Tiêu thụ nông sản cần những “nhà” chuyên nghiệp (Bài cuối)

Bài cuối: Kinh nghiệm của thế giới

Các bài đã đăng:

Bài 1: Những chuyện buồn trong chuỗi tiêu thụ

Bài 2: Giải pháp khắc phục 

Bài 3: Cửa có mở với nông sản Việt?

Bài 4: Nhà khoa học đang đứng ở đâu?


Mở rộng chế biến để nâng cao giá trị gia tăng-cách làm của Hàn Quốc

Hàn Quốc là nước có tỷ lệ lao động nông nghiệp thấp (11,6%), quy mô sản xuất của mỗi nông hộ nhỏ, bình quân 1,3ha/hộ, chính vì thế, quốc gia này phải đối mặt với tình trạng mất cân đối lương thực cũng như sự tràn ngập các nông sản nhập khẩu. Nhằm trợ giúp nông dân trong vấn đề tiêu thụ nông sản, Liên đoàn quốc gia HTX Nông nghiệp Hàn Quốc (NACF) đã chú trọng nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm nội địa để tăng tính cạnh tranh. Số lượng nhà máy chế biến nông sản gia tăng, các điểm thu mua, kho bảo quản và trung tâm phân loại hoa quả được thiết lập khá hoàn chỉnh. Từ năm 1990 đến năm 1993, số lượng siêu thị tiêu thụ nông sản đã tăng từ 38 lên 217, cửa hàng marketing trực tiếp từ 38 lên 151, ngoài ra còn có rất nhiều trung tâm buôn bán, trưng bày sản phẩm sầm uất.

Theo các chuyên gia nông nghiệp Hàn Quốc, chế biến là con đường hiệu quả nhất để tăng giá trị nông sản, một phần lãi từ các nhà máy sẽ được trích để tái đầu tư cho các HTX thành viên và tăng giá trị thu mua nông sản. NACF đã tổ chức nhiều nhà máy chế biến gạo, kim chi (rau muối có gia vị), chè, đậu tương, tinh bột, tinh dầu… Đồng thời, tổ chức hữu hiệu cơ chế "mua tận gốc, bán tận ngọn" bằng cách đầu tư xe chuyên dùng cùng các trung tâm thu mua đến tận hộ nông dân. NACF còn quản lý mạng lưới dịch vụ vận chuyển nông sản từ nông trại đến người tiêu dùng với 1.500 ô tô chuyên dụng, 1.108 trung tâm tập trung hàng, hỗ trợ cho 20.500 nhóm vận chuyển hàng hóa của các HTX. Điều này đã kích thích việc tiêu thụ nông sản, góp phần giảm bớt gánh nặng và tăng thu nhập cho nông dân.

Nhờ gắn chặt với người sản xuất, hài hòa lợi ích giữa các bên, phương pháp kinh doanh nông sản của NACF không những đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản mà còn cho phép bà con sản xuất theo đúng yêu cầu thị trường, giảm chi phí lưu thông, hao hụt và mất mát do những nguyên nhân khách quan. Hiện, NACF đang quản lý hệ thống doanh nghiệp kinh doanh nông sản lớn nhất và cạnh tranh mạnh nhất, nắm giữ tới 40% thị phần buôn bán nông sản của thị trường Hàn Quốc.

Phát triển HTX nông nghiệp, kinh nghiệm của Nhật Bản

Ông Phùng Quốc Chí, cán bộ Vụ Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện hầu hết nông dân Nhật Bản đều là xã viên của các HTX nông nghiệp. Tính đến năm 2006, tổng số HTX nông nghiệp của nước này là 1.183 đơn vị với 9, 083 triệu xã viên, bình quân 7.684 xã viên/HTX. Được biết, mức vốn góp bình quân của xã viên là 165 ngàn yên (1 yên = 185 đồng)/ người, vốn điều lệ bình quân 1,3 tỷ yên/HTX. Một trong những hoạt động quan trọng của các HTX là tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất.

Theo đó, HTX nông nghiệp có vai trò xác định mức giá để đảm bảo tái sản xuất và bình ổn giá đối với 2 đối tượng là người sản xuất và người tiêu dùng, được thực hiện thông qua việc điều tiết cung – cầu; kiểm soát và cắt giảm chi phí dành cho lưu thông hàng hóa dựa trên việc hợp lý hóa lưu thông, phần chi phí tiết kiệm sẽ được hoàn trả lại cho chính các xã viên tham gia tiêu thụ. Vì vậy, các HTX đóng vai trò quan trọng trong hoạt động hợp tác tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, HTX còn đảm nhận nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng, ổn định cho người tiêu dùng. ông Chí đánh giá, hoạt động tiêu thụ nông sản của HTX Nhật Bản một mặt đem lại nguồn thu chủ yếu cho nông dân, mặt khác đảm bảo lợi ích và hoạt động ổn định của HTX.

