Biến đổi khí hậu – Nhận diện thách thức: Bài 8

Bài 8: 30% ĐBSH, 40 – 50% ĐBSCL có thể chìm dưới nước biển

 

Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới dự báo, Việt Nam là một trong hai nước (cùng với Bangladesh) đang phát triển bị tác động tồi tệ nhất do nước biển dâng.

Nông nghiệp bị thiệt hại nặng nhất

Theo TS Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục và Phát triển Môi trường – đồng tác giả giải thưởng Nobel về biến đổi khí hậu nhận định tại Việt Nam, nhiệt độ sẽ tăng từ 0,3 – 0,5 độ C đến năm 2010, từ 1- 2 độ C vào năm 2020, từ 1,5 – 2 độ C vào năm 2070. Những khu vực có nhiệt độ tăng cao nhất là Tây Bắc và Việt Bắc. Khi nhiệt độ tăng, lẽ dĩ nhiên nước biển sẽ dâng. Kịch bản trung bình thì nước biển cũng dâng thêm 0,7- 1m. Dự báo của các nhà khoa học quốc tế, nếu mực nước biển dâng 1m thì chúng ta bị mất 5% tổng diện tích đất nước. Đặc biệt là lại rơi vào 2 vùng đồng bằng màu mỡ. Nông nghiệp sẽ bị gánh chịu nhiều nhất, GDP cũng chịu những tác động xấu.

Bởi đất đai mất thì sản lượng lương thực sẽ giảm đi. Thậm chí, chúng ta có thể mất 50% sản lượng lương thực. An ninh lương thực đối với bất kỳ nước nào cũng rất quan trọng. Nhất là đối với Việt Nam (VN), khi 70% dân số còn sống tại nông thôn, khi việc xuất khẩu lương thực đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách quốc gia, an sinh xã hội. Sau khoán 10, trong 20 năm đổi mới vừa qua chúng ta đã có bước tiến lớn về sản xuất lương thực, từ chỗ thiếu ăn đến một nước đứng hàng top về xuất khẩu gạo của thế giới. Thế nhưng, quá trình CNH đã lấy khá nhiều đất nông nghiệp. Vì vậy, nguy cơ của biến đổi khí hậu đe dọa đến nền nông nghiệp là hiển hiện.

GS.TSKH Phan Nguyên Hồng – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Nghiên cứu Hệ sinh thái rừng ngập mặn cùng cộng sự đã cảnh báo, ở Nam Bộ, khi nước biển dâng 1 m, vùng chịu ảnh hưởng kéo dài từ ĐBSCL qua hết Việt Nam sang tới Camphuchia và vào sâu 180km trong đất liền. Nếu không có phương tiện bảo vệ có thể làm mất 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của 23% dân số gồm 17 triệu người trong đó có 14 triệu dân ở ĐBSCL. Thiệt hại riêng về tài sản lúc đó ở ĐBSCL sẽ lên tới 17 tỉ USD.

Trái đất có 7 tỷ người và hiện giờ, có đến hơn một nửa số người này sống ở vùng duyên hải của Trái đất trong phạm vi 100 km trở lại vùng bờ biển. khi nước biển dâng lên làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người.

Theo dự báo của các nhà khoa học, thủ đô BangKok (Thái Lan) trong vòng hai mươi năm nữa sẽ bị ngập và hiện Thái Lan không đủ thời gian để chuyển thủ đô sang nơi khác.

Tuy nhiên, theo GS Phan Nguyên Hồng, điều nhiều người không ngờ là không chỉ những vùng nằm sát biển bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng mà ngay cả vùng nằm rất sâu trong đất liền cũng hứng chịu. Dù địa hình ở miền Bắc cao hơn Nam Bộ nhưng ở các đầm hồ trong đất liền hay những vùng "chiêm khê, mùa thối" sẽ bị nhiễm mặn do nước biển dâng, nước trong vùng trũng khó thoát ra ngoài và lớp địa tầng đá vôi ngấm nước sâu rộng sẽ khiến cho sự xâm thực nước mặn trở nên rộng và sâu. Những vùng như Nho Quan, Gia Viễn (Ninh Bình), Vụ Bản, Ý Yên (Nam Định) cách xa biển có thể sẽ nằm trong "tầm ngắm". Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học, nhiều loài có ý nghĩa kinh tế, khoa học sẽ chết hoặc di cư. Các vùng nước ngọt giảm sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, nhất là các vùng lúa nước.

