Như tin đã đưa, chiều 23/3/2008, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đến thăm và làm việc với trường ta. Trong buổi làm việc, đồng chí đã nêu ra một số vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển nông thôn và vấn đề đào tạo, nghiên cứu của nhà trường.
-
Xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển NN & NT là trách nhiệm chung, của bộ NN&PTNT và của trường và các viện nghiên cứu. Bộ đã có chủ trương và rất coi trọng sự hợp tác của các trường không thuôc Bộ quản lý với các viện nghiên cứu trong Bộ. Hợp tác có tính chiến lược này, giúp Bộ phát triển nhanh hơn nguồn nhân lực và góp phần tich cực cho KHCN trong lĩnh vực Bộ quản lý.
-
Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện chính sách rộng mở trong các hoạt động phục vụ NN và PTNT. Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ để xóa bỏ những rào cản, nhất là cản trở về tài chính để Bộ có thể kết hợp với tất cả các lực lượng xã hội để phát triển NN và NT, trong đó lực lượng quan trọng là các Trường Đại học NN trong cả nước.
-
Bộ đang xây dựng chương trình Tam Nông: Nông nghiệp-Nông thôn-Nông dân. Chương trình này là mẫu hình mới trong phát triển nông thôn, tạo sự bứt phá sách lược trong quản lý để góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, để xây dựng mô hình nông thôn mới phải tìm cách tiếp cận mới và việc đạo tạo nguồn nhân lực về PTNT cần được ưu tiên. Bộ trưởng sẽ xem xét đề nghị việc đưa danh mục kỹ sư KN&PTNT vào chức danh công chức ở cấp phường xã.
-
Đầu tư kinh phí cho khoa học công nghệ là bước đột phá nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản trong sản xuất. Năm 2008, Bộ dự kiến sử dụng 550 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học, 150 tỷ đồng cho công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, 200 tỷ đồng cho hoạt động khuyến nông… Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng tỏ ra lo lắng với kết quả nghiên cứu chưa thật sự đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất. Đ/c cũng tìm kiếm phương thức phối hợp nghiên cứu với các trường đại học để thúc đẩy NCKH và CN.
-
Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của trường trong việc góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Trung – Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận thấy ở khu vực này thiếu hẵn một trung tâm nghiên cứu, thiếu những kết quả nghiên cứu và công nghệ đặc thù cho vùng. Ví dụ, thiếu hụt những giống cây ăn trái, cây màu, giống lúa.. thích hợp cho Trung Trung bộ. Hoặc như giống lúa của các tỉnh trong khu vực đều phải lấy từ hai đầu đất nước.
-
Về định hướng của Bộ về phát triển nông nghiệp trong những năm tới, việc phát triển chăn nuôi và thủy sản là trọng tâm, đồng thời chú ý tăng thu nhập cho nông dân thông qua các hoạt động dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Trong phát triển nông nghiệp, chương trình giống là chương trình quan trọng. Các vấn đề về tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng (trong đó có cúm gia cầm) và cải thiện chất lượng thịt bò sẽ được quan tâm và xem xét.
-
Bộ coi Trường ĐHNL Huế là trung tâm nghiên cứu cho khu vực Trung Trung Bộ, việc NC cho khu vực này cần tập trung vào các vấn đề về giống cây con phù hợp với điều kiện của miền Trung, phát triển rau, hoa và cây ăn quả. Bộ muốn đặt hàng với các nhà khoa học về những vấn đề này.
-
Một số đề xuất của trường cũng đã được Bộ trưởng đề cập và đưa ra chủ trương giải quyết:
a. Khuyến khích thành lập viện nghiên cứu NN Trung Trung Bộ thuộc Trường
b. Bộ ủng hộ trường triển khai dự án "Đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm về Nông, Lâm Ngư nghiệp cho các nước tiểu vùng sông Mê Kông GMS" và đề nghị trường phối hợp triển khai làm các thủ tục
c. Tiếp tục tìm nguồn vốn để triển khai xây dựng một số hạng mục ở trung tâm nghiên cứu Thủy sản Phú Thuận.
d. Bộ sẵn sàng giao đề tài nghiên cứu cho trường nhưng trường cùng phối hợp với Bộ để xây dựng ý tưởng nghiên cứu sát thực.
9. Trên cơ sở những vấn đề trên, Bộ trưởng đề nghị:
a. Vấn đề Tam nông là chương trình lớn ở nước ta vì vậy, nhà trường cùng với Bộ nghiên cứu để đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp.
b. Bộ coi NCKH và công nghệ là trụ cột số một để thúc đẩy vấn đề Tam nông ở Việt Nam. Vì thế, Trường cần chủ động đề xuất các đề tài NC, tham gia đấu thầu các DA nghiên cứu và tham gia vào chương trình Công nghệ sinh học. Đồng thời Trường cần có chủ trương thích hợp để đào tạo nguồn nhân lực, trang bị thêm cơ sở vật chất cho nghiên cứu và phối hợp các chương trình nghiên cứu trong đó có công tác giống (tạo giống và nhân nhanh giống tốt).
Với thời gian làm việc ngắn nhưng Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đưa ra nhiều ý kiến quan trọng giúp cho nhà trường có những bước đi thích hợp trong hợp tác nghiên cứu, đào tạo những năm tiếp theo.