Thay đổi tư duy phát triển KH&CN: Giải pháp của mọi giải pháp

Trình độ phát triển khoa học và công nghệ của đất nước có tác động trực tiếp và lâu dài tới chất lượng đời sống nhân dân và tiềm lực của quốc gia. Nhưng việc đầu tư cho khoa học là một “cuộc chơi” dài hơi và khá tốn kém đối với mọi quốc gia.

Vì vậy, cần định hướng đầu tư và lựa chọn giải pháp quản lý thế nào để nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như chất lượng sản phẩm nghiên cứu là vấn đề cấp thiết mà Bộ KH&CN đang cần nhận được những thông tin, tư vấn của các nhà khoa học, các nhà quản lý. Đó là mục tiêu của cuộc Hội thảo Định hướng và Giải pháp phát triển KH&CN Việt Nam 2010 – 2020 do Tạp chí Tia Sáng tổ chức ngày 8/5/2009 tại Hà Nội.

Đầu tư vào đâu: nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng?
Khoa học cơ bản là nền tảng tri thức cần thiết cho các nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ. Đây là cơ sở để các nhà khoa học cơ bản, như Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Pierre Darriulat, nhà vật lý hàng đầu thế giới, ủng hộ việc duy trì đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, và hạn chế đòi hỏi nghiên cứu khoa học phải nhanh chóng đem lại lợi ích tức thời. Đối với quan điểm cho rằng đầu tư cho một số lĩnh vực khoa học cơ bản, ví dụ như vật lý lý thuyết, đòi hỏi chi phí tốn kém cho thiết bị và cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, hoàn toàn không khả thi cho một quốc gia đang phát triển, Giáo sư Pierre Darriulat lưu ý rằng nhiều nước trên thế giới có những phòng thí nghiệm tiên tiến, chẳng hạn như vật lý thiên văn, nhưng không thuộc quyền sở hữu của một quốc gia mà thuộc về cộng đồng khoa học quốc tế. Nếu các nhà khoa học Việt Nam có đủ tri thức thì hoàn toàn có thể tận dụng các cơ hội này mà không cần đến những khoản chi phí tốn kém cho đất nước. Mặt khác, nghiên cứu cơ bản đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục tri thức khoa học cho con người, và là nền tảng để làm tốt việc nghiên cứu ứng dụng, tiếp thu và đổi mới công nghệ từ bên ngoài.

Phó Tổng biên tập phụ trách Tia Sáng Hoàng Thu Hà, GS. Trần Đức Viên – Hiệu trưởng ĐHNN I,
GS. Pierre Darriulat, PGS. Đào Tiến Khoa, PGS. Hoàng Ngọc Long tại Hội thảo

Bên cạnh quan điểm mong muốn duy trì đầu tư cho khoa học cơ bản, có những ý kiến đòi hỏi chú trọng vào các nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ. Nhà kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, chúng ta cần đặc biệt quan tâm triển khai các đề tài nghiên cứu về mô hình phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới của đất nước. Các nghiên cứu đó cần có địa chỉ ứng dụng cụ thể. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng đặc biệt lưu tâm tới lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm các vấn đề như quyền lợi của nông dân, những người đã và sẽ vẫn là thành phần chiếm đa số trong các thập kỷ tới, an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, và đối phó với các vấn nạn môi trường/khí hậu. Giáo sư Phạm Hùng Việt, PGS Đào Tiến Khoa đề nghị ưu tiên các hướng nghiên cứu phục vụ phát triển bền vững, như nghiên cứu về ô nhiễm, bảo tồn sinh thái, năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng, và xử lý chất thải.

Đầu tư bao nhiêu là đủ?

GS. Hoàng Tụy, GS. Phan Đình Diệu, GS.NGND Nguyễn Văn Chiển, nhà thơ Việt Phương, nhà nghiên cứu KT Phạm Chi Lan tại Hội thảo

