Trước những ý kiến cho rằng “Chiến lược Phát triển Giáo dục 2009-2020” vẫn còn mơ hồ, thiếu cơ sở khoa học, khó thực hiện… Bộ GD&ĐT vừa “giải trình” cơ sở xây dựng chiến lược này.
Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục được khởi động sau khi Bộ GD&ĐT tiến hành tổng kết, đánh giá thực hiện giai đoạn I Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 (tháng 7/2007). Để có cơ sở khoa học xây dựng chiến lược, Bộ đã thành lập 27 nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học và chuyên gia giáo dục trong và ngoài ngành theo 27 chuyên đề: đánh giá thực trạng giáo dục; dự báo xu thế phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu nhân lực qua đào tạo tới 2020…
Ban soạn thảo xin ý kiến đóng góp của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các nhà khoa học, 180 đại biểu đại diện cho 63 Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng… Sau 12 lần chỉnh sửa, phiên bản dự thảo 13 đã được Bộ đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến đóng góp của toàn xã hội.
Người học là tâm điểm của Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020. Ảnh: Tiến Dũng. |
Báo cáo giải trình của Bộ khẳng định, chiến lược này đánh giá thực trạng giáo dục Việt Nam một cách khách quan toàn diện với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không tô đậm thành tích, cũng không phủ nhận thành tựu của giáo dục trong những năm gần đây, đồng thời cũng chỉ ra yếu kém, thiếu sót cơ bản của giáo dục.
Cùng với 6 quan điểm phát triển giáo dục, dự thảo cũng này xác định 3 mục tiêu chiến lược. Mục tiêu đầu tiên đề cập đến quy mô giáo dục được phát triển hợp lý một mặt chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế, mặt khác tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.
Mục tiêu thứ hai hướng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục để tiếp cận với chất lượng giáo dục của khu vực và quốc tế trong đó nhấn mạnh giáo dục năng lực làm người ở phổ thông; năng lực nghề nghiệp ở giáo dục nghề nghiệp, đại học và giáo dục thường xuyên. Mục tiêu thứ ba là huy động, phân bố và sử dụng nguồn lực cho giáo dục, nhằm vừa đảm bảo đủ nguồn lực, vừa tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển giáo dục.
Quy mô đào tạo trong các năm 2001 – 2008. Ảnh: Bộ GD&ĐT. |
Bên cạnh đó, giải pháp chiến lược phát triển giáo dục này cũng có những điểm mới rõ rệt so với trước đây như lấy quản lý chất lượng làm trọng tâm, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục; đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo các chương trình tiên tiến quốc tế; thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia giảng dạy ở các trường đại học.
Việc tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân sẽ theo hướng mở, đa dạng hóa, liên thông, khắc phục tình trạng mất cân đối; thay đổi chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tích hợp, phân hóa, tăng cường hoạt động xã hội; tạo chuyển biến mạnh mẽ về trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên; chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo sẽ được đánh giá quốc gia và công khai kết quả…
Đồng thời, thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo; xây dựng một số trung tâm phân tích dự báo nhu cầu nhân lực cung cấp số liệu và cơ sở khoa học cho việc hướng nghiệp, xây dựng chương trình, lập kế hoạch đào tạo nghề nghiệp; xây dựng các mô hình cơ sở giáo dục tiên tiến, tạo môi trường giáo dục lành mạnh ở mọi cấp học và trình độ đào tạo.
Dự thảo Chiến lược giáo dục 2009-2020 đưa ra 11 giải pháp, trong đó có 2 giải pháp mang tính đột phá là đổi mới quản lý giáo dục và xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Những năm qua, giáo dục nước ta còn nhiều hạn chế, thiếu sót, trong đó có sự yếu kém về quản lý, dẫn đến nhiều yếu kém khác của hệ thống giáo dục. Do đó, trước hết phải đổi mới quản lý giáo dục để đảm bảo cho hệ thống giáo dục vận hành theo đúng quy luật đi đến mục tiêu đã định.
Còn đội ngũ nhà giáo yếu kém, không có động lực dạy học và phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức thì dù có chương trình, SGK hay, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đầy đủ, hiện đại vẫn không thể đảm bảo được chất lượng giáo dục. Có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tốt thì mới phát huy tác dụng tích cực của các điều kiện khác đảm bảo chất lượng giáo dục.
Ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục – đào tạo năm 2000 – 2008. Ảnh: Bộ GD&ĐT. |
Người học là tâm điểm của Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020. Điều này được thể hiện trong quản điểm đầu tiên khẳng định mục tiêu đào tạo của giáo dục nước ta là "đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện…". Sự chú trọng vào người học còn được thể hiện ở quan điểm thứ ba khi khẳng định rằng "giáo dục một mặt vừa đáp ứng yêu cầu xã hội nhưng mặt khác vừa thỏa mãn nhu cầu phát triển của mỗi cá nhân người học, mang đến niềm vui học tập cho mỗi người".
Với quan điểm đó, Chiến lược phát triển giáo dục này đề cập tới nhiều giải pháp hướng vào người học, từ việc xây dựng môi trường sư phạm thân thiện đến các giải pháp đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp dạy học nhằm tạo cơ hội cho mỗi người học, phát triển và hoàn thiện tố chất cá nhân.
Chiến lược cũng đề cập đến các giải pháp hỗ trợ những học sinh được ưu tiên, thông qua việc thực hiện các cơ chế học bổng học phí, tín dụng cho học sinh, sinh viên dân tộc, miền núi, vùng có khó khăn và các em thuộc diện chính sách xã hội với phương châm không để học sinh nào nghèo mà không được học.
Tiến Dũng