Trong 3 ngày (từ ngày 29-31/10/2018), Hội thảo“Thúc đẩy sử dụng vắc xin trong nuôi trồng thuỷ sản” được diễn ra tại trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH), dưới sự tài trợ của Hiệp Hội vắc xin Thú y thế giới (IVVN) thông qua dự án “Phát triển các công cụ miễn dịch trong quản lý đáp ứng miễn dịch cá rô phi”. Dự án nghiên cứu tập trung sản xuất vắn xin trên vi khuẩn Streptococcus agalactiae trên cá rô phi.
Dự án gồm 5 thành viên chính trong đó Viện nghiên cứu Moredun, Đại học Edinburgh (Vương quốc Anh) là điều phối viên dự án, Đại học Toronto (Canada) chịu trách nhiệm nghiên cứu sản xuất kháng thể, Đại học Stirling (Vương quốc Anh) phụ trách đánh giá hiệu quả kháng thể, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế chịu trách nhiệm thử nghiệm và đánh giá hiệu quả vắc xin.
Tham dự Hội thảo, có: PGS.TS. Lê Văn An – Hiệu trưởng trường ĐHNL; PGS.TS. Trần Thanh Đức- Phó Hiệu trưởng; cùng lãnh đạo, cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên khoa Thủy sản của trường.
Về phía các đại biểu trong nước và quốc tế, Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về miễn dịch học thuỷ sản, các nhà nghiên cứu bệnh thuỷ sản thế giới gồm: Đại học Glasgow, Viện nghiên cứu Moredun, Edinburgh, Đại học Stirling -Vương quốc Anh; Đại học Toronto, Canada; Đại học Politeknik Negeri Pontianak, Indonesia; Đại học Chulalongkorn, Đại học Kasesart – Thái Lan; Đại học Putra, Malaysia; Đại học Nông nghiệp Bangladesh; Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Viện nghiên cứu thuỷ sản trong cả nước; Chi cục thuỷ sản ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị, cũng như đại diện từ công ty CJ (Hàn Quốc), và các trang trại nuôi cá rô phi tại Cần Thơ và Thừa Thiên Huế.
PGS.TS. Lê Văn An- Hiệu trưởng trường ĐHNL phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Văn An- Hiệu trưởng trường ĐHNL đã chào đón các đại biểu trong nước và quốc tế đến tham dự Hội thảo liên quan đến vấn đề thúc đẩy sử dụng vắc xin trong nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt trên cá rô phi. PGS.TS. Lê Văn An cho biết, lĩnh vực thủy sản đang được chú trọng để phát triển đất nước. Theo đó, Nhà trường luôn quan tâm đến việc cải thiện hoạt động sản xuất nông nghiệp để đáp ứng an ninh lương thực quốc gia cũng như quốc tế. Điều này đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người. Tuy nhiên, vấn đề này đang đứng trước những thách thức to lớn. PGS.TS. Lê Văn An hi vọng rằng, sẽ có nhiều chương trình được tổ chức liên quan đến chất lượng của thực phẩm, bao gồm hệ thống sản xuất nông nghiệp để đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời sẽ có sự kết nối mạng lưới, hợp tác giữa các đối tác đến từ nhiều quốc gia khác nhau nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực thủy sản, bệnh thủy sản để hỗ trợ sản xuất thủy sản trong tương lai.
TS. Nguyễn Ngọc Phước- Phó Trưởng khoa Thủy sản, trường ĐHNL, ĐHH trình bày tại Hội thảo
Theo TS. Nguyễn Ngọc Phước- Phó Trưởng khoa Thủy sản, trường ĐHNL, ĐHH: Đây là dịp để các đối tác của dự án thảo luận các kết quả của dự án IVVN, chuyển giao công nghệ từ dự án, quyết định chiến lược gây quỹ tương lai, thúc đẩy công việc để đạt được ảnh hưởng tối đa từ các kết quả nghiên cứu.
Hội thảo đã được lắng nghe các chia sẻ về nghiên cứu cũng như những thảo luận về: nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam; vắc xin cho cá; dịch tễ học của Streptococcus Agalactiae; miễn dịch của cá rô phi; sản xuất kháng thể tổng hợp; công nghệ mới để phát triển vắc-xin.
Cũng dịp này, các đại biểu tham gia Hội thảo đã tham quan một số địa điểm nuôi trồng thủy sản tại Huế.
TS. Kim Thompson – Viện nghiên cứu Moredun, Edinburgh- Vương quốc Anh chia sẻ tại Hội thảoCác nhà nghiên cứu trình bày tại Hội thảo Các nhà nghiên cứu trình bày tại Hội thảo