Biến đổi khí hậu – Nhận diện thách thức: Bài 11

Bài 11: Những “làng Chăm” dưới biển

Không hiểu mô tê gì về khái niệm biến đổi khí hậu, người dân ven biển TT-Huế chỉ biết rằng suốt mấy chục năm qua, nước biển ngày một dâng lên khiến họ thấp thỏm sống trong cảnh "chạy sóng".  

Hàng rào chắn sóng "lặn" dưới biển 

Năm 2001, khi đào đất khai thác quặng titan ở bờ biển thuộc thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế), một số công nhân phát hiện một khối gạch lớn vùi sâu trong lòng cát khoảng 10m. Các cơ quan chuyên môn đã khảo sát và khẳng định đây là một tháp Chăm có niên đại khoảng thế kỷ thứ 8. Dân làng tá hỏa bởi bấy lâu họ sống trên một trong những tháp Chăm cổ nhất Việt Nam. Tận mắt chứng kiến kết cục ngôi tháp chỉ còn cách bờ biển chừng 200 mét bị vùi trong cát, hàng ngàn hộ dân dọc bãi biển Thuận An mới giật mình nhận ra nước biển đã đuổi đến tận… thềm nhà. 

Tháp Chăm Phú Diên chỉ còn cách mép sóng 200m

Nhà ông Nguyễn Xuân Lan (77 tuổi), một cao niên của làng, nằm cạnh ngôi tháp nhưng khi chúng tôi hỏi ông về lịch sử ngôi tháp, cũng chỉ nhận được sự ngơ ngác: "Mấy ông bên khảo cổ nói sao dân nghe vậy chứ thực tế là mấy đời nhà tôi không có ai nhắc đến tháp, chùa gì cả. Từ đời ông nội tôi sống thì vùng này là bãi đất hoang, trước mặt là núi sau lưng là biển, đất đai lúc đó còn nhiều mà có người sinh sống đâu. Đến khi nghe nói đào thấy tháp Chăm gì đó, dân làng mới biết vùng này trước là nơi sinh sống của người người Chăm đó chớ". 

Vị trí phát hiện tháp Chăm Phú Diên nằm ở đồi Mỹ Khánh, từ trước đến nay dân làng đều xem đó là đồi cát cao nhất trong xã. Ông Lan chỉ mang máng nhớ rằng, từ hồi ông còn nhỏ, nơi phát hiện tháp bây giờ đã là một bãi cát mênh mông và bờ biển của làng cũng còn rất xa. Đứng ở bờ biển nhìn ra hàng trăm mét còn thấy gốc tre, cọc tre, gốc mù u lổm ngổm trên mặt nước. Ông được cha mình giải thích rằng đó là hàng rào xanh chắn sóng dân làng trồng trước đây. Được chừng chục năm sau cọc tre, cọc mù u cũng bị nước biển vùi mất hẳn. Thỉnh thoảng dân trong làng đi đánh cá, lặn biển, quét lưới phát hiện ra nhưng khoảng cách từ đó vào bờ đã hơn cây số. Từ đó, ông Lan tính rằng trong vòng khoảng 100 năm trở lại nay, nước biển đã ăn vào đất làng cả ngàn mét. Thành thử qua mấy đợt mất đất, dân Mỹ Khánh vượt hẳn đồi cát chen sâu vào trong xã. Khi phát hiện tháp Chăm họ xem đó là cột mộc mốc đo tốc độ nước biển dâng lên bằng cách đo vị trí từ tháp ra bờ biển.  

Là người trực tiếp nghiên cứu về tháp Chăm Phú Diên nói riêng và mức độ ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu đối với các di tích lịch sử ở TT-Huế, ông Trần Đức Anh Sơn – Cán bộ Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho rằng: Mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các khu di tích là vô cùng nghiêm trọng. Cụ thể ở tháp Chăm Phú Diên, khi được phát hiện tháp nằm lọt ở giữa xung quanh là cát và so với mặt nước biển chỉ còn 1m, cho dù đây được xem là điểm cao nhất ở Phú Diên.

Trong các tư liệu viết về văn hóa nghệ thuật Chămpa từ hơn 100 năm nay, chưa có một nhà nghiên cứu sử học nào đề cập đến tháp này cả. Điều đó có thể khẳng định khi dân làng Mỹ Khánh đến đây thì toàn bộ dấu hiệu về cộng động người Chăm sinh sống từ hàng nghìn năm trước đó đã hoàn toàn mất hút.  Càng lo lắng hơn khi tháp Chăm Mỹ Khánh vừa trồi lên được vài năm đã sụt lún và đứng trước nguy cơ sẽ bị nước biển "ăn" khi mùa mưa bão đến. Từ năm 1975 đến nay, bờ biển Phú Diên đã bị biển xâm thực hơn 300m, trong khi tháp chỉ còn cách mép sóng 200m khi thủy triều rút, nếu không có biện pháp khắc phục. 

