Nghiên cứu ảnh hưởng của hạn hán đến sản xuất lúa tại Đại Lộc

Sáng 8.9, Trường Đại học Nông lâm Huế phối hợp với huyện Đại Lộc tổ chức hội thảo nghiên cứu ảnh hưởng của hạn hán đến sản xuất lúa tại Đại Lộc. Hội thảo có sự tham gia của đại diện ngành nông nghiệp tỉnh, huyện Đại Lộc cùng đông đảo nông hộ canh tác tại khu vực chịu tác động và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu của một số xã trên địa bàn.



Quang cảnh hội thảo

Được biết, hội thảo lần này nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu “Mô phỏng ảnh hưởng của hạn hán đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam: Trường hợp nghiên cứu cho cây lúa”, do nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Tài nguyên đất & môi trường nông nghiệp (ĐH Nông lâm Huế) thực hiện, do Dự án ACCCU, Nuffic Hà Lan tài trợ.



Khô hạn nặng xuất hiện trên một số cánh đồng của xã Đại Hồng trong vụ hè thu 2014

Triển khai từ tháng 4.2014 đến nay, nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều kết luận quan trọng. Cụ thể, dựa vào xu hướng biến động của yếu tố lượng mưa và nhiệt độ trong thời gian nhất định, nhóm nghiên cứu dự báo, trong tương lai, Đại Lộc sẽ đối diện với nguy cơ bị hạn ngay cả vụ đông xuân. Theo đó, 18 xã/thị trấn trên địa bàn Đại Lộc sẽ đối diện với 3 mức độ hạn: hạn nặng, hạn vừa và hạn nhẹ; trong đó, Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Đồng, Đại Hồng và Đại Sơn là nhóm xã sẽ đối diện với nguy cơ hạn nặng trong tương lai.
Ngoài ra, kết quả đề tài còn đưa ra được dự báo ảnh hưởng của hạn hán đến năng suất lúa tương lai bằng thuật toán Percentile. Nếu lượng mưa trong tương lai giảm đi 10% thì năng suất lúa hè thu tại Đại Lộc sẽ bị giảm 1,1%, tương đương với việc sẽ mất đi khoảng 520 tấn lúa/vụ do hạn hán; và khi lượng mưa giảm mạnh khoảng 20%, tức năng suất lúa toàn huyện sẽ giảm 3,6%…