Quảng Nam thành công nuôi tôm thẻ chân trắng

Từ năm 2005, với chủ trương cho phép phát triển đối tượng tôm thẻ chân trắng bên cạnh con tôm sú truyền thống đã làm cho diện tích, sản lượng và năng suất tôm nuôi ở Quảng Nam tăng cao.

  

Năng suất bình quân của tôm chân trắng đạt 4 tấn/ha/vụ, cá biệt đạt 7-10 tấn/ha/vụ. Năm 2006 diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng toàn tỉnh khoảng 100 ha (chiếm 4,3% diện tích nuôi tôm nước lợ). Trong 2 năm 2008-2009, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển, có hiệu quả tại tỉnh Quảng Nam. Nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu từ khi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.

Đến nay diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng chiếm 70% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh (1.350ha/1.700ha), tập trung ở các huyện, thành phố: Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Tôm thẻ chân trắng được nuôi ở vùng bãi triều, dọc theo lưu vực sông nước lợ Trường Giang (khoảng 1.320ha), năng suất bình quân 4,5 tấn/ha, doanh thu 202,5 triệu đồng/ha, lãi bình quân 81 triệu đồng/ha và nuôi ở vùng cát ven biển bằng cách lót bạt chống thấm (khoảng 30ha), năng suất bình quân 12 tấn/ha, doanh thu 540 triệu đồng/ha, lãi bình quân 162 triệu đồng/ha. Qua thời gian nuôi 2,5-3 tháng là có thể tiến hành thu hoạch, lúc đó tôm đạt cỡ 100 con/kg.

Thực nghiệm các điều kiện nuôi khác nhau, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Nam đã triển khai mô hình "Nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong ao nuôi nước lợ có nồng độ muối thấp" tại hộ ông Lê Minh Ký (ở tổ 4, Hương Trà Đông, Hoà Hương, TP Tam Kỳ) với qui mô 0,3ha và ở TP Hội An 0,7 ha.

Trong quá trình thực hiện, hộ nuôi cho tôm ăn phù hợp và quản lý môi trường chặt chẽ, duy trì đảm bảo các yếu tố môi trường thích nghi cho tôm (như pH, nhiệt độ, độ kiềm), sục khí cho ao, sử dụng vi sinh để giúp phân huỷ nhanh các chất thải trong ao, xử lý thay nước kích thích tôm lột xác nhanh và đều hơn. Trong quá trình nuôi tôm phát triển tốt, sạch bệnh.

Nhìn chung việc phát triển nuôi tôm chân trắng đã tạo ra cơ hội mới nhưng cũng đặt ra cho các nhà quản lý, nhà khoa học và người nông dân không ít thách thức nhất là vấn đề môi trường, dịch bệnh và các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại.

Kết quả nuôi tôm lại phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết nên rủi ro cao về thiên tai, dịch bệnh, trong khi nhà nước chưa ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân nuôi trồng thuỷ sản khi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Tại điểm hộ ông Lê Minh Ký ở TP Tam Kỳ, 200 nghìn con tôm giống được thả nuôi từ ngày 18/4. Sau 2,5 tháng, kết quả bước đầu cho thấy, tôm thẻ sống và sinh trưởng tốt ở ao nuôi có nồng độ muối thấp (đầu vụ nuôi độ mặn 0,5-1‰ và cuối vụ là 5-6‰); tỉ lệ sống đạt trên 65%. Trọng lượng bình quân tôm đạt 100 con/kg. Sản lượng tôm đạt trên 1,2 tấn, năng suất trên 4 tấn/ha, với giá bán 54.000 đồng/kg, tổng thu 64,8 triệu (216 triệu đồng/ha), sau khi trừ chi phí (34,8 triệu đồng) lãi 30 triệu đồng (100 triệu đồng/ha).

Tại TP Hội An, 0,7 ha tôm được thả nuôi từ ngày 16/5, tỉ lệ sống gần 100%. Đến ngày 4/8 vừa qua (sau 80 ngày nuôi), tôm đã được thu hoạch với sản lượng 3,5 tấn (năng suất 5 tấn/ha), với giá bán 43.000 đồng/kg, tổng thu 150,5 triệu (215 triệu đồng/ha), trừ chi phí (125,5 triệu đồng) còn lãi 25 triệu đồng (35,7 triệu đồng/ha).

Theo ông Trần Văn Tương – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Nam, tôm thẻ chân trắng có thời gian sinh trưởng ngắn (2,5-3 tháng); năng suất cao (trên 4 tấn/ha), thâm canh có thể đạt đến 20 tấn/ha; là đối tượng nuôi trồng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao hơn so với tôm sú; thị trường tiêu thụ rộng; phổ thích nghi rộng (độ mặn từ 1- 30‰). Tuy nhiên cần phải quản lý chặt chẽ các trại tôm giống để có con giống bảo đảm chất lượng cung cấp cho các hộ nuôi. Tăng cường công tác kiểm dịch con giống, kể cả giống nhập vào và xuất ra khỏi tỉnh. Khi nuôi diện tích lớn cần phải quan tâm đầu ra cho sản phẩm…