Hội nghị về biến đổi khí hậu tồn tại nhiều bất đồng

KTNT – Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Liên Hợp quốc tổ chức đã nóng lên khi bản dự thảo thoả thuận do nước chủ nhà Đan Mạch soạn bị rò rỉ và cho thấy những bất đồng giữa các nước giàu và nước nghèo trong việc cắt giảm khí thải nhà kính. Một số ý kiến cho rằng, bản dự thảo sẽ đặt các nước nghèo vào thế bất lợi.
  

Biến đổi khí hậu đang là vấn đề "nóng" của thế giới.

Theo đó, bản dự thảo cho thấy sẽ có một thoả thuận mới duy nhất, trong khi các nước đang phát triển thì lại muốn gia hạn Nghị định thư Kyoto. Các khối khác cũng sẽ đưa ra dự thảo riêng của mình. Chủ nhiệm của các nhóm làm việc sau đó sẽ phải soạn những tài liệu này thành một văn kiện chính trị để hơn 100 nguyên thủ quốc gia, cùng đại diện các nước khác, có thể ký thông qua khi kết thúc Hội nghị.

Bản dự thảo do Đan Mạch soạn và một bản thay thế khác của nhóm BASIC (gồm Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc) đã được đưa ra thảo luận bởi một nhóm nhỏ gồm một số nước chủ chốt tại Copenhagen từ tuần trước. Nhưng bản của Đan Mạch vẫn được giữ bí mật tới khi tờ The Guardian đưa tin vào buổi chiều ngày thứ 2 của Hội nghị. Văn bản này cho thấy ở bình diện chung, các nước đang phát triển và các nước phát triển bị chia rẽ ở một số vấn đề: mức độ cắt giảm khí thải nhà kính của những nước đang phát triển; việc đặt ra một thời điểm mục tiêu khi lượng khí thải nhà kính đạt đỉnh và bắt đầu giảm dần…

Theo dự thảo của BASIC, mức độ cắt giảm khí thải của các nước phát triển sẽ được quy định nằm trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto. Còn dự thảo của Chính phủ Đan Mạch lại có nội dung, mọi biện pháp sẽ được quy chung vào một thoả thuận duy nhất. Tới thời điểm này, các nước đang phát triển vẫn kiên định yêu cầu duy trì Nghị định thư Kyoto vì văn kiện này có những biện pháp về chuyển giao công nghệ và trợ giúp tài chính, và vì đây là Hiệp ước có giá trị bắt buộc về pháp lý duy nhất tồn tại, ép buộc các nước phải giảm khí thải nhà kính.

Dự thảo của Đan Mạch cũng đặt ra mục tiêu khí thải nhà kính đạt đỉnh vào năm 2020 và sau đó sẽ bắt đầu giảm; tới năm 2050 toàn cầu sẽ giảm 50% lượng khí thải nhà kính (so với năm 1990). Phần lớn các nước công nghiệp đã cam kết sẽ cắt giảm 80% lượng khí thải nhà kính của nước mình.

Ông Antonio Hill (tổ chức Oxfam) cho rằng, những nước công nghiệp phải đưa ra cam kết cắt giảm nhiều hơn so với đề xuất. ông nói: "Các mục tiêu cắt giảm phải được tăng lên để đẩy mạnh tham vọng hành động và để phù hợp với những số liệu khoa học. Chúng tôi cho rằng, tới năm 2020 phải cắt giảm được ít nhất 40% so với năm 1990, và ngay cả khi làm được điều này thì vẫn chưa đủ để tạo ra sự công bằng". Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hill, biện pháp về chuyển tài chính từ những nước công nghiệp cho những nước đang phát triển để giúp giảm bớt lượng khí thải nhà kính và giúp đối phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là "khá tốt".

Các nhà quan sát khác thì chỉ trích mạnh hơn. Bà Sol Oyuela (tổ chức phát triển CAFOD) cho rằng: "Văn bản đó thậm chí không nên tồn tại. Tiến trình đàm phán hợp pháp của Liên Hợp quốc có một văn bản để đàm phán chính thức nên không cần phải có bất kỳ văn bản nào khác". ông Yvo de Boer, quan chức quản lý vấn đề môi trường của Liên Hợp quốc thì khẳng định: Văn bản do nước chủ nhà Đan Mạch soạn ít có giá trị trong các cuộc thương lượng. Ông cho biết: "Có một văn bản không chính thức được trao cho một số người trước Hội nghị với mục đích làm tài liệu tham khảo. Những văn bản chính thức duy nhất trong tiến trình đàm phán của Liên Hợp quốc là những văn bản được đưa ra bởi Đoàn Chủ tịch Hội nghị, theo yêu cầu của tất cả các bên".

Những đảo quốc nhỏ, những nước phát triển kém nhất, khối châu Phi và toàn bộ nhóm G77 và Trung Quốc cũng sẽ đưa ra những đề nghị riêng của mình. Các đảo quốc nhỏ sẽ yêu cầu Hội nghị Copenhagen đưa ra một thoả thuận mang tính bắt buộc về pháp lý nhưng nhiều quan chức Liên Hợp quốc nói đây là điều bất khả thi.