…
3.5. Vai trò của các bên trong quản lý tài nguyên rừng ở Phú Vinh
3.5.1. Lâm trường Alưới
Hiện tại Lâm trường đang quản lý bảo vệ 33.200ha gồm 35 tiểu khu rừng tự nhiên và 23.400 ha rừng trồng. Các hoạt động trồng rừng chủ yếu được thực hiện bởi công nhân Lâm trường và một phần là hợp đồng với người dân trong xã. Hiện tại, đa số diện tích rừng trồng của Lâm trường được giao cho công nhân quản lý, còn lại là hợp đồng khoán bảo vệ cho người dân với chi phí 50.000 đồng/ha/năm thông qua các bản cam kết có chưúng kiến của chính quyền xã.
Vì là chủ phần lớn diện tích rừng trên địa bàn xã nên Lâm trường có quyền lực cao nhất đối với hoạt động quản lý tài nguyên rừng trên địa bàn. Lâm trường có quyền xây dựng định hướng sử dụng đất, quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp gỗ cho người dân để làm nhà, tận thu các sản phẩm từ rừng,…
3.5.2. UBND xã Phú Vinh
UBND là đơn vị có quyền lực thứ hai trong hoạt động quản lý tài nguyên rừng trên địa bàn xã. Quyền lực của UBND xã được thể hiện rõ nhất là xây dựng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn xã, ngoại trừ đất của lâm trường; xây dựng chính sách, quy chế sử dụng đất của xã; xác định ranh giới, chia đất cho người dân sử dụng; quản lý hồ sơ, thu hồi, thưởng phạt; quản lý các chế độ liên quan đến quản lý đất đai. Tuy nhiên, do phần lớn diện tích đất đai của xã do lâm trường làm chủ, nên mức độ ảnh hưởng của UBND xã đến hoạt động quản lý tài nguyên rừng rất hạn chế. Theo Nghị định số 139/2004/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ, UBND xã có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, nhưng trên thực tế những năm qua UBND xã Phú Vinh chưa xử lý một vụ vi phạm hành chính nào về quản lý rừng trên địa bàn mình quản lý.
Theo quy định của pháp luật, chính quyền xã là người quản lý các hợp đồng sử dụng đất (ở đây là hợp đồng trồng rừng và khoán bảo vệ rừng). Tuy nhiên, khi được hỏi “Chính quyền xã có quản lý các hợp đồng này không”? Cán bộ xã trả lời “Đây là hợp đồng do Lâm trường ký trực tiếp với dân nên xã không biết”. Có thể nói sự phối kết hợp trong hoạt động quản lý rừng và đất rừng giữa xã và Lâm trường chưa chặt chẽ.
3.5.3. Hạt kiểm lâm Alưới
Với vai trò thừa hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, Hạt kiểm lâm Alưới tiến hành các hoạt động kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và lưu thông lâm sản, tổ chức phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã. Những năm trước, khi còn Chương trình trồng rừng 327, Hạt cũng tham gia chỉ đạo trồng rừng cùng với Lâm trường và UBND xã Phú Vinh.
Hạt Kiểm lâm Alưới có quyền lực thứ ba sau UBND xã đối với hoạt động quản lý tài nguyên rừng của xã Phú Vinh, tuy nhiên quyền lực của Hạt chỉ thể hiện trong hoạt động liên quan đến việc thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng. Cũng do quan niệm đất rừng là của Lâm trường, nên mức độ ảnh hưởng của Hạt kiểm lâm đến hoạt động quản lý rừng không cao. Hơn nữa, cũng theo lãnh đạo Hạt, các vụ vi phạm của người dân trên địa bàn xã chỉ là những vụ nhỏ, UBND xã có quyền xử phạt vi phạm hành chính ở mức dưới 500.000 đồng nên không cần có sự can thiệp của kiểm lâm. Chính quan niệm này đã dẫn tới sự phối kết hợp giữa Lâm trường, UBND xã và Hạt kiểm lâm trong việc ngăn chặn hoạt động khai thác rừng trái phép và lấn chiếm đất rừng không chặt chẽ.
