Năm 2008 là năm đại thắng của con tôm thẻ chân trắng (TCT) ở các tỉnh Duyên hải miền Trung nên vào đầu niên vụ 2009, ngư dân đã mạnh tay thả nuôi đại trà hàng ngàn ha tôm TCT.
Nhưng chỉ sau vài tuần đến hơn 1 tháng thả giống thì đột ngột tôm lâm "bạo bệnh", chết hàng loạt…
Bình Định: Tôm "đi tàu ngầm"!
Theo nhiều hộ nuôi tôm TCT ở Bình Định, năm 2008 bình quân 1 ha hồ nuôi cho lãi ròng 400 triệu/vụ. Bởi thế sang đầu năm 2009, con tôm TCT không chỉ còn được nuôi trên cát mà còn được thả nuôi đại trà tại các vùng ven đầm xen canh với các hồ nuôi tôm sú. Nhưng không như kỳ vọng, chưa kịp thu hoạch thì con tôm TCT bỗng dưng đồng loạt "ngửa bụng" ra chết. Về xã Mỹ An (Phù Mỹ), nơi có nhiều diện tích nuôi tôm TCT nhất ở Bình Định trong những ngày này, chúng tôi nhận thấy không khí ảm đạm bao trùm khắp vùng tôm mênh mông. Hỏi thăm thì được biết là một thứ "bệnh lạ" đang hoành hành trên con tôm TCT đã khiến người nuôi tôm ở đây trở tay không kịp.
Ghé vào trại nuôi của anh Nguyễn Thành Văn, 1 người quê ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) vừa vào Mỹ An thuê 2 hồ rộng 8.000m2 để "đánh vận" với con tôm TCT than thở: "Tôi thả giống vào mùng 2/3 âm lịch, tôm đang lớn sởn sơ thì bỗng nhiên hồ tôm phía trên của ông Sỹ bị nhiễm bệnh chết đồng loạt. Chưa kịp trở tay thì hồ tôm 4.000m2 của tôi nằm phía dưới hồ của ông Sỹ cũng nhanh chóng bị lây bệnh. Hồ này tôi thả 35 vạn con giống chỉ trong mấy ngày là chúng chết sạch. Vào những năm trước, tôm chết thường nổi lên mặt hồ, lần này sau khi chúng nổi sắc đỏ từ đuôi lan lên khắp mình rồi chúng chết chìm nghỉm dưới đáy. Không biết chúng bị bệnh gì nên nếu có ai hỏi chúng tôi cứ bảo là chúng bị bệnh "rớt đáy".
Còn ông Hồ Ngọc Linh, ở trại tôm bên cạnh cũng đang rầu rĩ vì 2 hồ tôm có tổng diện tích 1ha của ông cũng đã bị lâm bệnh 3 ngày nay: "Sáng ra cho tôm ăn không còn thấy chúng nổi lên đớp mồi như mọi hôm, nhìn xuống đáy hồ thì thấy chúng chết chìm trắng cả đáy hồ". Rất nhiều ao tôm đều bị "dính" bệnh lạ này, chẳng biết gọi bệnh gì nên các hộ nuôi tôm gọi nôm na là bệnh "tôm đi tàu ngầm".
Ông Linh quả quyết: "Cả vùng tôm hơn 100 ha ở Mỹ An hiện đã bị nhiễm bệnh đến 1/3 diện tích và chắc chắn chẳng bao lâu sau sẽ lây lan diện rộng vì chúng tôi chưa biết ngăn chặn dịch bệnh này như thế nào". Được biết cách đây gần hai tháng, trên đồng tôm rộng gần 40ha thuộc 2 xã Hoài Mỹ, Hoài Hương (Hoài Nhơn) cũng lâm cảnh tương tự. Hiện tượng tôm chết lần này cũng khác với những lần dịch trước và tốc độ chết lan rất nhanh, nhiều chủ hồ không xử lí kịp, chỉ vài ngày là tôm chết trắng đáy hồ.
