Trong khi cả thế giới cùng hướng tới Hội nghị LHQ về Biến đổi Khí hậu ở Copenhagen, vào lúc 14h ngày 1/12/2009, VietNamNet tổ chức bàn tròn trực tuyến với chủ đề: Biến đổi khí hậu toàn cầu và sinh kế của người dân Việt Nam, như góp một lời bàn vào việc thực hiện những mục tiêu hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế người dân Việt Nam.
Những cư dân ven sông Hồng đứng chơ vơ trên đáy sông cạn, những cư dân Sài Gòn thấp thỏm với nước lũ mỗi mùa triều cường, những ngư dân, nông dân suốt dẻo miền Trung chập chờn giấc ngủ, nay lo lụt, mai lo hạn… và những chính trị gia, những quan chức quần là áo lượt sẽ quy tụ ở xứ Copenhaghen xa xôi đầu tháng 12 này… Giữa hai nhóm người tưởng cách nhau vời vợi này lại cùng đứng trước một mối lo chung: biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thực chất, với thế giới, vấn đề biển đối khí hậu đang dần trở thành chủ đề bao trùm lên trên cả chính trị và kinh tế. Hai năm trước, tại cuộc họp LHQ ở Bali, các chính phủ đồng ý bắt đầu công việc cho một thỏa thuận toàn cầu mới. Người ta ngóng chờ Hội nghị Copenhagen tháng 12 này với rất nhiều hi vọng cho kết thúc tốt đẹp những nỗ lực trong thời gian hai năm qua với việc ra đời một khung pháp lý thay thế cho Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao các nước, trong đó của Tổng thống Barack Obama của nước Mỹ, thủ phạm lớn nhất của hiện tượng khí thải nhà kính, cũng đã cam kết tham dự, cùng với gói cam kết về cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Ngay cả Trung Quốc, nước vốn không phải cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo Kyoto cũng đã lần đầu tiên đưa ra con số cắt giảm dự kiến.
Cả thế giới đang nỗ lực, chung tay để ứng phó với vấn đề được xem là "thách thức của thời đại" như lời Tổng thư ký LHQ Ban Kimoon.
Với Việt Nam, theo tính toán của Ngân hàng thế giới, Việt Nam nằm trong danh sách 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Nếu mực nước biển tăng thêm 1 mét, một phần diện tích vốn nhỏ hẹp của Việt Nam sẽ chìm dưới mực nước biển. Và hơn 22 triệu người dân Việt Nam sẽ đứng trước cảnh không nhà.
Dù tham gia Công ước quốc tế về biến đổi khí hậu rất sớm, cũng là nước sớm ký Nghị định thư Kyoto, thế nhưng, Việt Nam lần đầu tiên đặt vấn đề biến đổi khí hậu trên diễn đàn Quốc hội chỉ mới từ năm 2007. Từ đó tới nay, dù đã được quan tâm nhiều hơn, thế nhưng, nội dung biến đổi khí hậu vẫn mờ nhạt, chìm đi trong muôn ngàn vấn đề quốc kế dân sinh khác.
Trong khi cả thế giới cùng hướng tới Hội nghị LHQ về Biến đổi Khí hậu ở Copenhagen, vào lúc 14h ngày 1/12/2009, VietNamNet tổ chức bàn tròn trực tuyến với chủ đề: Biến đổi khí hậu toàn cầu và sinh kế của người dân Việt Nam, như góp một lời bàn vào việc thực hiện những mục tiêu hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế người dân Việt Nam.
Ngay bây giờ, các bạn quan tâm có thể gửi câu hỏi tới hai vị khách mời:
– Ông Phan Văn Ngọc, Giám đốc quốc gia ActionAid Việt Nam
– GS. TSKH Trương Quang Học, Trưởng ban Biến đổi khí hậu, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.