Đâu là mức chi phí hợp lý cho KH&CN trong tổng chi phí quốc gia? Đâu là cơ sở để phân phối hợp lý cho các ngành cụ thể?
Bài tham luận của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết, trong năm 2006, Việt Nam đầu tư 428 triệu USD cho KH&CN, chiếm khoảng 0,17% GDP. So sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, theo số liệu của UNESCO thì Singapore đầu tư 2,2% GDP, Malaysia đầu tư 0,5% GDP, Thái Lan đầu tư 0,3% GDP, Philippines đầu tư 0,12% GDP, Indonesia đầu tư 0,05% GDP. Tuy các quốc gia này gần gũi với Việt Nam về khoảng cách địa lý và có thể chia sẻ một số đặc thù chung, nhưng chắc chắn có những đặc thù riêng. Hẳn là những nước càng có trình độ phát triển cao về KH&CN thì lại càng đầu tư mạnh hơn để tận dụng triệt để lợi thế của mình. Vì vậy, cần có những phân tích định tính và định lượng nghiêm túc để xác định con số thích hợp cho Việt Nam.
Bài tham luận của Giáo sư Hồ Tú Bảo cho chúng ta cơ hội tham khảo tỉ lệ phân phối đầu tư KH&CN giữa các ngành ở Nhật. Kinh phí được phân bổ cho các đề án và chương trình KH&CN do nhiều Bộ và cơ quan quản lý, trong đó MEXT (Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, KH&CN) nhận 65%; MEIT (Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp) nhận 14%, MOD (Bộ Quốc phòng) nhận 5%, MHLW (Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi xã hội) nhận 4%,… Bên cạnh đó, “chương trình COE toàn cầu” của Chính phủ Nhật cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu khoa học thể hiện một tỉ lệ phân phối đồng đều giữa các lĩnh vực: khoa học về sự sống, hóa học và khoa học vật liệu, tin học – điện và điện tử, khoa học nhân văn, khoa học mới hoặc khoa học liên ngành.

Giải pháp của mọi giải pháp để phát triển KH&CN là:
* Đảng và Nhà nước phải tạo điều kiện cho các nhà khoa học: một môi trường dân chủ và tự do trong hoạt động sáng tạo; điều kiện và phương tiện làm việc để phát huy tài năng và tâm huyết cho sự phát triển của đất nước, trước hết là đãi ngộ vật chất (tiền lương thấp nhất gấp từ 5 đến 6 lần so với hiện nay) và có nhiều cơ hội thuận lợi trong giao lưu, hợp tác quốc tế từ khu vực đến toàn cầu.
* Người làm quản lý Nhà nước về KH&CN cũng là người trí thức, nhà khoa học. Để hoàn thành tốt trọng trách của mình, nhà quản lý phải có một ý thức, một tấm lòng “cùng hội cùng thuyền” với các nhà khoa học khác. Từ đó có sự thông cảm, hòa đồng, có quan hệ đối tác bình đẳng cùng với các nhà khoa học khác vì sự nghiệp phát triển của đất nước.
Nhà nghiên cứu Việt Phương

Khoa học từ số đông nhưng không bao giờ nảy sinh từ số đông. Ví dụ, vạn cây tre vẫn thấp hơn cây đa làng. Vì vậy khoa học đích thực phải xử lý tốt mối quan hệ giữa số đông và số ít. Do đó trong hoạt động khoa học cần có hội đồng, cần có nghiệm thu, có đa số nhưng phải có giải pháp như thế nào để không triệt tiêu những ý tưởng sáng tạo của thiểu số.
GS. Hồ Ngọc Đại
Tiến bộ KH&CN của ta hiện nay chậm hơn nhiều so với sự phát triển của kinh tế – xã hội, từ đó giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu rất thấp. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết phải kể đến ở nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp độc quyền, sức hút của cám dỗ từ việc làm giàu nhanh chóng bằng các mối quan hệ, không cần đến đổi mới công nghệ. Vì vậy, cho đến hiện nay trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn rất lạc hậu, mặc dù không ít chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ của Nhà nước đã được ban hành.
TS. Lê Đăng Doanh

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy rằng đặc thù Nhật khá khác biệt với Việt Nam, cả về trình độ phát triển kinh tế – xã hội và vị thế chiến lược (chẳng hạn như Nhật gần đây mới bắt đầu phải lưu tâm tới đầu tư chiến lược cho quốc phòng) nên những tỉ lệ này cần được phân tích kỹ trước khi chúng ta muốn đối chiếu, áp dụng ở Việt Nam.
Liên quan tới vấn đề đầu tư ở mức độ nào cho nghiên cứu cơ bản, giáo sư Hồ Tú Bảo đưa ra khuyến cáo của World Bank và UNESCO: “Không phải mọi đất nước đều cần tiến hành nghiên cứu cơ bản ở nhiều lĩnh vực, và mỗi quốc gia phải xem xét đâu là các loại nghiên cứu KH&CN có thể trực tiếp đóng góp vào sự phát triển của mình. Nhìn vào đòi hỏi chi phí lớn và những khó khăn, có lẽ câu hỏi cần hỏi nhất là: đâu là mức tối thiểu của khả năng KH&CN mỗi quốc gia cần phải có để đạt được các mục tiêu của mình?”.
Mức đầu tư tối thiểu cho nghiên cứu cơ bản nói riêng và KH&CN nói chung vẫn là ẩn số. Tuy nhiên, các nhà khoa học và quản lý đều đồng thuận với thực tế giản dị là cần đầu tư sao cho những người làm khoa học chân chính được đủ sống, các cơ sở nghiên cứu có đủ điều kiện tối thiểu để hoạt động. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nêu ra thực trạng là mức lương vài triệu đồng ở các viện nghiên cứu không thể cạnh tranh thu hút người tài được với mức lương 1.500 USD ở bên ngoài. Thiếu thốn về thu nhập và điều kiện nghiên cứu là nguyên nhân quan trọng gây ra nạn chảy máu chất xám. Giáo sư Pierre Darriulat bày tỏ sự trăn trở: “Do nhiều năm chiến tranh và hậu quả sau đó, Việt Nam đã mất gần ba thế hệ giảng viên và các nhà khoa học”, nếu không tạo đủ điều kiện để tồn tại giới khoa học đúng nghĩa, chúng ta hiển nhiên sẽ tiếp tục mất đi các thế hệ tiếp theo.

