Giáo sư – nhân vật quyết định chất lượng ĐH Mỹ

Nước Mỹ có các trường đại học (ĐH) hàng đầu thế giới, thu hút thầy và trò khắp toàn cầu đến giảng dạy và học tập. Vì sao họ làm được như vậy?
Nhằm trả lời cho câu hỏi đó, báo Văn Hối (một tờ báo của giới trí thức Trung Quốc) đã phỏng vấn ông Phùng Nghị (Yi Feng) – Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác giáo vụ của trường ĐH Nghiên cứu sinh Claremont (Claremont Graduate University) tại Los Angeles.

 

PV: Cảm tưởng chính của ông về công tác giáo dục ông đang làm tại Mỹ?
Phùng Nghị:
Thu hoạch lớn nhất tôi nhận được ở Mỹ là hệ thống trường ĐH nước này ra sức phát huy vai trò của các giáo sư. Đây là đặc điểm quan trọng nhất của nền giáo dục Mỹ. Giáo sư ở đây có ba chức trách chính là giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý hành chính có tính phục vụ. Hồi còn làm trợ giáo, tôi đã tham gia nhiều tiểu ban của nhà trường và làm các chức năng nói trên của một giáo sư. Hiện nay tôi làm công tác quản lý hành chính nên càng có dịp hiểu khá sâu về sự tham gia của các giáo sư. Mỹ với Trung Quốc không có sự khác biệt lớn về định nghĩa công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhưng lại khác nhau rõ rệt trên lĩnh vực sự tham gia của giáo sư vào công tác quản lý hành chính. Tại ĐH Mỹ, việc phục vụ quản lý hành chính được thực hiện qua các tiểu ban của nhà trường, thí dụ có tiểu ban phụ trách việc bổ nhiệm, đề bạt giáo sư và bình chọn chức danh giáo sư suốt đời (APT). Lại có tiểu ban tiêu chuẩn học thuật chuyên xem xét tiêu chuẩn giảng dạy, đưa ra các kế hoạch giảng dạy mới. Nếu kế hoạch không đạt tiêu chuẩn thì tiểu ban này không duyệt. Vì thế các giáo sư phát huy được tác dụng rất lớn về mặt quản lý hành chính nhà trường. Cách làm này được gọi là chia sẻ quyền quản lý nhà trường.

Thử thách lớn nhất với ông trong công tác làm Phó Hiệu trưởng trường ĐH ở Mỹ là gì?

Trung tâm Khoa học, Harvard College

Người làm công tác lãnh đạo hành chính trường ĐH cần tiếp xúc với tất cả các giáo sư thuộc mọi lĩnh vực (thuần khoa học, khoa học ứng dụng, khoa học xã hội nhân văn, quản lý và giáo dục). Giáo sư nào cũng có quyền phát biểu về công tác quản lý nhà trường. Ngoài ra còn phải tiếp xúc với các cán bộ quản lý hành chính, tài chính, ngân quỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường. Các đoàn thể có thể có ý kiến khác nhau trên một số vấn đề quan trọng. Cho nên công tác tiếp xúc với họ là cả một thách thức không thể giải quyết xong trong một hai ngày mà phải thường xuyên tiến hành.

Một thách thức nữa là lãnh đạo hành chính ở Mỹ khác với ở Trung Quốc. Hiệu trưởng ĐH ở Trung Quốc có quyền lớn hơn, nói chung có thể quyết định mọi vấn đề. Ở Mỹ thì hiệu trưởng nhất thiết phải chia sẻ quyền lực với các đoàn thể. Quyền lực của hiệu trưởng đến từ Hội đồng Quản trị. Hội đồng này có quyền bổ nhiệm hiệu trưởng tuy cũng phải được sự giới thiệu của sinh viên và các thầy. Một hiệu trưởng giỏi phải là người khéo léo tổng hợp các ý kiến khác nhau của mọi thành viên trong trường, từ đó tìm ra hướng phát triển và chính sách đúng đắn cho nhà trường. Đây là một thách thức rất lớn. Hiệu trưởng, hiệu phó luôn chịu sức ép từ nhiều phía. Họ chưa chắc có quyền lực lớn song lại có trách nhiệm rất lớn. Làm tốt trách nhiệm hiệu trưởng trong khi mình chưa có đầy đủ quyền hành – đây là thách thức lớn nhất đối với hiệu trưởng ĐH ở Mỹ.

