Côn trùng có ích và việc sử dụng côn trùng làm thức ăn

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng côn trùng là sinh vật có hại và cố gắng tránh xa chúng. Tuy nhiên có nhiều loại côn trùng có thể ăn được và khá là bổ dưỡng. Hiện nay, Liên Hợp Quốc cũng đang khuyến khích nuôi và ăn côn trùng nhằm giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em đang có xu hướng ngày một tăng cao.

Ước tính trên thế giới có hơn 1.700 loài côn trùng có thể ăn được. Rất nhiều người cho rằng côn trùng là một món ăn giàu protein, chất béo, cũng như các vitamin thiết yếu như sắt và canxi. Tuy nhiên lợi ích dinh dưỡng của chúng chỉ mới được phát hiện gần đây.

 

Trong khu vực, ăn sâu bọ cũng như ăn côn trùng đã trở nên phổ biến từ nhiều năm qua. Ăn côn trùng có thể là chuyện bình thường ở một số nước như Lào, Thái Lan, Campuchia…Khoảng 95% dân số Lào thích ăn các loài côn trùng. Đặc biệt, các cô gái Lào cho rằng ăn trứng kiến sẽ giúp cho cho làn da của mình đẹp hơn . Do đó các cô gái nơi đây thường nấu trứng kiến với canh lá rau ngót. Đó không chỉ là chế độ ăn, chế độ dinh dưỡng mà còn là một phần văn hóa nơi đây. Hay như Việt Nam chúng ta, ăn côn trùng cũng không còn là chuyện lạ. Châu chấu, cào cào, dế mèn, …đều được chế biến thành những món ăn hấp dẫn. Thậm chí những côn trùng như bọ hung, bọ cạp,…người ta cũng không tha. Hấp dẫn nhất có lẽ là các món ăn từ con cà cuống. Chỉ một giọt tinh dầu lấy từ những con cà cuống được cho vào nước chấm sẽ khiến bạn không thể nào quên được bởi hương vị đặc trưng và quyến rũ của nó.

FAO (Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc) hi vọng điều này sẽ tăng thêm thu nhập cho những người khai nguồn tài nguyên sâu bọ ở địa phương và tăng thêm lợi nhuận cho các chủ trang trại côn trùng ăn được. Vì thế, FAO đã làm việc với chính phủ Lào và những người yêu thích côn trùng nhằm cải thiện lợi nhuận của chúng và giúp phát triển bền vững.

Theo báo cáo của Chương trình lương thực thế giới vào năm 2007, có khoảng 40% trẻ em bị suy dinh dưỡng. Trong khi đó, báo cáo của Chương trình Phát triển Nhân lực đã chỉ ra rằng 40% trẻ em Lào dưới 5 tuổi bị thiếu cân.

Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc đã đưa ra các chương trình từ việc gây giống sâu bọ cho tới việc thương mại hóa và tiêu thụ nhằm đảm bảo tính bền vững.

Ngoài ra, nuôi côn trùng còn là một dự án sinh lợi. Ngay như nước láng giềng Thái Lan đã phải nhập khẩu côn trùng từ Campuchia và Myanma do không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của mình. Chính vì thế, côn trùng đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn chất dinh dưỡng và giải quyết vấn đề nghèo đói của thế giới.

Tóm lại,côn trùng là nguồn thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng. Một số loài côn trùng chứa nhiều protein,vitamin và khoáng chất. Hơn nữa, nuôi côn trùng là một lựa chọn đơn giản và tốn ít chi phí. Bên cạnh giá trị dinh dưỡng, côn trùng mở ra khả năng cung cấp thu nhập, việc làm cho nông dân tham gia công việc thu hoạch, nuôi trồng, xử lý, vận chuyển và bán thực phẩm từ côn trùng. Đồng thời, côn trùng còn là nguồn thực phẩm để chống đói nghèo. Do đó cần có những chương trình hợp lý để nhân nuôi côn trùng.