Quản lý vốn đầu tư như thế nào?
Một mặt nguồn kinh phí dành cho KH&CN có hạn, mặt khác phải đầu tư sao cho người làm khoa học không chỉ đủ sống mà còn không bị thiệt thòi về cơ hội thu nhập. Như vậy thì không thể đầu tư dàn trải, mà phải tập trung vào những nhóm nghiên cứu mạnh. Đây là quan điểm nhiều nhà khoa học bày tỏ mong muốn được triển khai thực hiện.
Việc dành kinh phí cho các nhóm nghiên cứu mạnh không chỉ hạn chế lãng phí vào các nghiên cứu vô thưởng vô phạt, mà còn đảm bảo những người nghiên cứu thực thụ có điều kiện được đóng góp, đem lại sản phẩm đích thực cho xã hội.
Việc tập trung đầu tư vào các nhóm nghiên cứu mạnh thay vì đầu tư dàn trải cũng giúp giảm nhẹ gánh nặng cho công tác quản lý, và khiến công việc này minh bạch, rạch ròi hơn. Trong bài tham luận thứ hai viết cho Hội thảo, Giáo sư Hồ Tú Bảo có một số đề xuất cụ thể. Trong đó, ông đề nghị đối với các chương trình KH&CN của Nhà nước, “trước hết phải chọn và giao trọng trách cho những nhà khoa học đứng đầu các hướng này (research supervisor). Người đứng đầu cùng các trợ lý và cơ quan quản lý cần xây dựng được các mục tiêu cụ thể, và kêu gọi các nhóm nghiên cứu tìm ra nội dung nghiên cứu dưới dạng các đề tài để đạt được các mục tiêu này. Các đề tài nhiều triển vọng nhất sẽ được lựa chọn cùng với người đứng đầu (chủ nhiệm đề tài). Chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu phải ký hợp đồng với Nhà nước và chịu trách nhiệm về công việc của mình”.
Hậu quả của việc đầu tư dàn trải và thiếu kiểm soát khiến cho thành quả không thật tương xứng với mức đầu tư. Theo Giáo sư Phạm Duy Hiển, trong khi một số nghiên cứu (chủ yếu là nghiên cứu cơ bản) chi không quá vài chục triệu một đề tài và cho công bố quốc tế đều đều, thì phần lớn đề tài dự án tiền tỷ, chục tỷ, lại công bố quốc tế rất ít, thậm chí hầu như không có.
Thực trạng trên cho thấy cần phải tiến tới việc ràng buộc các khoản đầu tư với yêu cầu công bố quốc tế, nhất là đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. Đối với nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ, việc công bố quốc tế không phải lúc nào cũng cần thiết, và có khi không khả thi. Như vậy thì cần có những hội đồng khoa học thật nghiêm túc trong công tác xét duyệt và nghiệm thu đề tài.

GS Hoàng Văn Phong – Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ tham quan phòng thí nghiệm – nơi phân lập axit shikimic (từ quả hồi) – nguyên liệu để tổng hợp Oseltamivir photphat (Tamiflu).