Tác động đang hiển hiện

Những bằng chứng về tác hại của nước biển dâng không phải xa xôi, ở tận đẩu đâu như nhiều người tưởng mà theo GS Phan Nguyên Hồng nó đã và đang hiển hiện. Gắn bó cả đời với việc nghiên cứu rừng ngập mặn, ông đã thấm thía nhiều sai lầm của con người về phát triển kinh tế không tính toán đến môi trường và chính họ sẽ phải trả giá. Nước biển dâng, tạo điều kiện cho nước mặn và lợ vào sâu trong đất liền đem theo nguồn giống (hạt, cây con) của rừng ngập mặn theo nước triều vào sâu vào trong nội địa, lấn át vào vùng nông nghiệp.

Ở ĐBSCL từ 5 năm gần đây, nước mặn càng ngày càng xâm nhập sâu vào trong nội địa, có chỗ 40-60km thậm chí còn hơn nữa đem theo nhiều giống như dừa nước, mái dầm, bần chua… lấn sâu vào theo dòng sông, vào cả kênh rạch nhất là khu vực sông Tiền, sông Hậu. Không những ngập mặn làm giảm năng suất cây trồng mà còn giảm diện tích đất nông nghiệp. Những động, thực vật vùng nước ngọt sẽ bị đẩy sâu hơn vì không chịu được điều kiện mặn. Ngay cả rừng tràm là rừng nước ngọt, bây giờ do nước biển dâng, nhiều vùng như huyện Trần Văn Thời, U Minh ở Cà Mau, tràm đã phải sống trong nước lợ, tốc độ sinh trưởng chậm, đời sống sinh học của cây biến đổi hẳn.

Có rất ít người nhận thức đúng và đủ về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhiều nhà máy, xí nghiệp vẫn còn xả nước thải, khí thải độc hại vào môi trường. Người dân vẫn còn xả rác vô tư vào bất cứ chỗ nào có thể…

Và các nguy cơ như nước bẩn, nguồn nước cạn kiệt, sâu bệnh, thiên tai, lũ quét, cháy rừng… là những thứ mà khi nó xảy đến thì người nghèo là người hứng chịu đầu tiên, hứng chịu trực tiếp nhất. "Chúng ta đang đi trên cùng một con thuyền, không có kẻ thắng, người thua, chỉ có thể cùng nổi hoặc cùng chìm. Không có hành tinh nào khác để di tản, và không bao giờ có phương án 2", TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết.

Nước biển dâng đang diễn ra từ từ nhưng không có nghĩa là nó sẽ tác động đều đều, tuần tự. Nếu không ngăn cản sự nóng lên của trái đất, tốc độ dâng nước biển sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Ở ĐBSCL, để nâng cao nhà ở cho 1,3 triệu gia đình lên 1m phải chi một số tiền rất lớn cỡ 3,7 tỉ USD. Tuy nhiên, nếu biết kết hợp trồng rừng ngập mặn và đắp đê ven biển thì chi phí sẽ giảm đi nhiều và hiệu quả cao hơn. Hằng năm, có 200m trở lên rừng ngập mặn được trồng ở ngoài đê để phòng hộ nhưng cá biệt như Hải Hậu (Nam Định) khó trồng được rừng ngập mặn nổi vì nằm giữa vùng xói lở hay ở phía đông bán đảo Cà Mau bị lở mạnh cũng khó áp dụng trồng rừng ngập mặn vì mỗi năm biển lấn vào đến 20-30m. Trước đó ở đây có những rừng ngập mặn rất tốt nhưng phần do chiến tranh, phần do sai lầm phá rừng làm đầm tôm mà dần bị xói lở hết.

Trước những kịch bản 1, kịch bản 2 cảnh báo những thảm hoạ về biến đổi khí hậu với hàng triệu triệu nạn nhân gây nhiều hoang mang cho dư luận, GS Phan Nguyên Hồng nhận định: "Thay vì bi quan về một tương lai xấu phải có những biện pháp ứng phó tốt với nước biển dâng. Trước tiên, cần có kế hoạch tổng thể, khoa học. Cần tích cực trồng rừng và bảo vệ rừng vì hiện nay trồng thì ít mà có khi phá thì nhiều. Nên nhớ rừng mới trồng chất lượng khác hẳn với rừng đã trưởng thành, bị phá để lấy gỗ hay các mục đích như nuôi tôm… Chúng ta đã có quá nhiều sai lầm như vậy trong quá khứ, chính vì vậy cần phải xem xét lại những chủ trương phát triển kinh tế ở trên đất rừng, kể cả ở vùng núi hay ven biển…"