu từ ga Ninh Bình ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội đi Bắc Giang, xuống ga Sen Hồ, đi bộ chừng 3 km là đến trường. Đoạn đường ước chừng 140 km đi hết gần 2 ngày. Trên người vẫn bộ quần áo lính, chỉ khác chiếc ba lô con cóc được thay bằng chiếc hòm (rương) gỗ, đóng rất đẹp của bà chị ruột cho trước đó. Cảm giác đầu tiên lúc đến trường là, sao trường Đại học mà giống các lán trại huấn luyện bộ đội ngày trước vậy?

Tôi vào Phòng Tổ chức cán bộ xuất trình giấy tờ. Bác Khoái phụ trách Phòng hỏi tôi chọn học khoa nào trong 3 khoa: Kinh tế, Chăn nuôi – Thú y và Trồng trọt. Vì tôi thích học toán nên chọn khoa Kinh tế. Bác nói khoa Kinh tế hết chỗ, chỉ còn khoa Trồng trọt và Chăn nuôi. Tôi nghĩ, không lẽ cả đời chăn trâu, cấy lúa, giờ lại học cấy lúa chăn trâu? Lưỡng lự một lát tôi chọn khoa Chăn nuôi – Thú y. Dù sao thì cũng gần với nguyện vọng Y khoa trước đây của tôi hơn. Bác phân tôi vào lớp 10B và là người số 56 trong danh sách lớp.

Tìm hiểu, tôi biết trường được thành lập năm 1967, mục đích đào tạo kỹ sư nông nghiệp cho các tỉnh miền Trung. Do chiến tranh nên trường đặt tạm ở Hà Bắc, giữa cánh đồng, xây dựng theo kiểu trường học sơ tán. Toàn bộ công trình xây dựng, từ nhà Ban Giám hiệu, Hội trường, lớp học, nhà ở tập thể cho cán bộ, giáo viên, sinh viên đều là nhà tranh vách đất. Liền với khu trung tâm của trường là những quả đồi đất thấp. Đồi Tên lửa, được gọi tên này vì trước đó có đặt bệ phóng tên lửa đánh máy bay Mỹ. Cạnh đó là đồi chè, có lẽ trước đó trồng chè. Nối giữa các quả đồi là những con đường nhỏ, cũng là các đập ngăn nước, tạo ra một khu hồ rộng, rất thơ mộng.

Đồi chè và đồi Tên lửa là nơi xây dựng các dãy nhà ở (ký túc xá) cho sinh viên nam. Mỗi lớp một dãy, mỗi dãy có 6 phòng ngăn vách riêng biệt, mỗi phòng kê 4-5 giường tầng cho 8-10 người, biên chế vào một tổ học tập. Cửa phòng là những mảnh gỗ ghép lại, không được kín, mùa đông gió lạnh thổi vào, ngồi học phải trùm chăn cho ấm. Mùa hè trời nóng, chiếu trải giường thấm mồ hôi lâu ngày tạo thành mảng đen rõ hình người nằm.

Mỗi năm trường chiêu sinh 6 lớp cho 3 khoa, ước khoảng 300 sinh viên mỗi năm. Thời gian đào tạo 4,5 năm nên lượng sinh viên có mặt tại trường tổng cộng các khóa khoảng gần 1500 người, tương đương với 30 dãy nhà ở cho sinh viên. Lớp học, nhà ở của nữ sinh viên, nhà tập thể giáo viên, nhà ăn… nằm ở khu trung tâm, trên cánh đồng đối diện với Đồi chè, bên kia hồ nước.

Hiệu trưởng nhà trường, bác Hoàng Sỹ Oánh là Đại tá quân đội phục viên, nên ông xây dựng nhà trường theo phong cách một đơn vị quân đội. Sinh viên không được để tóc dài, mặc quần loe, áo hoa. Đến giờ ăn, mỗi người cầm một cái bát và đôi đũa xếp hàng vào nhà ăn tập thể. Hàng tháng, định kì có sinh hoạt lớp, sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt chi bộ Đảng. Mỗi lớp có nhân viên “cờ đỏ” cùng cán bộ lớp quản lý học tập. Nhiệm vụ của cờ đỏ là thổi còi báo giờ dậy tập thể dục buổi sáng, giờ lên lớp, giờ vào học buối tối, giờ giải lao và giờ đi ngủ. Sinh viên không có thời gian đi chơi tự do (trừ chủ nhật), không được nấu ăn trong khu tập thể. Tuy cấm vậy nhưng vẫn có anh rút trộm mái tranh đầu hồi, để lén luộc sắn khoai kiếm được. Trường cũng cấm sinh viên không được cặp kè lứa đôi ngoài bãi vắng, không được công khai tỏ tình, cho dù anh hay chị là bộ đội già nua chưa vợ chưa chồng. Chuyện bác Chùy (bảo vệ) mang đèn pin ra sân vận động tìm các cặp đôi đang ngồi tâm sự, trở thành những câu chuyện được thêm mắm, thêm muối, bàn tán rôm rả trong các phòng trước khi đi ngủ.