Tham luận của TS. Đặng Hữu Chung có nhận xét “thành viên các hội đồng khoa học từ cấp cơ sở cho đến cấp cao hơn thường chỉ tập trung những nhà khoa học mà sự nghiệp nghiên cứu đã bị bỏ qua từ rất lâu, có khi đến vài thập kỷ, và dĩ nhiên họ không còn xứng đáng là đại diện cho các hướng nghiên cứu hiện nay. Việc lựa chọn các nhà khoa học thực sự có năng lực vào các hội đồng là vấn đề hệ trọng, mắt xích quyết định tính hiệu quả của đầu tư cho KH&CN. Người được lựa chọn không chỉ cần am tường nội tình phát triển khoa học trong nước mà còn luôn theo dõi được bước tiến của khoa học thế giới. Qua đó, khẩu hiệu “đứng trên vai người khổng lồ” không còn là sáo ngữ.
Có những nghiên cứu người Việt Nam cần phải tự lực, hoặc cùng đứng tên, nhưng cũng có những sáng chế phát minh chúng ta có thể mua thẳng từ nước ngoài để tận dụng nguồn lực hạn chế của mình một cách tối ưu hơn. Hội đồng khoa học cần có đủ năng lực để đánh giá được quyết định này. Ở đây, tiếng nói của các nhà kinh tế và quản lý có một trọng lượng nhất định. Tuy nhiên, liệu họ có nên trực tiếp tham gia vào Hội đồng, hay chỉ là công cụ để Hội đồng thực thi trách nhiệm của mình? Đây là vấn đề cần bàn kỹ hơn.

Huy động vốn từ đâu?
Kinh nghiệm từ mô hình quản lý KH&CN của Úc và New Zealand trong tham luận của TS. Đặng Kim Sơn cho thấy trong điều kiện nhất định, thị trường có thể tạo ra nguồn kinh phí thiết yếu để nuôi dưỡng khoa học. Tuy nhiên, đó là thị trường của các quốc gia đã phát triển. Khác biệt lớn nhất giữa các nước này và Việt Nam có lẽ nằm ở khía cạnh pháp lý. Để có một thị trường KH&CN đúng nghĩa thì nhất thiết quyền sở hữu trí tuệ của người làm khoa học phải được bảo vệ. Đáng tiếc là đề tài này chưa được đề cập trong Hội thảo lần này. Mong rằng qua các Hội thảo chuyên sâu tiếp theo nó sẽ được thảo luận thấu đáo và nhanh chóng được triển khai vào thực tiễn.

Xây dựng một môi trường làm việc tốt, ở đó nhà khoa học được tự do tư duy, được tôn trọng và có một đội ngũ nhà khoa học có tính chuyên nghiệp. Muốn vậy, phải chọn được người đứng đầu chỉ toàn tâm toàn ý làm khoa học, có khả năng thu hút, tập hợp những người giỏi quanh mình. Người đó phải có một tầm nhìn dài hơi về nghiên cứu, không chạy theo việc đấu thầu đề tài để từ đó xây dựng và hình thành một trường phái khoa học. PGS. TS Nguyễn Thị Trâm, người có những thành tựu nghiên cứu về giống lúa lai là người như vậy.
Ngân sách dành cho khoa học còn hạn chế nhưng nếu biết đầu tư đúng hướng và quản lý tốt thì vẫn đạt được hiệu quả cao. Chẳng hạn như nhóm nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Thị Trâm, đầu tư ban đầu chỉ hơn 100 triệu đồng, và cho đến nay sau 10 năm tổng đầu tư cũng chỉ khoảng 3 tỉ đồng nhưng mang lại hiệu quả rất lớn cả về kinh tế và đào tạo.  Việc đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm vừa qua là một ví dụ của việc đầu tư thiếu hiệu quả do chúng ta đã làm theo quy trình ngược: mua sắm thiết bị trước khi có nhà khoa học.
Việc ra đời các Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia thực sự mang đến cho các nhà khoa học những cơ hội tốt. Nhưng những cơ hội đó chỉ thành hiện thực nếu Quỹ do các nhà khoa học điều hành, không có sự can thiệp của các cơ quan hành chính.
GS. Trần Đức Viên –
Hiệu trưởng ĐH NN I

