Bài 3: Dịch bệnh biến ảo, sinh vật đổi thay
Sản vật mất dấu, những loài cây chỉ dẫn đang "leo dốc"…, với sự lý giải của các nhà khoa học, nó không còn là điều "lạ lùng" như các lão nông tri điền thắc mắc nữa. Nhưng tiếc rằng, sự quan tâm về vấn đề này chưa đúng mức. Giáo sư Võ Quý: Nước đã ngập đến chân… Người dân và ngay cả những nhà quản lý các cấp, nhiều người chưa thấy được sự nguy cấp của biến đổi khí hậu. Trước đây, chúng ta dự kiến 50, 70, 100 năm nữa những điều tồi tệ mới xảy ra, giờ nó diễn ra nhanh hơn, nước đã ngập đến chân rồi mà chúng ta vẫn chưa chịu nhảy và nhảy như thế nào cũng chưa rõ. Bằng chứng của nước biển dâng thấy rõ ở Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, TP. HCM… Có thế đắp đê được không? Mình không đủ lực để làm được như Hà Lan nên cần có kế hoạch đối phó, chống lại hay là sống chung với biến đổi khí hậu? Về khía cạnh sinh vật, ta là nước nhiệt đới, thay đổi nhiệt độ cỡ 0,5-1 độ, nhiều người nghĩ rằng không ảnh hưởng gì mấy nhưng không phải. Có lẽ với sinh vật ngoài tự nhiên nếu biến đổi khí hậu chầm chậm thì có thể thay đổi: dịch chuyển lên cao (con vật) hay như cây không dịch chuyển được thì con cháu nó dịch chuyển, tự biến đổi hoặc chết. Ví dụ, những cây rừng trên Sapa chưa bao giờ bị tuyết thì chịu được nhiệt độ trên 0 độ, hễ bị tuyết là tế bào vỡ, chết ngay. Với tự nhiên là vậy, còn cây trồng, vật nuôi chúng ta đã tạo ra những loài chỉ thiên về năng suất, chỉ trong một giới hạn nhiệt độ nhất định mới tồn tại, phát triển được nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Khi nhiệt độ đột biến là mùa màng chậm hoặc thất bát ngay. Thay đổi khí hậu không phải cứ nóng dần lên mà có chỗ nóng rất nhanh, có chỗ ngược lại, lạnh đi mà biểu hiện vừa rồi như rét đến nỗi mạ chết hay hàng chục, hàng trăm ngàn trâu bò chết, cá chết trắng ao là những điều từ trước đến nay không hề có. Về loài chim, có thể thay đổi ở những vùng quê của nó, khí hậu còn ấm khiến chúng chưa dịch chuyển về phương Nam, thay đổi cả nhịp sinh học hàng ngàn năm của nó, có những con không thích ứng kịp phải chết. Ngay cả những bệnh mới xuất hiện cỡ mươi năm nay như cúm gà, cúm A H1N1… có thể giải thích rằng, những virus gây bệnh đã có sẵn đâu đấy trong tự nhiên nhưng với điều kiện khí hậu như trước thì vẫn nằm yên nhưng nay khí hậu thay đổi, tự nhiên thuận lợi cho một loài virus nào đó nó bùng phát thành dịch khiến cho các nhà khoa học chưa tìm ra nổi biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Thông thường, những loài có tuổi đời ngắn dễ thay đổi nhất như côn trùng, nó nhạy cảm với các điều kiện tự nhiên. Rồi đây, nếu khí hậu cứ ấm dần, những loài vùng nhiệt đới sẽ chuyển dần lên vùng lạnh. Sự biến đổi hiện tại quá nhanh so với những biến đổi trong lịch sử cả vạn năm khi nhiệt độ xuống, khi nhiệt độ lên nhưng gần đây, nhiệt độ cứ lên dần mà không hề xuống. Với tốc độ này, 30-40 năm nữa có thể tăng tới 2 độ – mức cực kỳ khó khăn cho loài người. Người ta dự kiến, tình huống xấu nhất có thể tăng tới 6 độ nếu chúng ta không ngừng phát thải khí nhà kính. Gấu trắng sẽ có nguy cơ bị tuyệt diệt vì tan băng. Một nhà khoa học