3.5.4. Cộng đồng người dân địa phương
Cộng đồng địa phương đã và đang phụ thuộc vào tài nguyên rừng dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo kết quả điều tra, người dân ở địa phương tham gia vào tiến trình quản lý tài nguyên rừng trên địa bàn thông qua các hoạt động: bảo vệ, phát triển, khai thác và sử dụng rừng.
Hoạt động bảo vệ rừng:
Kết quả phỏng vấn cho thấy, 100% số hộ được phỏng vấn cho rằng nếu thấy người khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép họ không dám báo cho các cơ quan chức năng vì sợ bị trả thù. Mặt khác, do rừng thuộc quyền quản lý của Lâm trường nên người dân cho rằng họ không có quyền để ngăn chặn người khác khai thác rừng trái phép. Như vậy, tình trạng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn xã chưa được giao cho người dân quản lý đã làm hạn chế ý thức và tinh thần trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Ngược lại với vấn đề trên, 100% người dân được phỏng vấn lại có trách nhiệm rất cao đối với hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng. Họ đã nhận thức được phòng cháy, chữa cháy rừng là trách nhiệm của toàn dân. Có được kết quả đó phải kể đến sự tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân có trách nhiệm trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy của Hạt Kiểm lâm A Lưới, Lâm trường A Lưới và chính quyền xã Phú Vinh.
Hoạt động phát triển rừng:
Trước đây, trên địa bàn xã có một số hộ gia đình nhận khoán trồng và bảo vệ rừng cho Lâm trường A Lưới theo Chương trình 327. Người dân chỉ được trả tiền công trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng trong một thời gian, nên đã chưa gắn được trách nhiệm của người dân với rừng trồng.
Trong một vài năm trở lại đây, do thị trường tiêu thụ gỗ bao bì và nguyên liệu giấy phát triển tương đối mạnh, nên đã thu hút được rất nhiều người dân tham gia vào hoạt động trồng rừng nguyên liệu mặc dù không có nguồn hỗ trợ từ bên ngoài. Tuy nhiên, vì người dân không có đất nên đã dẫn đến tình trạng xâm lấn đất của lâm trường để trồng rừng. Do vậy, xung đột thường xuyên xảy ra giữa lâm trường và người dân.
Hoạt động khai thác và sử dụng rừng:
Sau thời vụ nông nghiệp, người dân vào rừng khai thác gỗ, củi và các lâm sản ngoài gỗ như song, mây, lá nón, săn bắt chim, thú các loại,… Phần lớn họ coi rừng như một nguồn tài nguyên dùng chung, nên ý thức bảo tồn và phục hồi tài nguyên rừng của người dân rất hạn chế. Do không phải là người chủ thực sự, nên người dân địa phương có quyền lực thấp nhất đối với hoạt động quản lý tài nguyên rừng, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của họ đối với tài nguyên rừng lại lớn nhất do sinh kế của họ phụ thuộc chủ yếu vào rừng. Mức độ ảnh hưởng này được thể hiện thông qua các hoạt động sản xuất, các vấn đề văn hóa – xã hội và các vấn đề kinh tế của người dân.
3.5.2. Quan điểm của các bên liên quan đối với vấn đề quản lý tài nguyên rừng trên địa bàn
Quan điểm của chính quyền địa phương:
Theo nhóm lãnh đạo xã, Lâm trường hiện nay đã giao khoán rừng và đất rừng cho công nhân của họ. Do diện tích rừng khá lớn nên công nhân của Lâm trường không thể thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ rừng. Hơn nữa, cũng do diện tích quá rộng nên hầu hết diện tích đất xấu đã bị bỏ hoang, lâm trường không đủ nguồn lực để phát triển rừng. Mặt khác, khi người dân trên địa bàn xã thiếu đất để sản xuất nông nghiệp, thì phần lớn diện tích đất có thể canh tác nông nghiệp do Lâm trường quản lý lại được dùng để trồng cây rừng theo chương trình 327, đó là bất hợp lý. Theo chính quyền xã, mỗi người dân phải có ít nhất 2ha đất nông lâm nghiệp để canh tác thì mới đủ đảm bảo được an toàn lương thực cho các gia đình.