Mong muốn của lãnh đạo nhà trường khi quản lý có phần hà khắc và quân sự hóa học đường, là muốn cho sinh viên tập trung toàn tâm toàn sức cho học tập. Mục tiêu là đào tạo những kỹ sư có năng lực thực hành giỏi, người cán bộ kỹ thuật vừa hồng vừa chuyên. Không thể phủ nhận một số mặt tích cực của cách quản lý và đào tạo này của nhà trường. Sinh viên trường ĐHNN2 sau khi tốt nghiệp về các địa phương, đều được cơ sở đánh giá tốt bởi tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, gắn bó với thực tế sản xuất, không ngại khó khăn, ham học hỏi và có chí tiến thủ.

Khóa chúng tôi thứ 10, nên được chọn là khóa chuẩn. Khóa này mỗi lớp có từ 10-13 anh chị em là bộ đội về học, nên rất phù hợp để xây dựng khóa chuẩn theo tác phong quân sự. Học xong năm đầu thì khoa Chăn nuôi tiếp nhận thêm một lớp từ Trường vừa học vừa làm của Hòa Bình về, là lớp 10C (khóa đó Chăn nuôi – Thú y có 3 lớp). Chúng tôi ăn, ở cùng nhau một nhà, học cùng nhau một lớp như hồi học phổ thông, vì vậy sự gắn bó với bạn bè, thầy cô và cán bộ nhà trường rất sâu nặng nghĩa tình.

Từ bộ đội xuất ngũ về học, tôi dễ dàng thích nghi với tác phong quân đội trong nhà trường. Những sinh viên là học sinh phổ thông mới vào thì khó thích nghi hơn, nhưng rồi họ cũng nhanh chóng hòa nhập. Sẵn nền tảng kiến thức tự học khi còn trong bộ đội, nên việc học tập của tôi tại trường không gặp khó khăn nào. Tôi được lớp tín nhiệm bầu là lớp phó phụ trách học tập và “cờ đỏ” thổi còi từ năm đầu đến năm cuối. Công việc của lớp phó học tập là liên hệ giáo viên về lịch học, lớp học, nhận và trả giáo trình môn học tại thư viện, tổ chức thi cuối kỳ (thi vấn đáp), phụ đạo sinh viên học yếu.

Ngày ấy đất nước mới giải phóng, khó khăn còn chồng chất, thì cuối năm 1978 chiến tranh biên giới Tây Nam lại nổ ra. Cả nước đang dồn sức cho giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol pot, thì đầu năm 1979, Trung Quốc lại phát động cuộc chiến tranh trên dọc tuyến biên giới phía Bắc. Cả nước lại lại sục sôi với bài hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới…”. Lớp tôi có anh Sỹ và anh Lý, học hết năm thứ 2 cũng tham gia nhập ngũ.

Dạo ấy sắn, ngô, khoai, bo bo thay gạo, vậy mà cũng không đủ no, cái đói triền miên kéo dài từ ngày này sang tháng khác. Khó khăn thiếu thốn trăm bề, nhưng trường vẫn duy trì dạy tốt, học tốt. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, cây nhà lá vườn nhưng rất chất lượng. Vẫn nhớ dàn nhạc đệm với chiếc ghi- ta của thầy Trần Đình Long, Accordion của thầy Phan Liêu, Controbat của thầy Lan. Dàn hợp xướng do thầy Dư chỉ huy, đơn ca có thầy Thuận, chị Ánh Tuyết, chị Đoàn Liên, chị Hà. Khoá sau này có anh Thành và chị Lê Nga hát rất hay. Các tiết mục văn nghệ của trường đạt được nhiều giải cao trong các hội diễn cấp tỉnh và Bộ. Những buổi sinh hoạt câu lạc bộ ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Nga diễn ra sôi nổi. Các thầy giáo vẫn say mê nghiên cứu khoa học. Một bầu không khí vui nhộn đoàn kết và thân ái bao trùm khắp trường đến từng lớp, từng tổ học tập.