Thông thường, hoạt động tiêu thụ được thực hiện với các chức năng thu gom, vận chuyển, chế biến và bảo quản, tuy nhiên, các HTX Nhật Bản lại có cách làm khác. Hệ thống bán hàng ủy thác toàn bộ cho HTX trong việc tiêu thụ nhằm tránh thất thoát theo phương thức HTX mua rồi bán, nhưng không phải là mua nông sản từ người sản xuất rồi bán cho khách hàng mà là bán sản phẩm nông sản do người sản xuất ủy thác. Nghĩa là, người sản xuất sẽ ủy thác cho HTX những điều kiện bán hàng như thời gian, đối tượng khách hàng, lượng hàng, giá cả… Phương thức hạch toán bình quân sẽ khắc phục sự mất công bằng trong trường hợp bán hàng ủy thác. Trên thực tế, giá hàng hóa thay đổi hàng ngày và tùy thuộc vào từng thị trường, vì vậy, HTX luôn phải giữ công bằng cho xã viên.

Không chỉ giúp bà con thu gom, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhiều HTX còn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nông dân như giống, phân bón, hóa chất, thức ăn chăn nuôi, trang thiết bị sản xuất… nhằm có được những sản phẩm hàng hóa tốt nhất, đồng thời hình thành vùng sản xuất tập trung để hạn chế chi phí vận chuyển.

Tổ hợp tác nuôi cá ở Tây Bengan

"Hiện nay, ở vùng Purulia, huyện Panchayat (bang Tây Bengan – Ấn Độ) đang hình thành các tổ hợp tác nuôi cá và những mô hình này đã mang lại thành công rực rỡ", ông Ajit Banerjee, Giám đốc điều hành Chi nhánh Ngân hàng Ludhurka ở Purulia cho biết. Để hạn chế kiểu làm ăn cá thể, thu nhập bấp bênh, những nông dân ở đây đã liên kết, thành lập tổ hợp tác, hoạt động dựa trên quyền lợi chung của các thành viên. Người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm thiết lập mạng lưới và mắt xích liên kết với các doanh nghiệp, dịch vụ tiêu thụ cá và củng cố mối quan hệ giữa các thành viên; giúp đỡ người dân trở thành thành viên của các tổ, nhóm chính thức…

Sau một thời gian hoạt động trong tổ hợp tác, người nuôi cá đã giảm bớt chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn và có thu nhập cao hơn. Đồng thời, thông qua các tổ hợp tác, bà con được nâng cao trình độ và có khả năng vay được nguồn vốn lớn để đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện, Liên minh Tổ hợp tác nuôi cá ở Tây Bengan có vai trò rất quan trọng trong liên kết giữa các cá nhân và tập thể, giữa người nuôi cá với doanh nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ (từ hệ thống khuyến nông – khuyến ngư đến các cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ, mạng lưới ngân hàng, cơ sở cung cấp vật tư sản xuất hoặc làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm…).

Bà Lalita Mahato, người nuôi cá ở Purulia nói: "Nếu như trước đây, phụ nữ thường không có tiếng nói, thì nay, chúng tôi có thể đến ngân hàng vay tiền, thậm chí có thể nói thẳng những bức xúc với chính quyền mà không phải e ngại. Có được điều này là nhờ tham gia tổ hợp tác nuôi cá". Còn ông Kuddus Ansary, Chủ nhiệm Tổ hợp tác Kaipara cho biết: "Làng tôi cách thị trấn 30km, trước đây khi muốn mua con giống, thức ăn hoặc bán cá với số lượng lớn, tôi chẳng biết phải nhờ ai giúp đỡ, nhưng nay nhờ có tổ hợp tác mà mọi việc trở nên dễ dàng hơn". Theo ông Kuddus Ansary, mô hình tổ hợp tác là cách thức bắt đầu công việc, giúp thiết lập các mối liên hệ xã hội dễ dàng, giúp người dân ổn định và nâng cao đời sống. Bên cạnh đó, tổ hợp tác còn giúp nông dân đi đến các thỏa thuận và đưa ra tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc ra quyết định hay đàm phán với những đối tác, doanh nghiệp thu mua nông sản. "Đó là chưa kể đến các tổ hợp tác còn góp phần tăng cường an ninh lương thực và giảm tình trạng nợ đọng của các hộ dân", ông Kuddus Ansary cho hay.

Ở nước ta, để góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ – TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, sau 6 năm triển khai, tỷ lệ thu mua nông sản thông qua ký kết rất thấp. Để khắc phục tình trạng này, ngày 25/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 25/2008/CT – TTg về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Theo đó, bổ sung và ban hành các chính sách mới có liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; tích cực dồn điền đổi thửa, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ xây dựng hạ tầng, vốn, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu tập trung.