Ngày 24/06/2022, Khoa Thủy sản, trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) đăng cai tổ chức hội nghị khoa học trẻ toàn quốc ngành Thủy sản (ViFINET) lần thứ 11 với chủ đề “Phát triển thủy sản bền vững và hội nhập”. Đây là một diễn đàn để các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên từ các trường đại học, viện nghiên cứu trình bày, trao đổi các kết quả nghiên cứu nhằm góp phần thúc đẩy phong trào sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và cán bộ trẻ tham gia nghiên cứu khoa học; giao lưu học tập, chia sẻ kinh nghiệm đồng thời thúc đẩy hợp tác phát triển giữa các đơn vị. Bên cạnh đó, hội nghị là nơi gặp gỡ, kết nối, chia sẻ giữa những nhà khoa học, những nhà quản lý, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, nhừm thúc đẩy ngành thủy sản phát triển ngày càng vững mạnh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế nước nhà với quy mô ngày càng mở rộng. Thương hiệu thủy sản Việt Nam không chỉ được khẳng định trong nước mà còn được đón nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới.
Đến dự khai mạc hội nghị, có GS.TS. Augusto E. Serrano, Jr – Trường Đại học Fisheries and Ocean Sciences, Philippin; TS. Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; TS. Phạm Anh Tuấn – Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam; Gần 300 đại biểu, Nhà khoa học đến từ các Viện, trường đại học…; Và đại diện lãnh đạo của 15 công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Thủy sản.
Về phía các cơ quan ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế, có TS. Hồ Thắng – Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ; ThS. Nguyễn Đình Đức – Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; TS. Nguyễn Quang Vinh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản; ThS. Châu Ngọc Phi – Giám đốc trung tâm Khuyến nông tỉnh; ThS. Ngô Trung Nhật Quang – Giám đốc Trung tâm giống thủy sản Thừa Thiên Huế.
Về phía trường ĐHNL, ĐHH, có PGS.TS. Trần Thanh Đức – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường, Trưởng Ban tổ chức hội nghị; GS.TS. Trần Đăng Hòa – Chủ tịch Hội đồng trường; GS.TS. Lê Đình Phùng – Phó hiệu trưởng, Phó trưởng Ban tổ chức hội nghị; PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn – Phó hiệu trưởng nhà trường cùng đại diện lãnh đạo các khoa, phòng chức năng, trung tâm trực thuộc trường và toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên khoa Thủy sản.
Trong những năm gần đây, ngành Thủy sản đứng trước những lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường, và dịch bệnh trên động vật thủy sản có xu hướng ngày càng tăng, mức độ nghiêm trọng ngày càng cao, gây ảnh hưởng đến năng suất và rủi ro trong đầu tư, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội người dân nuôi trồng thủy sản. Hơn nữa, thị trường xuất khẩu thủy sản của nước ta cũng đang gặp những khó khăn nhất định về chất lượng sản phẩm thủy sản, điều này gây ảnh hưởng tới giá cả của sản phẩm, cũng như vị thế ngành Thủy sản chúng ta trên trường thế giới.
Phát biểu tại khai mạc hội nghị, PGS.TS. Trần Thanh Đức – Hiệu trưởng trường ĐHNL, ĐHH chia sẻ, để phát triển thủy sản bền vững và hội nhập, sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín từ con giống chất lượng, công nghệ nuôi và chế biến thủy sản phải không ngừng phát triển nhằm bắt kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. PGS.TS. cho rằng để thành công hơn nữa, cần có sự tham gia của các Nhà quản lý từ trung ương đến địa phương để vạch ra chiến lược phát triển đúng đắn, quản lý tốt môi trường, dịch bệnhm nguồn lợi thủy sản nhằm bảo tồn và phát triển các đối tượng có giá trị kinh tế cao, đối tượng mang đặc sản vùng miền.
Với chủ đề “Phát triển thủy sản bền vững và hội nhập”, Hội nghị diễn ra gồm một phiên tổng thể với 5 báo cáo được trình bày; 4 tiểu ban trong đó có 60 báo cáo tham luận được trình bày và tọa đàm giữa các viện, trường, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp về Định hướng nghiên cứu và đào tạo trong xu thế hội nhập và phát triển thủy sản bền vững.
Nội dung khoa học của Hội nghị lần này bao gồm: Di truyền và sản xuất giống thủy sản; Công nghệ nuôi thủ sản; Dinh dưỡng, thức ăn và chế biến thủy sản; Bệnh thủy sản; Môi trường, kinh tế xã hội nghề cá. Hội nghị lần này đã thành công trong việc kết nối các nhà khoa học từ các viện, trường với doanh nghiệp để tạo ra sự hợp tác chặt chẽ trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hướng tới phát triển thủy sản hiện đại bền vững và hội nhập. Sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học từ các viện, trường với doanh nghiệp sẽ là một bước tiến đáng kể để đưa khoa học vào thực tiễn và ngược lại, giải quyết các vấn đề thực tiễn trên nền tảng khoa học làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển hiện đại và bền vững của nghề nuôi thủy sản trong thời gian sắp tới.