Cây cao su đưa vào trồng ở Thừa Thiên Huế từ năm 1993. Đến nay Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có diện tích Cao su Tiểu điền lớn của miền Trung. Đồng thời cây cao su cũng khẳng định vai trò xóa đói, giảm nghèo ở khu vực nông thôn nhất là đối với đồng bào dân tộc.
Cách đây 7-10 năm khi mủ cao su được mệnh danh là “vàng trắng” thì vài năm gần đây giá cao su khá bấp bênh, thậm chí hiện nay giá đang xuống mức thấp gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Thậm chí một số hộ dân đã chặt bỏ vườn cao su chuyển sang cây trồng khác. Trong xu thế đó ngành cao su nói chung và các cấp quản lý rất quan tâm, khuyến kích các địa phương chủ động tìm các loại cây trồng phù hợp, có giá trị để xen canh trong các vườn cao su mục đích lấy ngắn nuôi dài, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích giúp bà con yên tâm gắn bó với cây cao su.
Trước thực tiễn đó, trong khuôn khổ đề tài KHCN cấp Đại học Huế 2018-2019, nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Nông Lâm Huế với sự chủ trì của NCS. Trần Phương Đông phối hợp với Trạm Khuyến Nông Lâm Ngư huyện Nam Đông thực hiện nghiên cứu trồng xen gừng và dứa trong vườn cao su kiến thiết cơ bản tại huyện Nam Đông.
Kết quả nghiên cứu, đánh giá bước đầu cho thấy gừng và dứa sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện xen canh trong cao su. Dự kiến lứa gừng đầu tiên sẽ cho thu hoạch vào dịp Tết nguyên đán sắp tới. Vườn dứa sẽ xử lý ra hoa trong ít tháng tới và cho quả vào năm sau. Đặc biệt, giống gừng được nhóm nghiên cứu sử dụng là gừng Sẻ, đặc sản chỉ có ở Huế rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Với giá bán gấp 3 lần so với gừng Trâu hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập tốt cho bà con.
Cơ quan chủ quản đề tài kiểm tra tiến độ ngoài thực địa
Thí nghiệm xen dứa
Thí nghiệm xen gừng
Triển khai thí nghiệm
Trần Phương Đông