Bài 3: Cửa có mở với nông sản Việt?
Các bài trước:
Bài 1: Những chuyện buồn trong chuỗi tiêu thụ
Bài 2: Giải pháp khắc phục
Từ câu chuyện thanh long và vú sữa
Theo chân những người Pháp sang Việt Nam khoảng 100 năm nay, trái thanh long trước đây chỉ dành cho các bậc vua chúa hoặc người giàu sang thưởng thức. Hiện nay, Bình Thuận đã trở thành "vựa" thanh long lớn, với diện tích lên đến 10.000ha, tập trung nhiều ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc… Tuy nhiên, mới chỉ có 3 cơ sở được cấp chứng chỉ EurepGap là HTX Thanh long Hàm Minh, Trang trại Duy Lan và Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (tổng diện tích 200ha), nguyên nhân là do nông dân không mấy mặn mà với quy trình trồng thanh long sạch bởi phải áp dụng nhiều công đoạn, chi phí tốn kém.
Ông Nguyễn Thuận, Chủ nhiệm HTX Thanh long Hàm Minh cho biết, để có chứng chỉ EurepGap và xuất hàng sang châu Âu, HTX phải đảm bảo đủ 200 tiêu chuẩn, trong đó 100 tiêu chuẩn phải thực hiện nghiêm ngặt. Khó khăn là vậy, nhưng để được Cục Kiểm dịch thực vật Hoa Kỳ "gật đầu", trái thanh long còn bị thử thách qua nhiều công đoạn khác như đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ, được cơ quan nhập khẩu nước này chứng nhận không có sâu bệnh hại, được chiếu xạ để diệt khuẩn… "Thị trường xuất khẩu là sân chơi lớn nhưng cũng không ít chông gai. Có thể thị trường châu âu chấp nhận, nhưng sang Hoa Kỳ, những tiêu chuẩn đó lại không phù hợp. Điều quan trọng là chúng tôi sớm tập hợp nông dân và ký cam kết sản xuất thanh long sạch, giám sát theo quy trình nghiêm ngặt, đúng tiêu chuẩn. Việc thu mua, tiêu thụ đều được thông qua hợp đồng với từng hộ, trái cây được đóng gói, dán mã vạch, truy nguyên được nguồn gốc xuất xứ", ông Thuận cho biết.
Rõ ràng, việc nông sản có "vi sa – thị thực nhập cảnh" vào châu Âu hay Hoa Kỳ không phải là điều đơn giản. Để có tiền nâng cấp nhà đóng gói theo tiêu chuẩn quốc tế, trả chi phí vận chuyển, lương công nhân, bản thân ông Thuận đã phải huy động sổ đỏ của gia đình, xã viên để vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, khách hàng dù mua số lượng lớn cũng chỉ thanh toán trước 10%, sau khi hàng đến nơi, đạt yêu cầu mới thanh toán phần còn lại.
"Mặc dù mướt mồ hôi mới đảm bảo đủ các tiêu chuẩn, nhưng tôi tin rằng, thanh long Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định được uy tín và thương hiệu trên thị trường quốc tế. Đây là cơ hội và là niềm vinh dự cho người trồng thanh long ở Bình Thuận, đồng thời cũng là thử thách đòi hỏi chúng tôi phải liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao trình độ để vươn ra nhiều thị trường tiềm năng khác. Theo tôi, làm nông nghiệp không thể đứng yên một chỗ mà cần phải đầu tư nhiều chất xám hơn để chủ động trước thị trường", ông Thuận chia sẻ.
Cùng với thanh long Bình Thuận, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành – Tiền Giang) cũng vừa ký hợp đồng xuất khẩu 50 tấn vú sữa sang Nga và Đức. Theo đó, vú sữa phải đạt chứng nhận GlobalGap. Ông Cao Văn Hùng, nông dân trồng vú sữa cho biết: "Chúng tôi phải đáp ứng đủ 144 yêu cầu, hiện đã thực hiện được 128 tiêu chuẩn. Vú sữa Vĩnh Kim được đánh giá là tuyệt đối an toàn, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường". Nhờ thế, giá xuất khẩu đạt 32.000 – 40.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần so với giá bán ở thị trường nội địa. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX cho biết: "HTX có 47ha vú sữa được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGap, sản lượng bình quân 15 tấn/ha và sẽ cung cấp đủ cho Công ty Metro xuất khẩu theo hợp đồng đã ký. Từ lâu, HTX đã ký hợp đồng cụ thể với từng hộ, nếu sản xuất theo đúng yêu cầu, chúng tôi sẽ thu mua toàn bộ. Vì vậy, sản phẩm của chúng tôi luôn có giá cao, tiêu thụ ổn định". Được biết, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đang có kế hoạch mở rộng thêm 40ha đạt chứng nhận GlobalGap.
Đến những cách làm hay
Việc nâng cao giá trị sản phẩm, tiêu thụ dễ dàng không chỉ là mơ ước của thanh long Bình Thuận, vú sữa Lò Rèn mà là xu hướng chung của nhiều nông sản khác. Bản thân ông Thuận cũng thừa nhận: "Để có những vườn thanh long đạt tiêu chuẩn của Hoa Kỳ là rất khó nhưng không phải không làm được. Vấn đề quyết định chính là có đầu ra ổn định thì nông dân mới có vốn để quay vòng tiếp tục đầu tư và nâng cao chất lượng nông sản".