Ông đã dạy học nhiều năm ở Mỹ, theo ông đâu là mặt thành công nhất và mặt thất bại nhất của nền giáo dục Mỹ?

Nhìn chung toàn ngành giáo dục Mỹ thì mặt thành công lớn nhất của họ là ở khâu đào tạo nghiên cứu sinh; thiếu sót lớn nhất là ở khâu giáo dục trung-tiểu học. Việc giảng dạy các môn học liên ngành (interdiscipline) và giáo dục LAE là một ưu điểm lớn. Ở tầng nấc nghiên cứu sinh, họ tương đối mở, chiêu sinh các học sinh ưu tú nhất trên phạm vi toàn cầu.

Nhấn mạnh tự do học thuật – giáo sư gánh vác trách nhiệm XH

Năm Viện trưởng Harvard theo thứ tự thời gian phục vụ (từ trái sang): Josiah Quincy III, Edward Everett, Jared Sparks, James Walker và Cornelius Conway Felton.

Điểm đáng quý nhất của nền giáo dục Mỹ là gì? Có người nói đó là tự do và trách nhiệm. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Nếu hỏi một vị hiệu trưởng ĐH Mỹ tại sao ông/bà lại làm hiệu trưởng, thì họ sẽ đều nói là vì muốn phát triển nhà trường tới một tầm cao mới, tốt hơn trước. Muốn tổ chức tốt một trường ĐH thì nhất thiết phải có một đội ngũ thầy giáo ưu tú, có thế mới dẫn dắt được các học sinh giỏi. Trường ĐH nào thành công đều nhất thiết phải có các giáo sư hàng đầu. Tự do học thuật là mặt đáng quý nhất của nền giáo dục Mỹ. Nó đem lại cho các giáo sư vinh dự song thực ra cũng kèm theo trách nhiệm rất lớn.

Giáo sư có trách nhiệm rất nặng nề, nhất thiết phải có quyền uy, phải được bảo vệ. Tự do học thuật cung cấp sự bảo vệ các giáo sư, họ có thể tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực của mình, họ sẽ không bị trừng phạt vì ý kiến mình nói ra. Nhưng khi hoạt động học thuật, họ phải gánh vác trách nhiệm tương ứng đối với xã hội chứ không được tùy tiện nói những lời thiếu trách nhiệm. Ngành giáo dục Mỹ đặt các giáo sư ở vị trí rất quan trọng nhằm để họ phát huy tối đa tài năng cá nhân. Trong địa hạt của mình, các giáo sư có quyền tự chủ rất lớn, họ không đơn giản tuân theo ý kiến của lãnh đạo nhà trường. Chẳng hạn dạy bài học gì, cách giảng dạy, chiêu sinh những học sinh nào … chủ yếu do giáo sư quyết định. Giáo sư là yếu tố quan trọng nhất của trường ĐH Mỹ, đây là mặt đáng quý nhất của nền giáo dục Mỹ.

Không ít học viện (college) tư thục nổi tiếng ở Mỹ tuy rất giàu có nhưng quy mô lại rất nhỏ, không muốn phát triển thành ĐH tổng hợp. Còn ở Trung Quốc thì nhiều college đều thay xương đổi thịt nâng cấp thành ĐH.  

Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Nên có các nhà trường quy mô to hoặc nhỏ; các học viện khoa văn (LAE), ĐH Nghiên cứu sinh và ĐH tổng hợp … mỗi cái đều phát huy tác dụng của mình. Nước Mỹ có các trường ĐH Nghiên cứu có tính tổng hợp, như Harvard, Yale  và Stanford. Còn có một hệ thống học viện LAE quy mô tương đối nhỏ, chỉ đào tạo cử nhân, thạc sĩ. Các học viện LAE không chú trọng đào tạo nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ, không nhằm có đột phá rất lớn về mặt nghiên cứu mà tập trung thời gian và công sức vào việc đào tạo sinh viên. Một số sinh viên khi lên lớp tại giảng đường lớn thì thiếu tập trung tư tưởng nhưng khi dự các lớp nhỏ thì được giáo sư đặc biệt quan tâm. Giảng đường lớn có tới 400 sinh viên, bạn không đến nghe giảng thì giáo sư cũng chẳng biết, do đó ảnh hưởng không tốt tới thành tích học của bạn. Tại các học viện LAE, số sinh viên nghe giảng trong mỗi lớp đều rất ít, giáo sư bỏ nhiều thời gian để giải quyết vấn đề cho từng sinh viên; nhờ thế khi các sinh viên đó trở thành nghiên cứu sinh thì họ sẽ có những biểu hiện tương đổi nổi trội.

Thu hút nhân tài toàn cầu

Trong mấy chục năm nay ĐH Mỹ chiếm top 20 danh sách xếp hạng các trường ĐH trên thế giới, còn các ĐH ở châu Âu thì tụt hạng dần. Ông đánh giá thế nào về chênh lệch giáo dục ĐH Âu-Mỹ?
C
ơ chế giáo dục của các nước EU khác với Mỹ. Họ có khó khăn rất lớn trong việc cung  cấp nhân tài cho xã hội, vì thế họ muốn áp dụng một tiêu chuẩn để có thể đào tạo được các sinh viên giỏi hơn. Họ tìm lời giải từ đầu ra chứ không từ đầu vào. Thí dụ họ muốn biết những sinh viên như thế nào thì sau khi ra trường sẽ có cống hiến cho xã hội, sau đó mới quyết định chế độ học tập thế nào là hợp lý nhất, cuối cùng đưa ra một số sân chơi về tiêu chuẩn nhập học và quá trình đào tạo sinh viên. Mô hình tổ chức ĐH ở châu Âu mấy năm nay cũng đang cải tiến không ngừng. Về mặt sát hạch sinh viên và kiểm nghiệm thành tích học của sinh viên thì một số nước châu Âu làm tương đối tốt, thậm chí tốt hơn Mỹ.

Giáo dục Mỹ sở dĩ đi trước châu Âu chủ yếu là do: – Luật hiến tặng đất, Chính phủ cấp cho các trường ĐH rất nhiều đất để có thể xây dựng được trường sở. Các nhà trường biết kết hợp làm những việc công ích xã hội, thí dụ phục vụ nông nghiệp, khai khoáng và các lĩnh vực khác; – Chính phủ Mỹ ấn định một số dự án nghiên cứu khoa học và qua việc cấp ngân khoản để các ĐH cạnh tranh nhau thực hiện, đẩy mạnh được công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu kết hợp với các vấn đề thực tế, đem lại thành quả cho xã hội; – Hiện tượng cá nhân quyên tặng và doanh nghiệp tài trợ cho các trường ĐH đã trở thành một thứ văn hóa ở Mỹ, mọi người tập trung mọi nguồn tài nguyên cho các ĐH sử dụng.

Giáo sư là nhân tố quan trọng nhất trong giáo dục đại học, nhưng muốn thu hút được giáo sư giỏi thì phải có sự hậu thuẫn về tài chính. Nếu có thể cung cấp điều kiện nghiên cứu rất tốt, trả lương rất cao thì các ĐH Mỹ sẽ thu hút được những nhân tài giỏi nhất trên toàn cầu, do đó có được những giáo sư hàng đầu thế giới. Nhờ có môi trường nghiên cứu rất tốt lại liên tục được các cá nhân quyên tặng và Chính phủ tài trợ kinh phí nghiên cứu, nên giáo dục đại học Mỹ không có lý do gì để không đi trước châu Âu.