Sáng nay (26.5), Lễ ký kết hợp đồng sản xuất và phát triển sản phẩm sinh học Pseudomonas giữa trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL) Huế và Công ty Cổ phần Bình Điền Mê kong được diễn ra tại trường ĐHNL Huế.
Tham dự Lễ, có: Ông Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế – Kỹ thuật; Ông Phạm Công Hoạt – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Nông nghiệp – Bộ Khoa học Công nghệ.
Về phía đại diện các cơ quan trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có các lãnh đạo thuộc Sở KHCN Thừa Thiên Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Thừa Thiên Huế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn miền Trung, Chi cục Bảo vệ thực vật Thừa Thiên Huế.
Về phía Đại học Huế, có: PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Phó Giám đốc Đại học Huế; PGS.TS Nguyễn Khắc Hoàn -Phó trưởng ban Khoa học Công nghệ và Môi trường ĐHH.
Về phía trường Đại học Nông Lâm, có: PGS.TS Lê Văn An- Hiệu trưởng nhà trường, lãnh đạo trong Ban Giám hiệu, lãnh đạo các phòng: Khoa học Công nghệ & Hợp tác quốc tế, Tổ chức Hành chính, Kế hoạch Tài chính, Cơ sở vật chất, lãnh đạo khoa Lâm nghiệp, Nông học, Trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật, cùng chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu.
Về phía công ty Cổ phần Bình Điền Mê kong, có: Ông Phan Hùng Cường – Giám đốc, cùng các lãnh đạo trong công ty và một số đại lý nhà phân phối thuộc Công ty Cổ phần Bình Điền Mê kong.
PGS.TS Hồ Trung Thông-Trưởng phòng KHCN&HTQT phát biểu tại buổi lễ
Tại buổi lễ, người tham dự được lắng nghe báo cáo khoa học “Nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida phòng trừ bệnh chết nhanh (Phytophthora capsici) trên hồ tiêu”, mã số B2011-ĐHH-04 do PGS. TS. Trần Thị Thu Hà – Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm, được thực hiện trong hai năm (2011-2012). Đây là đề cấp Bộ đã được hội đồng nghiệm thu đạt loại tốt. Những kết quả của đề tài đã được các nông dân tham gia mô hình đánh giá cao các kết quả đạt được cũng như hiệu quả của chế phẩm Pseudomonas trong phòng trừ bệnh chết nhanh hồ tiêu. Hiện nay, đề tài được tiếp tục với dự án sản xuất thử nghiệm 2015-2016 và Công ty Cổ phần Bình Điền Mekong sẽ cùng tham gia sản xuất, mua và phân phối sản phẩm.
PGS.TS Trần Thị Thu Hà- Chủ nhiệm đề tài
Phát biểu tại Lễ ký kết, PGS.TS Lê Văn An cho biết: Đây là 1 đề tài nghiên cứu được xây dựng, triển khai trong nhiều năm ở các cấp độ khác nhau, sau đó chuyển qua sản xuất thử nghiệm một cách có quy trình. Sản phẩm cuối cùng đã được chứng minh ở các cơ sở nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, tại các trang trại, ứng dụng vào sản xuất để giải quyết vấn đề thực tiễn trong nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhà trường đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của PGS.TS Trần Thị Thu Hà và nhóm nghiên cứu đã xây dựng, triển khai đề tài nghiên cứu này. Do đó, sản phẩm này đã được giới thiệu đến Công ty Cổ phần Bình Điền Mê Kông. Trong nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Bình Điền Mê Kông cũng đã kiểm nghiệm hiệu quả của chế phẩm này, đưa vào ứng dụng sản xuất hồ tiêu tại Việt Nam.
PGS.TS Lê Văn An phát biểu tại buổi lễ
Cũng tại buổi lễ, ông Phan Hùng Cường – Giám đốc Công ty Cổ phần Bình Điền Mê kong cho hay: Với mục tiêu đồng hành cùng bà con nông dân, góp phần xây dựng nông nghiệp nông thôn, trong những năm qua, Công ty Cổ phần Bình Điền Mê kong thường xuyên liên kết với các viện nghiên cứu cũng như các nhà khoa học không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng nhằm giúp người nông dân đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Công ty Cổ phần Bình Điền Mê kong vinh dự là đơn vị hợp tác với trường ĐHNL sản xuất và phát triển sản phẩm sinh học Pseudomonas, chế phẩm do nhóm nghiên cứu của trường ĐHNL Huế thực hiện. Đây là giải pháp hữu hiệu trong việc phòng và điều trị bệnh chết nhanh cho cây hồ tiêu- một trong những cây trồng có thế mạnh xuất khẩu của nông dân Việt Nam. Ông Phan Hùng Cương hi vọng, sẽ nổ lực hết mình để sản xuất và phát triển sản phẩm sinh học Pseudomonas với quy mô lớn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và mang lại lợi ích cho bà con nông dân.
Ông Phan Hùng Cường phát biểu tại buổi lễ
Ngay sau đó, trường ĐHNL Huế và Công ty Cổ phần Bình Điền Mê Kong tiến hành ký kết hợp tác sản xuất. Đây sẽ là mở đầu cho nhiều cơ hội hợp tác phát triển của cả hai đơn vị và sự hợp tác tốt đẹp giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Lãnh đạo hai bên tiến hành ký kết hợp tác
Chụp hình lưu niệm
Người quan tâm có thể xem Báo cáo khoa học “Nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida phòng trừ bệnh chết nhanh (Phytophthora capsici) trên hồ tiêu” tại đây
Bài: GT
Ảnh: XP