KTNT – Thầy Ký là ấp hiếm hoi của thị trấn Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh) được TP. Cần Thơ chọn làm mô hình thí điểm xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí của Quyết định 491/QĐ – TTg ngày 10/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng nông thôn mới gắn liền với sản xuất nông nghiệp chất lượng cao là một hướng đi đúng đắn. |
BàI I: Nhân Quyền, xã nông thôn mới
Điều đặc biệt là việc xây dựng nông thôn mới ở Thầy Ký được lấy nền tảng từ việc sản xuất nông nghiệp theo quy trình GAP (thực hành nông nghiệp tốt).
Sạch từ đường làng, ngõ xóm
Lần thứ hai trở lại ấp Thầy Ký, chúng tôi vẫn bị choáng ngợp bởi khung cảnh nơi đây. Hai bên đường, người dân trồng hoa điệp vàng xen kẽ chuỗi ngọc, ngọc lan…, tạo cảnh quan đẹp không kém gì một khu đô thị mới. Anh Nguyễn Văn Thanh, Tổ trưởng tổ 7 nói: "Người dân Thầy Ký chủ yếu quê ở miền Bắc, di dân vào đây từ trước và sau chiến tranh, bởi thế phong cách sống của bà con từ việc xây nhà, sinh hoạt đều mang dáng dấp của văn hóa Bắc Bộ".
Ở ấp Thầy Ký, ngoài việc được UBND huyện Vĩnh Thạnh ưu tiên xây dựng hệ thống hạ tầng khang trang thì việc xây dựng đời sống văn hoá cũng được chính quyền địa phương quan tâm. Mỗi tổ đều có một nhà văn hóa riêng, là nơi hội họp, sinh hoạt văn nghệ của các tổ chức đoàn thể. Ông Đỗ Ngọc Thiềm, người dân tổ 7 hồ hởi: "Chúng tôi đang cố gắng để xây dựng một ấp Thầy Ký hiện đại nhưng đậm đà bản sắc dân tộc".
Theo nhận xét của một cán bộ UBND huyện Vĩnh Thạnh, hiếm có ấp nào ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại hoàn chỉnh mọi mặt như Thầy Ký. Trước đây, khi vẫn thuộc huyện Thốt Nốt, ấp Thầy Ký nghèo lắm, người dân quanh năm bươn chải với cây lúa. Song từ khi chia tách huyện, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bà con được vay vốn, đào tạo nghề… mà cuộc sống ngày càng khấm khá. Chỉ sau một thời gian, Thầy Ký đã nổi tiếng là mảnh đất có nhiều nông dân làm kinh tế giỏi.
Mô hình xây dựng nông thôn mới ở ấp Thầy Ký ngày càng đạt hiệu quả cao. |
Đến "sản xuất sạch"
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là điều cần thiết mà địa phương nào cũng cần đẩy mạnh. Nhưng áp dụng có hiệu quả và được thực hiện như ở Thầy Ký là đều không dễ dàng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tại tổ 7 đang triển khai mô hình "Tổ sản xuất Đồng Vạn" do anh Thanh làm Tổ trưởng. Tổ hợp tác thu hút 19 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích 41,8ha. Đây là mô hình sản xuất lúa có sự tham gia của nông dân kết hợp với cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện. Cứ hai tuần, bà con lại cùng cán bộ kỹ thuật ra thăm đồng, ghi chép toàn bộ biểu hiện của cây lúa để nhận xét sự phát triển của lúa và phát hiện bệnh kịp thời.
"Từ trước đến nay, nông dân địa phương chỉ sản xuất theo kinh nghiệm, cứ thấy lúa không được tốt là bón phân, xịt thuốc vô tội vạ. Cách làm như vậy vừa không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn làm giảm khả năng kháng bệnh của cây lúa, sâu rầy dễ kháng thuốc", anh Nguyễn Chính Tâm, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết. Từ khi có Tổ sản xuất Đồng Vạn, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, bà con đã sản xuất đúng quy trình kỹ thuật. Chi phí ban đầu trong canh tác đã giảm, trong đó có việc xử lý thuốc đầu vụ. "Tổ sản xuất Đồng Vạn đã tạo được sự đoàn kết, gần gũi giữa cán bộ kỹ thuật và nhà nông. Đây còn là nơi để nông dân học hỏi và trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, vì thế mô hình rất cần nhân rộng", anh Tâm cho biết.
Trên diện tích 41,8ha, bà con trong Tổ sản xuất Đồng Vạn được hướng dẫn trồng cùng một loại giống OM7347. Đây là giống lúa có phẩm chất gạo tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng, cho năng suất cao và đặc biệt có khả năng kháng rầy. Ngoài ra, tổ hợp tác đã góp phần thay đổi thói quen sạ dày của nông dân. Anh Thanh cho biết: "Trước đây, nông dân có thói quen sạ dày (50kg giống/ha) nên rất tốn kém mà hiệu quả không cao, nếu sạ thưa hợp lí thì chỉ cần 20kg giống/ha là năng suất đã cao hơn". Ruộng gieo sạ dày có chỉ số bệnh cao hơn so với ruộng gieo sạ thưa hợp lý, ở giai đoạn đòng – trỗ, góc lá của ruộng sạ thưa nhỏ hơn ruộng sạ dày. Lúa sạ thưa sẽ phát triển thuận lợi, cây to cứng cáp hơn, lá dài, to và xanh hơn. Đặc biệt lá đòng to, dài nên cây lúa có thời gian tích nhiều chất hữu cơ nuôi bông và hạt, khả năng đẻ nhánh cao hơn so với sạ dày. Ngoài ra, bà con còn đỡ tốn công chăm sóc, sự đổ ngã của cây lúa được hạn chế tới 80-90%. Theo kết quả từ nhiều mô hình khác, sạ thưa hợp lý có năng suất cao hơn (65 tạ/ha/vụ) so với sạ dày (53 tạ/ha/vụ)".
Hiện, Tổ sản xuất Đồng Vạn còn đứng ra thu mua sản phẩm cho Công ty Gentraco, 1 trong 5 đơn vị đứng đầu trong ngành chế biến và xuất khẩu gạo nước ta. Toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được Công ty mua với giá 4.800 đồng/kg và tùy theo giá thị trường, Công ty có thể tăng giá thu mua cho nông dân với điều kiện chất lượng lúa phải được đảm bảo về độ khô, sạch. Điều này sẽ tạo cho nông dân thói quen sản xuất có khoa học, tạo được uy tín, hợp tác lâu dài với doanh nghiệp và hướng đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mình làm ra. Nhờ có sự hợp tác giữa Tổ sản xuất Đồng Vạn và Gentraco, bà con không còn phải tự tìm đầu ra, không bị thương lái ép giá và giảm đáng kể chi phí vận chuyển cũng như chi phí trung gian.
Có thể nói, Tổ sản xuất Đồng Vạn bước đầu đã gặt hái được thành công, tạo được niềm tin vững chắc cho nông dân. Từ khâu chăm sóc ban đầu cho đến thu hoạch đều được thực hiện theo quy trình khoa học, hướng tới lợi ích của nông dân là chính. Qua đó thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương trong vấn đề hỗ trợ nông dân sản xuất, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con vươn lên thoát nghèo, xứng đáng là ấp nông thôn mới.
Kỳ III: Cái khó "bó" đường đi