Tham luận của GS. Trần Xuân Hoài thể hiện tư duy sáng tạo trong việc huy động vốn phát triển KH&CN. Trong tham luận này, tác giả đề xuất xây dựng những lộ trình KHCN, là sự cưỡng bức có mục đích kinh tế – kỹ thuật cụ thể và thời hạn rõ ràng. Ví dụ, trong 3 năm giải quyết xong việc dùng nguồn mở trong các cơ sở sử dụng ngân sách, 7 năm phải giải quyết ở mức công nghiệp kháng sinh tổng hợp, hóa dược cơ bản,… Những lộ trình KHCN này tự thân mang lại giá trị kinh tế cho xã hội, và Nhà nước hoàn toàn có thể khai thác một phần lợi nhuận để bù đắp vào phần vốn đầu tư, trong đó có đầu tư cho KH&CN. Tuy nhiên, những lộ trình KHCN này của Giáo sư Trần Xuân Hoài trước mắt đòi hỏi hai điều kiện cần: một hội đồng đủ chuyên môn về khoa học – kinh tế – xã hội; các nhóm nghiên cứu mạnh. Tạo dựng được hai điều kiện cần này chúng ta mới có thể tính tới những dự án xa hơn.
Bên cạnh đó, mô hình Quỹ phát triển KH&CN như NAFOSTED của Việt Nam cũng là một động thái đáng mừng đối với việc quản lý đầu tư cho KH&CN. Nó giúp đa dạng hóa và làm tăng độ linh hoạt trong việc cấp kinh phí nghiên cứu, tạo ra một kênh đề tài nghiên cứu hữu ích xuất phát từ dưới lên, phù hợp với trình độ và nguyện vọng của người làm nghiên cứu. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, Quỹ cần có một Hội đồng khoa học đích thực phục vụ việc xét duyệt và nghiệm thu. Lĩnh vực này chúng ta đã đề cập phía trên.    

Tự chủ hóa của các cơ quan nghiên cứu khoa học
Đây là yếu tố sẽ gây tác động sâu sắc tới sự phát triển KH&CN, cụ thể là mục đích và cung cách quản lý đầu tư. Một số ý kiến cho rằng không nên, hoặc chưa nên cổ phần hóa các cơ quan nghiên cứu, vì thị trường sẽ chỉ chạy theo lợi ích cục bộ trước mắt mà bỏ rơi những lợi ích có tính công cộng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, người không tham dự được cuộc Hội thảo, nhưng đã có một bài tham luận đáng để chúng ta suy nghĩ. Tham luận này nêu ra bài học quản lý KH&CN ở hai quốc gia phát triển, Úc và New Zealand. Như nhiều nước công nghiệp phát triển, cơ quan Bộ của họ có “quy mô rất nhỏ (làm việc tại trụ sở chính của Bộ KH&CN New Zealand chỉ có 80 cán bộ) do công tác quản lý Nhà nước chỉ tập trung vào nhiệm vụ chính là hoạch định chính sách”. Việc cấp vốn và quản lý vốn cho KH&CN được tiến hành thông qua tổ chức là Quỹ nghiên cứu KH&CN, không trực thuộc các Bộ. Các cơ quan nghiên cứu và đào tạo cũng hoạt động độc lập. Đối với nhiều dịch vụ công như khuyến nông, thú y,… các Bộ chuyển sang hỗ trợ cho các đơn vị tư nhân hoạt động cạnh tranh trên thị trường. Bộ chỉ tập trung vào các dịch vụ công, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và không đem lại lợi nhuận như nghiên cứu thông tin thị trường, kiểm dịch động vật, thực vật, bảo vệ an toàn thực phẩm.

Bốn vấn đề thiết yếu cần được tiếp tục thảo luận, làm rõ trong các nghiên cứu và Hội thảo tiếp theo là:
* Mức đầu tư cho KH&CN và tỉ lệ phân phối giữa các ngành.
* Tiêu chí đánh giá kết quả các đề tài nghiên cứu triển khai.
* Hội đồng khoa học được tổ chức và  hoạt động như thế nào .
* Những bước cụ thể xây dựng thị trường sở hữu trí tuệ.
* Cơ chế pháp lý gắn với tiến trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp KH&CN.

Đối chiếu bức tranh trên với thực tế Việt Nam thì thấy rằng chủ trương tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ quan nghiên cứu là đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên của xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng ngay từ đầu cần vạch ra một ranh giới giữa nghiên cứu vì lợi nhuận và nghiên cứu vì lợi ích công. Loại hình thứ nhất nên dành cho các doanh nghiệp, hoặc các cơ quan nghiên cứu độc lập với quản lý Nhà nước  (nhưng vẫn chịu các ràng buộc pháp lý). Loại hình thứ hai thuộc phạm vi Nhà nước  phải trực tiếp quản lý. Với một ranh giới xác định rõ ràng như vậy, tiến trình tự chủ hóa sẽ giúp làm giảm gánh nặng quản lý Nhà nước, và khiến việc đầu tư KH&CN đạt hiệu quả cao hơn.
***
Do thời lượng của Hội thảo có hạn nên còn nhiều vấn đề cụ thể trong định hướng và các giải pháp phát triển KH&CN trong thập kỷ tới chưa được bàn thảo một cách thấu đáo. Nhưng tinh thần chung trong tham luận của các đại biểu đều cho rằng, muốn sớm đưa KH&CN thực sự trở thành động lực của phát triển kinh tế – xã hội thì phải thay đổi tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm KH&CN.