Quy hoạch phát triển thủy điện: Vấn đề bức thiết

KTNT – Thời gian qua, việc quy hoạch và phát triển thủy điện đã trở thành vấn đề nóng. Trên diễn đàn Quốc hội của kỳ họp vừa rồi, vấn đề này lại được “xới” lên trong các phiên thảo luận, chất vấn. Trong đó các ý kiến đều khẳng định, việc rà soát lại quy hoạch thủy điện là rất cần thiết.

 
 
Công trình thủy điện song Ba Hạ (Phú Yên).

 

Bài 1: "Sợ" thủy điện, tâm lý có thực

Đem chuyện Quốc hội vừa thông qua chủ trương xây dựng công trình thủy điện Lai Châu kể với một người bạn ở Phú Yên, tôi lại nhận được lời than thở của bạn: "Không biết ngoài Bắc nghĩ về thủy điện như thế nào chứ người dân Phú Yên nhắc đến thủy điện đã… ngán". Vẫn biết xây dựng thủy điện là cần thiết, đáp ứng nguồn điện năng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nhưng làm sao hài hòa được lợi ích, không làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân, đồng thời bảo vệ được môi trường vẫn là bài toán khó.

Thiếu đất canh tác nên phải… phá rừng

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 800 dự án thủy điện vừa và nhỏ, trong đó có 335 dự án được triển khai tại các tỉnh miền Trung. Trước nhiều ý kiến cho rằng, khu vực miền Trung đã quy hoạch và xây dựng quá nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, chúng ta cần có cái nhìn công bằng với thủy điện, vì đại đa số các công trình thủy điện đều nằm ở những vùng sâu vùng xa, những người làm thủy điện rất vất vả để làm ra dòng điện cho đất nước.

Điều đó là một sự thật hiển nhiên, không thể chối cãi. Bản thân các công trình thủy điện đã đóng góp nguồn điện năng lớn cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Nhưng trên thực tế, do việc bố trí tái định cư của các công trình thủy điện chưa hợp lý đã dẫn đến những tác động tiêu cực về mặt môi trường. Câu chuyện của những hộ dân phải di dời khỏi vùng lòng hồ công trình thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) là một ví dụ.

Có một thực tế đang rất nhức nhối là rừng cấm Krông Trai (Sơn Hòa – Phú Yên) đang bị tàn phá nghiêm trọng do người dân vùng lòng hồ thủy điện sông Ba Hạ khi di dời đến nơi ở mới đã rơi vào tình trạng thiếu đất sản xuất. Không còn cách nào khác, người dân đành phải sống dựa vào rừng. Chỉ tính riêng trong năm 2008, tại xã Suối Trai đã có 33 vụ phá rừng cấm Krông Trai, làm thiệt hại hơn 136ha rừng.

Được biết, nhằm ổnđịnh cuộc sống cho người dân thuộc diện di dời khỏi lòng hồ thủy điện sông Ba Hạ, UBND tỉnh Phú Yên, huyện Sơn Hòa và Công ty cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ dự định san ủi cánh đồng lúa nước rộng 110ha để cấp cho người dân sản xuất. Thế nhưng cho đến nay, tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân vẫn chưa… hạ nhiệt.

Cũng xung quanh công trình thủy điện này, trong cơn bão số 11, dư luận cho rằng, chính việc xả lũ liên tục với lưu lượng lớn của hồ thủy điện sông Ba Hạ khiến vùng hạ lưu tỉnh Phú Yên gồm TP.Tuy Hòa và các huyện phía Nam của tỉnh bị ngập lụt nặng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Lộc, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho rằng, điều bất cập là hiện nay nước ta chưa xây dựng được quy chế về điều tiết xả lũ liên hồ thủy điện, dẫn đến tình trạng chủ mỗi hồ tự tích nước nhằm đảm bảo cho việc phát điện, đến khi nước trong hồ vượt mức báo động thì mạnh ai nấy xả, xả đồng thời, khiến vùng hạ du lãnh đủ.

Ông Võ Minh Thức, đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy TP. Tuy Hòa (Phú Yên) cho rằng, các hồ thủy điện ở miền Trung không bố trí kết hợp nhiệm vụ phát điện và điều tiết lũ. Trong khi đó, đặc điểm của miền Trung và Tây Nguyên là địa hình dốc, lưu vực sông ngắn và thời gian mưa cũng như mưa tập trung lớn trong thời gian ngắn, rừng bị chặt phá nhiều, do vậy khi mưa lớn đỉnh lũ về rất nhanh. Với đặc điểm này thì rõ ràng miền Trung nói chung và Phú Yên nói riêng là nơi bị ảnh hưởng của lũ lụt ngày càng nghiêm trọng hơn.

Thủy điện phải đảm bảo 3 nhiệm vụ

Quảng Nam cũng là một trong những địa phương ở miền Trung quy hoạch và xây dựng nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ. Theo thống kê đến ngày 30/11/2009, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 50/58 dự án thủy điện được cho phép nghiên cứu đầu tư, trong đó có 6 công trình đã phát điện, tổng công suất 307,9 MW; 9 công trình đang xây dựng với tổng công suất 477,8 MW. Điều đáng nói là phần lớn các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều quá nhỏ và phân bố với mật độ dày đặc. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Nam Giang đã có đến 11 dự án thủy điện bậc thang, thủy điện vừa và nhỏ, trong đó nhiều dự án có công suất quá nhỏ như Đắc Pring 7,2MW; Chà Vàl 4,5MW; Pà Dồn 5,0MW…

Bên cạnh những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách, các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng có những tác động, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân. Trong 50 dự án thủy điện đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh có đến 1.739 hộ dân phải di dời, tái định cư nơi ở mới; diện tích đất bị thu hồi phục vụ cho các công trình thủy điện từ năm 2000 đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 11.589ha.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận: "Phát triển thủy điện là chủ trương lớn, đảm bảo an ninh năng lượng, cải thiện cơ sở hạ tầng cho miền núi, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư ồ ạt thủy điện nhưng chưa đánh giá hết tác động tiêu cực đến đời sống hàng chục nghìn hộ dân, đến kinh tế và tác hại môi trường là vấn đề cần tính lại".

Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII, ông Ngô Văn Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề xuất, từ thực tế phát triển thủy điện ở địa phương, chúng ta phải rà soát lại quy hoạch thủy điện để làm sao đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu và nhiệm vụ của thủy điện, đó là cung cấp điện cho quốc gia; điều tiết được lũ rồi cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất; giải quyết được đời sống của dân cư trong vùng và góp phần thúc đẩy kinh tế ở địa phương.

 

Bài II: Không nên đầu tư dàn trải