Khánh Hòa: Cò chán ăn tôm
Gần 1 tháng nay, đến vùng nuôi tôm này ở Khánh Hòa cũng gặp những gương mặt thiểu não của những chủ đầm tôm. Thông tin về tôm chết hàng loạt cứ dồn dập đến từ tất cả các vùng nuôi tôm TCT ở Khánh Hòa như: Cam Ranh, Cam Lâm, Nha Trang, Ninh Hòa và Vạn Ninh với tổng diện tích tôm chết khoảng trên 800ha, riêng Vạn Ninh chết 400/450ha (89%), Nha Trang chết 100/110ha (90%)… Khi chúng tôi đến vùng nuôi tôm TCT tại thôn Vĩnh Xuân, Vĩnh Thái (Nha Trang), gia đình anh Vũ Đình Sơn đang thu "non" đìa tôm mới trên 50 ngày tuổi. Anh than thở, cuối tháng 4/09 gia đình anh thả nuôi 8ha tôm TCT, chỉ 2 tuần sau, đàn tôm trong 4ha hồ nuôi lần lượt chết, số còn lại cũng phải thu non.
Không ngơi nghỉ, vợ chồng anh quyết "bày keo khác". Thấy êm êm được 50 ngày, tưởng vụ này thắng rồi, vậy mà, chỉ còn khoảng 15 ngày nữa là đến ngày thu cũng không thể đợi được vì tôm đang "tấp bờ", không thu ngay, mai sẽ chết trắng đìa. "Mấy bữa trước tôm chết cò đến ăn dữ lắm mà", tôi hỏi. Chị Yến, vợ anh Sơn đáp ngay: "Cò ăn chán rồi". Cả vùng tôm hàng trăm ha, vậy mà tới 90% diện tích đìa vừa thả có được vài tuần đã bắt đầu đỏ đuôi, đỏ thân rồi chết. Cò vào ăn tôm trắng cả đồng. Chủ đìa nào cũng dáo dác, nhìn thấy cò bay mà thon thót trong bụng, mau mau xử lý đìa hoặc bán tống ngay đàn tôm kẻo dịch bệnh sẽ "mò" đến đàn tôm của mình ngay.
Theo nguồn tin của NNVN, tình hình tôm chết hàng loạt, dồn dập và trên diện rộng xảy ra ở tất cả những khu vực nuôi tôm TCT khu vực Duyên hải miền Trung như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Đà Nẵng… gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Đáng lưu ý là tôm đều có hiện tượng đỏ đuôi, đỏ thân, bỏ ăn, lặn xuống đáy rồi chết. |
Đi đâu cũng thấy tôm chết. Xe đông lạnh về mua tôm đậu kín cả đường. Các chủ nậu thu mua tôm bỗng "lên ngôi" khi chủ đìa nào cũng gọi điện năn nỉ mau mau cân tôm giúp, mua chưa đưa tiền cũng được. Giá một cân tôm chưa bằng một cân dưa hấu ế, chỉ 2.000đ/kg. Thậm chí mong các chủ nậu thu giúp cho sạch đìa, không cần trả tiền cũng được. Thế mà các chủ nậu dù có huy động hết quân vẫn không mua kịp.
Chị Huỳnh Thị Nguyệt, một chủ nậu tôm ở Vĩnh Thái (Nha Trang), đang cân tôm nói xen vào: Chu cha, ngày nào cũng phải mua vài chục tấn tôm nhỏ như đầu đũa. Đưa ra chợ bán có 3.000 đồng/kg cũng không bán nổi. Đem vào Sài Gòn "đổ" đại cho bạn hàng, tiền bán cả vốn lẫn lời không đủ thuê công nhân thu tôm và tiền chuyên chở. Vùng tôm Vạn Ninh còn thê thảm hơn, tôm chết đến 400ha, cả ngàn tấn tôm chỉ trong ít ngày nên chẳng có chủ nậu nào mua cho kịp. Chẳng còn cách nào, các chủ đìa đành kéo tôm lên, áp dụng đủ kiểu xử lý như: phơi, sấy và… cho vịt ăn (!)