Hiệu quả tiết kiệm phân đạm của giải pháp 3 giảm 3 tăng ở ĐBSCL

Phân bón nói chung, hay việc bón phân cho canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đã được đề cập đến rất nhiều ở các hội nghị, hội thảo khoa học từ cấp đơn vị Viện trường đến các cuộc hội thảo quốc gia, quốc tế.

 <!–

Theo một tổng kết sơ bộ từ Trung tâm khuyến nông khuyến ngư Quốc gia năm 2008 việc ứng dụng 3 giảm 3 tăng đã giảm được bình quân 30kg urea/ha…

–>

Tuy nhiên, cho đến nay để có một khuyến cáo về liều lượng, chủng loại phân bón cụ thể cho từng vùng, từng vụ sản xuất lúa trong năm ở đồng bằng sông Cửu Long thì hầu như chưa có cơ quan hay nghiên cứu nào công bố, điều này phụ thuộc vào:

(I) chưa có một chiến lược chung về nghiên cứu phân bón và bón phân cho lúa,

(II) các nghiên cứu đã thực hiện còn mang tính riêng rẽ cho từng vùng chuyên biệt, cho một hoặc vài loại phân bón chuyên biệt, trong một hoặc vài vụ sản xuất nào đó và trên một vài giống lúa đang nghiên cứu,

(III) các tác giả chọn tạo giống lúa, khi công bố hoặc được công nhận giống thường chỉ tập trung vào các đặc tính sinh học, năng suất và chất lượng lúa gạo mà ít khi chú trọng đến quy trình canh tác trong đó khuyến cáo chi tiết về bón phân cho lúa giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế,

(IV) các cơ quan chuyên ngành nông nghiệp ở địa phương thiếu sự tổng hợp, kết hợp từ kết quả của các chỉ đạo sản xuất lúa trong nhiều năm. Những yếu tố trên làm cho việc khuyến cáo phân bón và bón phân cho lúa thường mang tính chung chung, trên nền tảng nghiên cứu và giảng dạy cho các sinh viên nông nghiệp hơn 30 năm nay là 90N – 60 P2O5 – 30 K2O/ha/vụ và từ đó phát triển ra theo từng vùng sản xuất lúa trên các loại đất khác nhau, cho từng giống lúa khác nhau dựa trên một số kết quả nghiên cứu như đã nêu trên.

Theo số liệu điều tra của Hiệp hội phân bón thế giới năm 2004, lượng NPK sử dụng trong trồng lúa ở Việt Nam bình quân khoảng 115N – 45P2O5 – 42K2O/ha/vụ, cao hơn số lượng bình quân của 36 nước trồng lúa chính trên thế giới (85,4N – 36,2 P2O5 – 31,5 K2O/ha/vụ). Để có được những khuyến cáo chi tiết cho việc sử dụng phân bón một cách cân đối cần mất nhiều thời gian hơn nữa, do vậy trong giải pháp 3 giảm 3 tăng trước hết là giảm lượng phân đạm bằng cách áp dụng bón theo bảng so màu lá đã góp phần đáng kể vào thay đổi tập quán bón thừa đạm của nông dân. Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng cây lúa thừa đạm sẽ thu hút nhiều loài dịch hại đến cư trú, đẻ trứng, vòng đời dài hơn, bón thừa đạm còn tạo môi trường thuận lợi cho bệnh hại phát sinh, phát triển.

Theo một tổng kết sơ bộ từ Trung tâm khuyến nông khuyến ngư Quốc gia năm 2008 việc ứng dụng 3 giảm 3 tăng đã giảm được bình quân 30kg urea/ha, một số nơi có thấp hơn khoảng 20kg nhưng cũng có nơi giảm được đến 40kg urea/ha. Cũng với một cách tính toán tương tự như giảm giống lúa thì với mức giảm bình quân 30kg urea/ha tính cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 4 triệu ha, lượng phân bón giảm tương đương 120 ngàn tấn, với giá urea bình quân từ 6.000 – 6.500 đồng/kg thì đã tiết kiệm được 720 – 780 tỉ đồng/năm (tương đương số tiền nhập khẩu urea khoảng 36 đến 42 triệu đôla/năm).

Các kỹ thuật tăng hiệu lực phân bón khi sử dụng cho cây lúa như vùi vào đất kết hợp với làm cỏ sục bùn, sử dụng phân bón chậm tan, kết hợp bón phân đơn với các loại phân trung, vi lượng hoặc bổ sung một số loại phân bón lá có chứa vi lượng sẽ góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế khi áp dụng 3 giảm 3 tăng.

Mặt khác trên thị trường hiện nay có các loại phân chuyên dùng đã được nghiên cứu cho cân đối và phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của lúa cũng là cách sử dụng phân có hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Giảm giống, giảm phân đạm là hai yếu tố góp phần cho việc giảm phun xịt thuốc BVTV trong canh tác lúa và năng suất lúa vẫn không giảm hoặc có khi tăng, như vậy nông dân trồng lúa đã giảm mức đầu tư và có thể gia tăng lợi nhuận trồng lúa nhiều hơn, chưa kể đến chất lượng hạt lúa đã gia tăng theo hướng an toàn là một trong những tiêu chí và là cơ sở cho việc huấn luyện nông dân sản xuất lúa theo VietGAP của Việt Nam hiện nay và trong tương lai nhằm không chỉ nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam mà còn giới thiệu về một trình độ thâm canh mới của nông dân đồng bằng sông Cửu Long.