Chiều qua (07.05.2018), trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) đã có buổi trao đổi thông tin với giáo sư Christian Kull, trường ĐH Lausane và nhóm điều hành dự án FTViet về hợp phần đào tạo và nâng cao năng lực của trường ĐHNL, ĐHH.
Tham dự cuộc họp, có: PGS.TS Lê Văn An – Hiệu trưởng trường ĐHNL; PGS.TS Lê Đình Phùng- Phó Hiệu trưởng; đại diện lãnh đạo phòng KHCN-HTQT, phòng Đào tạo; TS. Hồ Đắc Thái Hoàng- Viện trưởng Viện Tài nguyên và môi trường, ĐHH; cùng nhóm điều hành dự án FTViet.
Tại cuộc họp, lãnh đạo trường ĐHNL và các thành viên điều hành dự án FTViet đã trao đổi, thảo luận về nhiệm vụ của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, thực hiện các nội dung trong hợp phần đào tạo và nâng cao năng lực của trường ĐHNL cũng như đưa ra đề xuất, giải pháp để phát triển khung chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thiết kế chương trình học phù hợp cho chương trình học bổng thạc sỹ và tiến sỹ trong khuôn khổ của dự án “Đánh giá bản chất của quá trình chuyển đổi rừng ở Việt Nam, dịch vụ sinh thái và khả năng phục hồi sinh thái xã hội trong các cảnh quan rừng được quản lý tại địa phương” (FTViet).
Đây là dự án nghiên cứu của Quỹ Khoa học Quốc Gia Thụy Sỹ tài trợ cho 3 đơn vị thực hiện gồm Đại học Lausanne (UNIL) (Thuỵ Sỹ), Viện Tài nguyên Môi trường, ĐHH (IREN) và Trường ĐHNL, ĐHH. Mục tiêu và nội dung chính của dự án này nhằm Khảo sát đánh giá hiện tượng ‘chuyển tiếp rừng’ ở Việt Nam, tập trung vào diện tích rừng do địa phương (người dân, xã, huyện) quản lý; Liệu tiến trình chuyển tiếp rừng ở Việt Nam có bền vững về chất lượng?; Chuyển tiếp rừng liên quan thế nào đến sinh kế?; Đâu là nhân tố ảnh hưởng đến tiến trình chuyển tiếp rừng, và cách thức ảnh hưởng như thế nào (chính sách, năng lực)?. Các hoạt động chính của dự án là: Nghiên cứu về sinh thái, nghiên cứu về xã hội, Xây dựng năng lực và cải thiện chính sách. Dự án này sẽ kéo dài từ năm 2017 đến năm 2023. Vùng dự án tập trung tại huyện Nam Đông và A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Được biết, dự án tài trợ 3 suất học bổng cho nghiên cứu sinh (NCS) chuyên ngành “Lâm sinh” và 7 suất học bổng cho học viên cao học chuyên ngành “Lâm học”. Ngoài ra, dự án còn tài trợ kinh phí cho các đề tài NCKH của giảng viên và nhóm sinh viên có những đề tài phù hợp với lĩnh vực của dự án.