Kinh nghiệm bao tiêu cá tra của Công ty cổ phần Hùng Vương (Khu công nghiệp Mỹ Tho – Tiền Giang) có thể coi là một trong những điển hình thành công trong mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để tạo đầu ra ổn định cho người nuôi cá. Công ty này vừa ký hợp đồng bao tiêu 11.000 tấn cá tra với HTX nông nghiệp Thới An (Ô Môn – Cần Thơ) từ tháng 12/2008 đến tháng 3/2009 theo phương thức: Cùng chia sẻ lợi nhuận và khó khăn. Công ty đầu tư toàn bộ thức ăn đạt tiêu chuẩn cho HTX theo công thức 1,7kg thức ăn đạt 1kg cá nguyên liệu. Con giống, thuốc, công chăm sóc, kỹ thuật do HTX đảm nhận, có sự giám sát, hợp tác của công ty. Sau khi thu mua cá, công ty sẽ thanh toán cho HTX các khoản này ở mức 2.500 đồng/kg cá nguyên liệu. Điều kiện kèm theo là nếu đạt tỷ lệ 80% cá thịt trắng thì HTX thưởng thêm 100 đồng/kg, ngược lại sẽ bị phạt, giảm 200 đồng/kg.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thới An cho biết: "Trong 4 năm qua, HTX được Công ty Hùng Vương ký hợp đồng tiêu thụ và chưa bao giờ thua lỗ. Ngay thời điểm giá cá rớt chỉ còn 13.000 đồng/kg, công ty vẫn mua cá đúng với thoả thuận là 15.500 đồng/kg và áp dụng theo hợp đồng mới, nông dân cầm chắc mức lãi 15-20%/vụ nuôi".
Chủ tịch HĐQT Công ty Hùng Vương, ông Dương Ngọc Minh cho biết: "Giữ mối liên kết với nông dân, chúng tôi cũng tính trước những rủi ro có thể gặp phải do trình độ của bà con hạn chế, nhưng bù lại, chúng tôi có nguồn nguyên liệu ổn định theo đúng yêu cầu để cung cấp cho 5 nhà máy chế biến. Ngay cả khi đầu ra khó khăn, chúng tôi vẫn có thể đảm bảo việc thu mua do có kho lạnh công suất 30.000 tấn".
Hiện, Metro Cash & Carry Việt Nam đã thành lập Văn phòng đại diện Tập đoàn Metro thu mua Hồng Kông (MGB HK) tại TP. Hồ Chí Minh, trạm trung chuyển rau quả tươi tại Đức Trọng (Lâm Đồng), xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn… nhằm tăng cường việc thu mua nông sản, thực phẩm cho bà con. Hiện, trạm trung chuyển Metro Đức Trọng đã mua rau quả trực tiếp từ nông dân và đưa vào dây chuyền bảo quản lạnh. Việc làm này giúp Metro vừa có sản phẩm tươi ngon lại vừa cắt bỏ chuỗi dài các nhà cung cấp nông sản giữa Metro và các hộ nông dân canh tác nhỏ lẻ, vì thế nông dân cũng bán được giá cao hơn. Ví dụ, đối với các hộ được chọn để tập huấn và cam kết bán cà chua cho Metro, giá mua luôn ổn định ở mức cao (3.500 đồng/kg), bất kể những biến động về giá. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị của Metro còn góp phần đưa nông sản Việt Nam sang 29 quốc gia.
Chỉ nông dân và doanh nghiệp là chưa đủ
Những mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân làm được như trên không nhiều. Bởi "cái khó bó cái khôn", cho dù nông dân có thực hiện nghiêm túc các cam kết thì doanh nghiệp cũng không thể vượt qua thực trạng sản xuất manh mún của nền nông nghiệp. Điển hình là bài học vụ đông xuân năm 2006 ở An Giang, có 440 hộ là xã viên của các HTX nông nghiệp tham gia sản xuất lúa Jasmine và đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp trên tổng diện tích 515ha. Song cái khó ở chỗ, 440 hộ này lại nằm rải rác trong 5 HTX thuộc 2 huyện Châu Phú và Phú Tân, dẫn tới việc doanh nghiệp không thể đến từng nhà để mua đúng như cam kết.
Tổng công ty Lương thực miền Nam từng có kế hoạch ký hợp đồng bao tiêu 107.000ha lúa ở An Giang, thế nhưng gần đến vụ thu hoạch, Tổng công ty chỉ ký được 54.727 tấn lúa trên diện tích 10.606ha. Vậy mà khi đi vào thực hiện, sản lượng mua được còn thấp hơn nhiều: 17.510 tấn lúa. Hầu hết số lúa đơn vị này cần đều phải thông qua thương lái. Điều đó càng thể hiện rõ thực trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, rời rạc, dẫn đến hàng loạt vấn đề gây cản trở quá trình tiêu thụ như giá thành cao, chất lượng thấp. Lúc này, vấn đề tiêu thụ nông sản càng cần vai trò của Nhà nước, nhà khoa học trong vấn đề quy hoạch, định hướng và giúp nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất…
Ông Nguyễn Thuận cho hay: "Nếu tự thân vận động, bất cứ loại nông sản nào do bà con làm ra chỉ có thể tiêu thụ ở trong nước với giá thấp. Thực tế chúng tôi đã phải nhờ đến Nhà nước, những chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm". Nhưng xem ra vai trò của Nhà nước và nhà khoa học trong vấn đề giúp nông dân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản chưa được thể hiện nhiều…
Bài 4: Nhà khoa học đang đứng ở đâu?