Kỷ niệm về mái trường thân yêu nhiều lắm. Nhớ vào một ngày đầu tháng 5/1978, sinh viên toàn trường nhận mệnh lệnh đi đến địa điểm tập trung, sau đó là giới nghiêm, cuối cùng mới biết là đi làm công tác đổi tiền. Vụ này thì bí mật hơn cả thông tin Nga đánh Ukraina bây giờ. Sinh viên chúng tôi chẳng có đồng nào để đổi. Tháng 2/1979 chiến tranh biên giới phía Bắc, Tết năm ấy, chúng tôi – những đối tượng Đảng được thử thách bằng nhiệm vụ ở lại trực trường. Bác Chùy, giáo viên quân sự của trường lâu ngày đang ít việc, nay có dịp thể hiện sở trường, một đêm không biết mấy lần báo động địch tập kích. Khổ cho chúng tôi, lại súng ống tản ra quanh trường, “đêm khuya, đồng hoang sương xuống, nằm kề bên nhau chờ giặc đến”… muỗi cắn quá chừng.

Tháng 3-1979 Trung Quốc rút về, thì giữa năm 1979 cả lớp chúng tôi đi Lạng Sơn phòng chống dịch cho trâu bò. Mỗi lớp chia thành nhiều nhóm nhỏ đến từng thôn bản. Đường đồi xa cách nhưng không ngăn được những người yêu nhau, ở khác nhóm tìm đến với nhau mỗi khi có dịp. Giữa trưa trời nắng, họ tìm đến nhau chỉ để gặp nhau, nhìn nhau một lát rồi lại chia tay. Xong chống dịch ở lạng Sơn, tháng 9/1979 khóa chúng tôi lại được đi thực tế ở nông trường Tây Hiếu. Tình bà con nông trường đối với sinh viên còn hơn cả “tình cá nước” nữa. Chỉ một tháng cùng nhau mà khi chia tay các bác, các cô cứ bịn rịn không rời, các em cứ sụt sùi, e thẹn. Rồi những cánh thư qua lại, những hạt café em chọn lựa kỹ càng, đóng gói và dòng chữ nắn nót đề ngoài gửi về địa chỉ người nhận ở trường. Lớp tôi không có cặp nào kết trái ở đây, nhưng vài chục năm sau nhiều người đã tìm đường quay lại chốn xưa, thăm lại các gia đình, các em, nơi đã một thời gắn bó biết bao nghĩa tình.

Rồi cái cảnh sinh viên chen nhau lên tàu về quê nghỉ hè, nghỉ Tết. Dạo ấy cả trường, các khóa thi hết học kỳ vào cùng thời điểm, ngày các lớp thi xong hầu như đồng loạt. Xe khách về Hà Nội rất hiếm, tàu xuôi Bắc Giang – Hà Nội ít chuyến, ga Sen Hồ là ga xép, nhỏ bé và thời gian tàu dừng ngắn. Ngày được về nghỉ, sinh viên đổ ra đứng kín cả trăm mét, dọc hai bên đường ray nhà ga chờ đợi. Người không lên được chuyến này thì phải chờ 4-5 tiếng sau mới có chuyến khác. Tàu vừa dừng bánh là cuộc chen lấn lên tàu bắt đầu. Trai khỏe cố gắng lên trước để kéo các gái xinh lên sau. Trèo trên lưng nhau mà lên, bám níu nhau rách cả áo quần. Lên được tàu thì người chật như nêm, có khi chỉ đứng được một chân xuống sàn tàu, chân kia không còn chỗ. Tàu rời ga, cả khối người cứ lắc lư, nghiêng ngả, một hồi sau mới đứng được cả hai chân xuống sàn. Tàu đêm, trên toa tàu hàng tối đen, thỉnh thoảng lại nghe mấy em khẽ la ối ái. Mấy anh to gan còn leo lên nóc tàu nằm, họ nói sướng hơn ở trong toa ken chật cứng!

Hơn 45 năm đã qua kể từ ngày chúng tôi tựu trường, tôi vẫn còn nhớ nhiều lắm những kỷ niệm buồn vui về mái trường ĐHNN2. Mỗi lần hội lớp, hội trường chúng tôi lại cùng nhau ôn lại kỷ niệm, cùng say sưa hát vang bài ca “Dưới mái trường thân yêu” của nhạc sỹ Văn Ký. Lúc ấy chúng tôi quên đi mình đã là ông nội, bà ngoại, vẫn thấy mình mãi là sinh viên của mái trường xưa yêu dấu.
Yêu lắm trường Hai ơi!

 

Tháng 8 năm 2022
Đinh Văn Cải, cựu sinh viên khóa 10 CN-TY