Quan điểm của người dân:
Đối với hoạt động phát triển rừng, 100% số người dân được hỏi muốn nhận đất trồng rừng để có việc làm, giải quyết lao động dư thừa, tăng thu nhập, vì trồng rừng sẽ có giá trị kinh tế cao, nguồn thu ổn định, bán một lần được nhiều tiền. Trồng rừng cũng là hình thức để dành vốn cho con cháu.
Người dân cũng có nguyện vọng, được hướng dẫn kỹ thuật tạo cây con, trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng,… sau khi được nhận đất và rừng. Chính quyền địa phương cần kết hợp với các ban ngành liên quan có chính sách giúp dân phát triển thị trường lâm sản, tránh tình trạng khó khăn như thị trường nông sản hiện nay.
Quan điểm của Hạt kiểm lâm A Lưới:
Trước thực trạng người dân trên địa bàn xã rất thiếu đất canh tác nông lâm nghiệp, trong khi Lâm trường lại quản lý một diện tích quá lớn và kém hiệu quả. Hạt kiểm lâm Alưới đề nghị UBND huyện và UBND tỉnh có quyết định thu hồi một phần đất của Lâm trường để giao cho người dân. Theo lãnh đạo Hạt, những diện tích cần thu hồi là những diện tích rừng gần dân, diện tích rừng trồng thông không có hiệu quả. Cần làm thẻ đỏ đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp sau giao để người dân yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài.
Quan điểm của Lâm trường A Lưới:
Do phải quản lý một diện tích rừng khá lớn, trong khi đó cán bộ công nhân viên của Lâm trường lại có hạn, nên Lâm trường đồng tình với QĐ 178 khoán đất, rừng cho dân. Tuy nhiên hiện Lâm trường chưa có kinh phí để rà soát lại tài nguyên và tiến hành giao đất kháon rừng.
V. KẾT LUẬN
1. Tài nguyên rừng trên địa bàn xã Phú Vinh đã bị suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân cơ bản của sự suy giảm tài nguyên là khai thác quá mức và Lâm trường không đủ nhân lực để quản lý.
2. Rừng có vai trò rất quan trọng đối với sinh kế của người dân địa phương: cung cấp các sản phẩm lâm nghiệp như là một nguồn thu nhập gia đình, cung cấp nguồn thức ăn phong phú và là bãi chăn thả để phát triển chăn nuôi. Nói chung, mức độ sống phụ thuộc vào rừng của người dân có chiều hướng giảm những năm gần đây, tuy nhiên các hộ nghèo vẫn còn sống phụ thuộc khá nhiều vào rừng.
3. Tình trạng người dân thiếu đất sản xuất và đất xây dựng nhà ở đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tình trạng này đã dẫn đến sự lấn chiếm, tranh chấp đất đai và đã tạo nên những mâu thuẫn gay gắt giữa người dân địa phương với Lâm trường. Điều này đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn của xã.
4. Hiện có ba phương thức quản lý rừng đang tồn tại ở Phú Vinh: Quản lý nhà nước với điểm nổi bật là nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ chuyên môn, có sự hỗ trợ của các phương tiện liên lạc và công cụ pháp lý, có khả năng huy động các bên liên quan. Tuy nhiên, do quản lý diện tích quá lớn lại thiếu nhân lực lên hiệu quả sử dụng không cao. Quản lý nhà nước ở cấp xã có thuận lợi là am hiểu điều kiện thực tiễn địa phương, nhưng do nguồn nhân lực không được đào tạo, trình độ chuyên môn hạn chế, không có quyền ra quyết định bởi cơ chế chính sách chưa rõ ràng, chồng chéo. Quản lý cộng đồng với luật tục truyền thống rất hiệu quả và phù hợp với đặc điểm văn hoá địa phương nhưng đang bị phá vỡ và vai trò của nó hiện rất mờ nhạt trong bối cảnh thiết lập cơ chế quản lý mới của nhà nước và sự hoà nhập với bên ngoài. Quản lý hộ gia đình với hiệu quả sử dụng đất cao, khả năng tạo thu nhập và cải thiện kinh tế hộ tốt nhưng manh mún, thiếu qui hoạch, quyền hưởng dụng không an toàn do tự phát và chiếm dụng đất không hợp pháp.
