Gần đây, hoạt động hợp tác, trao đổi sinh viên được các cơ sở giáo dục thuộc Đại học (ĐH) Huế đẩy mạnh nhằm tạo môi trường giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng, ngoại ngữ và kiến thức để hội nhập quốc tế.
Sinh viên Trường ĐH Nông lâm được các giáo viên Thái Lan hướng dẫn học tập
Chú trọng trao đổi sinh viên
Chỉ trong 2 tháng (7 – 8/2018), Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế đã có 4 hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế, trong đó có 2 đợt sinh viên trường đến Thái Lan và 2 đợt là đoàn Trường ĐH Ubon Ratchathani (Thái Lan), Trường ĐH Kyoto (Nhật Bản) đến trao đổi sinh viên theo chiều ngược lại. So với giai đoạn trước, hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi sinh viên không chỉ mở rộng về số lượng mà còn phát triển về chất lượng.
Điển hình như chuyến đi Thái Lan vừa qua, ngoài giao lưu văn hóa, tham quan các cơ sở học tập của trường bạn, đoàn sinh viên Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế còn tham gia chương trình giao lưu sinh viên Cộng đồng ASEAN với các hội thi kỹ năng ngành chăn nuôi thú y. TS. Dương Thanh Hải, người phụ trách đoàn cho biết, các hoạt động trong chuyến đi giàu tính trải nghiệm thực tế, định hình cho sinh viên biết còn yếu những kỹ năng gì khi ra “đấu trường” quốc tế.
Hiện nay, hầu hết các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế đều chú trọng hoạt động trao đổi sinh viên; trong đó, Trường ĐH Ngoại ngữ là đơn vị triển khai rất tích cực. Ông Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH của nhà trường cho biết, hoạt động trao đổi sinh viên bắt đầu từ năm 2007 và phát triển mạnh sau năm 2010, khi mở rộng được nhiều mối quan hệ. Hằng năm, nhà trường tổ chức cho khoảng 200 – 250 sinh viên đến các nước tham gia chương trình trao đổi, nhất là tại các trường ĐH của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan. Ở chiều ngược lại, mỗi năm cũng có 50 – 80 sinh viên nước ngoài về trường.
Đoàn sinh viên Trường ĐH Kinh tế Huế nghe giới thiệu và trải nghiệm các công nghệ mới tại Viện nghiên cứu điện tử và viễn thông (Hàn Quốc)
Ngoài các chuyến đi ngắn hạn, một số trường còn tăng thời gian trao đổi sinh viên và đa dạng hóa hình thức, trong đó có thực tập, trao đổi từ 3 tháng đến 1 năm và liên kết, công nhận tín chỉ. Nội dung chương trình ngày càng được nghiên cứu, thảo luận kỹ giữa các trường của hai nước nhằm tạo ra hiệu quả thực sự. “Chuyến đi Hàn Quốc trong tháng 9 vừa qua, đoàn được tham gia lớp học tiếng Hàn giao tiếp căn bản. Các giáo sư của Trường Solbridge mang đến cho sinh viên những nội dung chuyên môn thiết thực, hữu ích về kỹ năng đàm phán kinh doanh, kinh nghiệm phỏng vấn xin việc… Ngoài ra, đoàn đã đi thực tế tại 2 công ty đa quốc gia và 1 viện nghiên cứu; tham quan những địa danh mà lâu nay sinh viên chỉ tiếp cận qua truyền hình, báo chí.”, TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế kể.
Hiện, một số đơn vị còn nghiên cứu, tính toán thời điểm phù hợp, kết hợp nhiều hoạt động để mang lại nhiều lợi ích. Đơn cử như chương trình trao đổi sinh viên Trường ĐH Y dược năm nay diễn ra cùng thời điểm với “Hội nghị Khoa học Quốc tế lần thứ 2 về những thách thức y tế trong mục tiêu phát triển bền vững” (ngày 23 – 24/7, tại tỉnh Khon Kaen, Thái Lan), nhờ đó sinh viên được lắng nghe và tham gia thảo luận về nhiều chủ đề sức khỏe nổi cộm tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời cập nhật thêm nhiều kiến thức chuyên môn, cũng như kỹ năng nghiên cứu khoa học.
Nhân rộng lợi ích
Tuy thời gian của hoạt động trao đổi ngắn so với quá trình học ĐH, song theo nhiều sinh viên, lợi ích mang lại là rất lớn, nhất là cải thiện khả năng giao tiếp ngoại ngữ và các kỹ năng. Trần Minh Tình, sinh viên Khoa Tài nguyên đất và Môi trường nông nghiệp, Trường ĐH Nông lâm chia sẻ: “Chuyến đi vừa qua ở Thái Lan, em và các bạn được trải nghiệm ngày hội cấy lúa và tham gia học tập, có các tiến sĩ, giảng viên của nước bạn hướng dẫn. Vì thế, có nhiều cơ hội được giao tiếp bằng tiếng Anh và thực hành chuyên môn, kỹ năng. Những kiến thức, kỹ năng học được đều được đem ra để thử sức, qua đó nhận ra những mặt còn hạn chế để khắc phục”.
Ngoài mang lại lợi ích cho sinh viên trực tiếp tham gia chương trình trao đổi, hoạt động này còn lan tỏa giá trị cho cả những sinh viên chưa có cơ hội tham gia. Theo đại diện các trường, chương trình trao đổi sinh viên được nhiều người đăng ký nên thường có những tiêu chí cứng để chọn lựa, trong đó có yếu tố ngoại ngữ, các kỹ năng và những tiêu chí chuyên môn. Điều này tạo ra động lực để sinh viên học tập, rèn luyện các kỹ năng. Bên cạnh đó, những sinh viên từng tham gia sẽ kết nối, tạo cơ hội để giao lưu lâu dài và tạo môi trường để bạn bè cùng lớp, cùng khoa có thể kết nối.
Lợi ích thấy rõ nên các cơ sở giáo dục đang nghiên cứu, mở rộng hợp tác với nhiều nước hơn. Vướng mắc lớn nhất là một số chương trình mà sinh viên tham gia cần bỏ ra kinh phí khá lớn nên các đơn vị đang tăng cường hợp tác với trường nước bạn trên cơ sở trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên. Các khoa chuyên môn với vai trò đầu mối liên kết sẽ thúc đẩy nhiều hơn để phát triển hoạt động này.
Thời gian tới, các cơ sở đào tạo sẽ có nhiều hoạt động để cải thiện tốt hơn trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng cần thiết và chuyên môn cho sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên được tiếp cận sớm và tham gia nhiều hoạt động trao đổi sinh viên với trường ĐH các nước bạn.