Mỹ cùng đoạt giải thưởng "Hành tinh xanh" với tôi có công trình nghiên cứu đo tuyết trên một cái hồ ròng rã trong suốt 40 năm để ghi nhận được băng hiện nay mỏng hơn vài cm so với 40 năm trước. Đấy, họ nghiên cứu tỉ mỉ đến mức vậy để thấy diễn biến khí hậu chậm, mắt thường khó biết nhưng vẫn diễn ra, ngày nay tốc độ đã nhanh hơn nhiều. PGS.TS Lê Diên Dực -Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (Đại học quốc gia Hà Nội): Thời tiết "tả pí lù", chim chỉ thị sai mùa là phải Cơn bão Katrina ở Mỹ gây thiệt hại khổng lồ khiến các nhà khoa học xúm vào mổ xẻ vấn đề và đi đến kết luận: Một phần thiệt hại là do có ít phù sa để nâng cao cốt đất cửa sông Mississippi. Sở dĩ, không bồi thành bãi được bởi không có rừng ngập mặn nên không giữ được phù sa và do ở trong đất liền đã làm nhiều đập thuỷ điện, đập tưới khiến phù sa lắng ở trong đập, không về cửa sông. Họ đã phải kết luận, phục hồi lại rừng ngập mặn và tính huỷ bỏ một số đập để dòng sông trở về nguyên trạng của nó. Nói người lại nghĩ đến ta, hiện tượng nước biển dâng mà NNVN phản ánh ở Vườn quốc gia Xuân Thuỷ khiến nhiều cây chết, theo tôi do thiếu phù sa khiến bãi không bồi cao, không cản được dòng triều gây hiện tượng nhiễm mặn, ngập nước lâu ngày. Cái gốc của vấn đề chính là do chúng ta dựng các con đập lớn trong đất liền. Ví dụ, người ở Lào Cao lấy một cái chai nút chặt lại thả xuống thượng nguồn sông Hồng nếu không ai nhặt, không bị vỡ thì chỉ 3-4 ngày sau cái chai đã ra cửa biển. Con sông là hệ thống hoàn chỉnh, không thể tách những bộ phần từ thượng nguồn đến cửa sông được nên cái gì mà chúng ta làm ở thượng nguồn thì cửa sông cũng bị tác động. Từ đó kéo theo sẽ gây ra biến đổi hệ động, thực vật.
Tôi là người quy hoạch khu Xuân Thuỷ năm 1989 và là một trong những người xúc tiến thành lập Vườn quốc gia này. Một trong những tiêu chí quan trọng của khu Ramsa là một lúc có thể nuôi sống (làm chỗ kiếm ăn, cư trú) cho trên 100.000 con chim nước. Chúng tôi đã đếm được mấy trăm ngàn con chim nên nộp hồ sơ cho cơ quan Ramsa quốc tế để họ công nhận. Lúc đó, rừng ngập mặn ở Cồn Ngạn (vùng đệm) còn nguyên, Cồn Lu vẫn nhiều rừng. Người ta còn đang định đấu thầu Cồn Lu làm… ao tôm, may mà có sự khuyên ngăn của các nhà khoa học nên thôi. Bây giờ, diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp nhiều do con người đến làm đầm tôm, nuôi trồng thuỷ sản. Các nhà khoa học giải thích một loài vật không thể bị tiêu diệt do thú ăn thịt hoặc do săn bắn của con người vì thế nào cũng có vài cá thể khôn ngoan, thoát được nhưng nó rất dễ bị tiêu diệt bởi mất nơi sinh sống vì không có thức ăn, không nơi làm tổ, không chỗ trốn tránh kẻ thù… Do đó sự không xuất hiện một số loài có thể do biến đổi ở nơi sinh sống như bãi kiếm ăn bị thu hẹp, do con người cạnh tranh, đi khai thác thức ăn chung với những thức ăn của chim, thú. Hiện tượng chim báo thời tiết, mùa màng sai có thể cũng do biến đổi khí hậu. Xưa, thời tiết ở miền Bắc bốn mùa rõ rệt: xuân có mưa xuân mưa lộc, hạ có mưa rào sấm chớp, thu có mưa nhỏ, nắng nhẹ… Bây giờ, thời tiết cứ "tả pí lù", đảo lộn hết cả nên chim chỉ thị mùa sai là phải. |