5. Tài nguyên rừng trên địa bàn xã có sự tham gia quản lý của các bên: lâm trường A Lưới, Hạt Kiểm lâm A Lưới, UBND xã Phú Vinh và người dân địa phương. Đơn vị có quyền lực cao nhất là lâm trường Alưới, với vai trò là chủ rừng. Tiếp đó là UBND xã Phú Vinh, với vai trò quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp tại địa phương. Hạt kiểm lâm Alưới, với vai trò thừa hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng. Va cuối cùng là người dân, với vai trò sử dụng đất và rừng, thực hiện các hợp đồng sử dụng đất, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của các bên đến hoạt động quản lý tài nguyên rừng tại địa bàn lại xếp theo thứ tự ngược lại. Điều này đã cản trở sự tiếp cận của người dân đối với các lợi ích từ rừng, gây ra những khó khăn nhất định đối với đời sống người dân nhất là những hộ nghèo. Đồng thời nó cũng làm cho người dân xa rời, không gắn bó với rừng. Đây là một thách thức lớn cho công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương.
6. Tất cả các bên liên quan đều có quan điểm chung cho rằng nên giao một phần đất lâm nghiệp lại cho người dân quản lý, đồng thời giúp họ các phương án tạo thu nhập từ rừng thông qua các hoạt động trồng rừng, bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng một cách hợp lý. Các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là hoạt động chống lại các hành vi phạm lâm luật trên địa bàn.
7. Một số giải pháp cải thiện tính bền vững của quản lý rừng ở Phú Vinh:
Tăng cường sự tham gia của người dân trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ các nguồn lợi của rừng…. Tuy nhiên không nên áp dụng một cách thức quản lý tài nguyên rừng, đất rừng giống nhau cho mọi dân tộc.
Nhanh chóng giải quyết tình trạng người dân thiếu đất sản xuất nông nghiệp và đất thổ cư, một vấn đề bức xúc nhất của địa phương. Giải quyết vấn đề này cũng đồng nghĩa với việc giải quyết mâu thuẫn đang rất căng thẳng giữa người dân địa phương và Lâm trường. Chính quyền địa phương ở tất cả các cấp cần thúc đẩy để thu hồi một phần diện tích Lâm trường đang quản lý để giao cho người dân. Đồng thời cần có các biện pháp hỗ trợ người dân, nhất là về vốn và kỹ thuật để sử dụng đất một cacvsh hiệu quả sau khi giao.
Cải thiện đời sống người dân nhằm giảm áp lực lên tài nguyên rừng cũng là một giải pháp quan trọng hiện nay ở Phú Vinh. Người dân đã từng bước tìm ra hoạt động sinh kế thay thế, trong đó hoạt động sản xuất nông nghiệp có vị trí then chốt. Vì vậy, cần tập trung đầu tư để giúp người dân phát triển sản xuất nông nghiệp.
Để tài nguyên rừng không bị khai thác một cách bất hợp lý, các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là hoạt động chống lại các hành vi vi phạm lâm luật trên địa bàn. Cần phải xây dựng cho được các hương ước của địa phương về bảo vệ, phát triển và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng.
Tài liệu tham khảo
Báo cáo tình hình KT-XH, an ninh quốc phòng xã Phú Vinh năm 2004
Báo cáo tình hình KT-XH, an ninh quốc phòng xã Phú Vinh năm 2004
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2005 – UBND huyện A Lưới.
Hansen, David O., Erbaugh J.M., 1987. Sustainable Resource Development in the third World. Doughlas D. and John F. Disinger, eds. Boulder: Westview Press.
Jenne H. de Beer & Milanie J. McDermott, IUCN. The economic value of non-timber forest products in Southeast Asia. 1996
Romm, J., 1989. “Forestry for development: some lessons from Asia” The Journal of World Forest Resource Management Vol. 4, No. 1 (1989) pp. 37-46.
Studley, John (1992). Analysis and typology of indigenous forest management in the humid tropics of Asia. Laurent Umans, Wageningen, The Netherlands.
Hoàng Mạnh Quân; Hoàng Thị Sen; Trương Quang Hoàng