Chạy sóng 

Trước thực trạng nước biển cứ lấn dần, nhiều hộ dân ở Phú Diên đã tính chuyện bỏ làng. "Làng ni sắp nguy nhưng vẫn còn may mắn hơn mấy làng ở Thuận An và các làng ở Quảng Điền, Phú Vang… Ngoài đó cứ mỗi khi thủy triều lên là nhiều nhà lại tất bật "chạy sóng". Nước biển đánh vào tận… thềm nhà". Ông Lan cũng lo ngại rằng, mùa mưa lũ năm nay nước biển sẽ dâng cao hơn, chưa biết chừng kéo vào tận tháp cũng nên. 

Nghe tin bão, dân Phú Vang rào thép gai khỏi trôi đồ đạc

Suốt dọc bờ biển Phong Điền đến Phú Lộc (TT-Huế), hàng trăm ngôi làng thấp thỏm chạy sóng. Thậm chí ở nhiều nơi dân phải dắt díu nhau rời quê nhường làng lại cho biển. Mười mấy năm qua, sóng đuổi đến đâu, người làng chài  Tân Lộc (huyện Quảng Điền)  lại vắt lưng di dời đến đó. Tận mắt chứng kiến sự "gặm nhấm" của thủy thần trong cái bất lực của bản thân, người làng đành bỏ lại những kỉ niệm vui buồn của căn nhà. Những ngôi nhà cấp 4, nằm san sát bờ biển được lát gạch nền, rộng chừng 70-150m2, có những ngôi nhà hai ba tầng còn trơ nguyên mặt nhẵn của những viên đá hoa cương… lần lượt được người làng bỏ lại bên bờ biển.  

"Trước đây cũng nghe đài báo nói là biến đổi khí hậu, băng tan, nước biển dâng gì đó nhưng dân chúng tôi cứ nghĩ là còn lâu "nó" mới ảnh hưởng tới mình bởi ruộng đất còn rộng. Từ khi phát hiện ra tháp Chăm thấy mỗi lần triều lên dân làng lại có cảm giác gần bờ biển hơn. Với lại khi biết rằng gần nửa diện tích làng này trước đây đã bị vùi dưới cát, dưới biển thì ai nấy đều thon thót giật mình. Cứ đà này có lẽ chỉ chừng vài năm nữa là nước biển vào đến…ruộng lúa". Ông Lan lo âu dẫn chứng thêm rằng mấy năm trở lại đây, hàng trăm ha ruộng ở các cánh đồng trong làng qua mỗi vụ lại nhiễm phèn nặng hơn. Thậm chí có nhiều nơi nước ruộng vàng quạch, không thể canh tác nổi.   

Ngồi cưa gỗ, đóng lại chiếc ghe ròng sau mười mấy ngày biển động, ông Nguyễn Liêm (52 tuổi) tâm sự: "Ngày trước nhà tui cách biển cả chục mét. Dần dần nước biển ăn vào tận vườn rồi tận móng. Thời gian đầu cả nhà còn cố chạy mỗi khi thuỷ triều lên nhưng rồi không trụ nổi nên đành phải bỏ. Nhìn xác nhà trơ trọi giữa biển khơi, thấy mắt mình nằng nặng". Đây là lần thứ ba gia đình ông Liêm phải dời nhà nhưng có lẽ chưa phải là lần cuối vì ngôi nhà đang ở cũng thuộc diện phải di dời trong năm 2010 vì chỉ cách mép sóng 50 m.  

Trước nguy cơ biển lấn đất nhà của người dân, năm 2007, UBND xã Phú Diên đã di dời 22 ngôi nhà trong diện "cấp tốc" về khu tái định cư trên một ngọn đồi cách nhà cũ chừng 800m. Ông Liêm cho biết thêm, 10 năm trở lại đây, biển đã xâm thực khoảng 200m, với tốc độ này, thì chỉ vài năm nữa làng tái định cư cũng không còn.  

Khó khăn nhất của bà con không phải vấn đề khu tái định cư xa biển mà theo ông Ngô Văn Kệ – Phó chủ tịch UBND xã Quảng Công: "Việc di dời 22 hộ gia đình này mới là phương án 1, từ nay đên năm 2010, phải di dời khẩn cấp 82 hộ dân, còn gần 160 hộ thuộc dạng tiền khẩn cấp nữa. Biển xâm thực mạnh hàng chục mét, tái định cư cho dân đang là bài toán khó vì quỹ đất của xã đã cạn, mà số hộ dân cần di dời càng tăng. Chưa kể cuộc sống của người dân bị xáo trộn theo những lần di dời nhà cửa, mà để ổn định nghề nghiệp cũ và tạo nghề mới cho bà con cũng là bài toán khó. Không một Cty hay nhà đầu tư nào tìm về với mảnh đất nghèo này để đầu tư. Nên nghề chính của bà con là nghề biển thôi, muốn tăng thu nhập cho bà con cũng chịu".