Làm gì với “bệnh lạ”?

Tiếc công của đổ sông đổ biển, nhiều nông dân liều mình, được ăn cả ngã về không, quyết tâm dùng thuốc xử lí bệnh tôm thông thường nhằm cầm cự mong vượt cơn thảm hoạ.

       

Nhưng tác dụng của những phương thuốc "dân gian" ấy không mấy kết quả… Họ phải làm sao đây? 

 >> ”Bệnh lạ” hại tôm thẻ chân trắng: Thử "bắt bệnh" cho tôm
>> ”Bệnh lạ” sát hại tôm thẻ chân trắng

Ông Võ Thanh Hùng, người có kinh nghiệm gần 10 năm nuôi tôm ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ (Bình Định), một trong những người đã hoài công, tốn của chống chọi với "bệnh lạ" trên đàn tôm cho biết: "Tôi đã bỏ ra gần 20 triệu xử lý mọi thứ thuốc để "cầu may" nhưng không thành công. Hồ tôm của tôi nuôi đúng một tháng rưỡi là chết sạch". Thua keo này bày keo khác, ông Hùng và nhiều hộ dân đang cho xử lý lại ao đìa bằng cách tháo sạch nước, cày ải lại đáy ao, rắc vôi xử lý, phơi đáy cho khô rồi lại cho nước vào để thả đợt giống mới cho kịp thời vụ.

Hỏi nếu tôm nuôi lại vẫn bị bệnh thì ông tính sao? Ông cười chua chát bảo chuyện đó… tại trời. Cũng với câu hỏi này, anh Vũ Đình Sơn chần chừ rồi nói: Thì mình cứ theo kinh nghiệm lâu nay, xử lý ao đìa cho đúng kỹ thuật, ra vào nguồn nước cho hợp lý, tăng cường sục khí và tăng thêm vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm. Quan trọng nữa là nguồn tôm giống phải sạch bệnh, đắt 1 chút nhưng yên tâm hơn… Còn khi đã áp dụng tất cả các biện pháp rồi mà vẫn không cứu vãn nổi thì… chỉ còn mỗi một biện pháp duy nhất là thu non, bán gấp trước khi tôm chết trắng đìa.

Mặc dù đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào trả lời chính xác "bệnh lạ" trên tôm TCT là bệnh gì và còn phải chờ những kết quả xét nghiệm. Nhưng cách đây không lâu, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Hội chứng Taura đã xuất hiện khi mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên ở hai cơ sở sản xuất giống tôm TCT ở TP Tuy Hòa và 2 mẫu tôm thịt ở vùng nuôi hạ lưu sống Bàn Thạch (huyện Đông Hòa – Phú Yên) đã cho kết quả dương tính. Điều đáng nói là công tác dập dịch rất bất cập, nông dân xả nước trong ao tôm bệnh ra ngoài đã làm cho dịch bệnh lây lan. Và những biểu hiện lâm sàng trên tôm, tốc độ chết và mức độ nguy hiểm rất giống với hiện tượng tôm chết vì "bệnh lạ" trong đợt này ở các tỉnh Duyên hải miền Trung.

Theo tài liệu "Bệnh học thủy sản" của tiến sỹ Bùi Quang Tề, Trưởng phòng sinh học thực nghiệm – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, khi tôm bị bệnh Taura ở thể cấp tính sẽ bị yếu lờ đờ, đuôi phồng chuyển màu đỏ và hoại tử nên còn gọi là bệnh "đỏ đuôi". Tôm ở giai đoạn cấp tính còn thấy dấu hiệu mềm vỏ, ruột không có thức ăn, những con tôm lớn khi tấp vào bờ hoặc tầng mặt ao sẽ khiến cho chim trông thấy và sà vào ăn. Đặc biệt nguy hiểm là bệnh Taura còn có thể lây qua phân chim biển nếu chim ăn tôm bệnh rồi thải phân ra các vùng tôm khác làm cho dịch bệnh lây lan không thể kiểm soát.

Cũng theo ông Bùi Quang Tề, trong trường hợp tôm bị Taura, chỉ có thể phòng tránh bằng các biện pháp tổng hợp như khi tôm bị bệnh MBV, đốm trắng. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Trung tâm Quốc gia quan trắc Cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh Thủy sản khu vực miền Trung (gọi tắt là Trung tâm), cho biết: Mặc dù Trung tâm đã làm các bước xác định bệnh nhưng vẫn còn một vài xét nghiệm nữa chưa hoàn thành nên bước đầu chỉ có thể chẩn đoán là tôm bị Hội chứng virus, và với hội chứng này cần phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, với những giải pháp đề xuất như sau:

Đối với những vùng chưa thả tôm: Vì chất lượng nước ô nhiễm khá nặng do đó cần phải xử lý clorin nước nuôi và chọn con nước phù hợp để cấp vào ao. Đồng thời bổ sung chế phẩm sinh học sau khi xử lý clorin khoảng 3 ngày. Nhu cầu sử dụng oxy hiện diện khá cao trên nền đáy ao, cần phải xử lý vôi sau đó xử lý chế phẩm sinh học để giảm thiểu nhu cầu sử dụng oxy nền đáy ao. Các ao vệ sinh không tốt nền đáy ao thì khả năng tôm nổi đầu nhiều (ao nuôi trên nền đất). Tăng cường sục khí trong quá trình nuôi nhất là sau 1 tháng nuôi khi thời tiết thay đổi.

Đối với những ao đang nuôi: Do nguồn nước ô nhiễm, các ao nuôi không nên lấy nước vào ao từ nguồn nước ô nhiễm. Nên chờ chọn con nước phù hợp và xử lý bằng clorin trước khi thay nước. Các ao nuôi từ sau 1 tháng tuổi có thể xảy ra trường hợp tôm nổi đầu do thiếu oxy do đó cần tăng cường sục khí và xử lý định kỳ bằng chế phẩm sinh học, định kỳ 0,5 – 1 tháng/lần. Những thời điểm thời tiết thay đổi, tảo trong ao có thể tàn lụi hoặc nở hoa ảnh hưởng đến tôm. Khi tảo nở hoa có thể thay nước và kiểm soát bằng H2O2 với liều 1-2ppm. Khi tảo tàn lụi có thể dùng bột dolomite và zeolite. Do vùng nuôi đã và đang xảy ra bệnh, cần sử dụng các biện pháp tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho tôm nuôi như vitamin C… đồng thời kiểm soát chặt thức ăn.