II. Vườn đồng bằng, vườn đồi, vườn rừng vùng núi và ven biển:
Phát triển thích hợp kinh tế vườn nói riêng và VAC nói chung cần được coi như chiến lược vừa né vừa sống chung với BĐKH.
Bởi vì, khi mà bờ vùng bờ thửa bờ bao bị "vô hiệu hóa" dần do mực nước biển lên cao kết hợp với lũ mùa mưa, thì vai trò kinh tế vườn/VAC trên nền đất tương đối cao hơn ngày càng cao trong giữ gìn an ninh lương thực, thực phẩm và nông sản hàng hóa khác. Khi chưa phải đối mặt với nước biển dâng thu hẹp diện tích lúa ở đồng bằng, thì phát triển vườn/VAC vẫn có ý nghĩa kinh tế và như hàng rào sinh thái giảm thiệt hại thiên tai.
1. Phát triển vườn đồng bằng
Ở vùng đồng bằng, vườn thường nằm trong khuôn viên VAC của nông hộ trên nền đất tương đối cao hơn ruộng. Người nông dân lên bờ bao bảo vệ ở vùng trũng, nơi dễ bị ngập thì trồng cây tương đối chịu úng như chanh gai, vú sữa, xoài, chuối, bưởi…; cây nhát (sợ) nước chỉ trồng trên đất cao như mít, sầu riêng, đu đủ, na (mãng cầu ta)… Cây sống chung với úng có khoai nước, củ ấu, mãng cầu xiêm ghép vào gốc bình bát, rau muống, rau nhút…
Trong tập đoàn cây ăn củ có những cây sống chung với úng được như khoai bông, khoai nước…, có cây trồng bình thường dưới ruộng không ngập nước, và nhiều cây trồng tranh thủ ở bờ rào, dưới bóng râm vườn cây ăn trái, như dong riềng, hoàng tinh, sắn dây (cát căn). Đã có kinh nghiệm trồng khoai ụ, khoai sọ… có năng suất rất cao. Lương thực ăn củ chứa nhiều tinh bột, thay thế một phần gạo dành cho xuất khẩu trong cơ cấu bữa ăn văn minh hơn.
Vườn ở ĐBSCL còn là nơi giữ nước ngọt cho nông hộ dùng trong mùa khô, là những ao, mương kết hợp nuôi trồng thủy sản, hoặc đào giếng thơi lấy nước ngầm. Những "túi nước ngọt nhỏ" trong phạm vi nông hộ góp phần tích cực với những túi nước ngọt lớn vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, lung Ngọc Hoàng thuộc Hậu Giang, ngăn cản nước mặn xâm nhập. Túi nước ngọt vùng lớn đang bị thu hẹp diện tích tích cho sản xuất. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô 2008 nước mặn xâm nhập sâu và lớn hơn trung bình nhiều năm. Thời gian và mức độ xâm nhập mặn như ở dọc sông Cổ Chiên tới 60-65 km vào tháng 4, tháng 5; nơi xâm nhập mặn sớm nhất vào tháng 3, tháng 4 ở dọc sông Trần Đề vào sâu trong nội địa 30-35 km…
2. Phát triển vườn vùng trung du và miền núi
Nước ta còn có điều kiện "tuyệt vời" để né biển dâng nước ngập là, theo kiểm kê đất năm 2005, cả nước còn 4,3 triệu ha đất đồi núi chưa sử dụng. Với điều kiện này ta có thể phát triển nhiều loại cây công/nông/lâm nghiệp trong những điều kiện đất/nước khác nhau, cũng như lồng ghép với nhiều chương trình quốc gia đang được thực thi, nhất là với chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.
Có rất nhiều loài cây lâm nghiệp, cây công-lâm nghiệp (cao su, cây dừa, cây cọ dầu, cây cọc giậu…), cây nông-lâm nghiệp (cây ăn trái, cây xa kê, cây hạt dẻ…) thích ứng với nhiều loại đất vùng đồi núi. Một trong những cây trên là cây cọc giậu có giống bản địa và giống nhập nội (Jatropha curcas L.) thuộc loại cây cây công-lâm nghiệp, phát triển được hầu hết các đất xấu, đất sa mạc hóa, bãi thải khai thác khoáng sản. Cọc giậu có thể đạt 8 – 10 tấn hạt/ha/năm, từ đó sản xuất được 3 tấn diesel sinh học. Sau khi ép dầu còn 70% là khô dầu chứa khoảng 30% protein, làm phân hữu cơ tốt, khi khử hết độc tố là thức ăn gia súc dinh dưỡng cao (Nguyễn Công Tạn, 2005).
Để tăng sức sản xuất của vùng có nhiều loại đất nghèo, vấn đề phủ đất chống xói mòn bằng cây họ đậu đỗ cần đặc biệt chú ý. Trong số cây họ đậu này, có cây lạc lưu niên (Arachis pintoi). Cây lạc lưu niên được mang về nước từ nơi nguyên sản Nam Mỹ Braxin bởi TS Lê Quốc Doanh – Viện trưởng Viện KHKT Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc, trồng thành công và đã chuyển giao cây này ra sản xuất không chỉ ở miền núi phía Bắc, mà cả ở Tây Nguyên; bắt đầu trồng thử ở 4 tỉnh Nam bộ, được gọi tên là lạc lá lưu niên. Có thể trồng cây này trên đất dốc, vùng đất có cốt từ 0 đến 1.500 m, đất có độ pH thấp, đất nghèo dinh dưỡng, chịu hạn, chịu úng nhẹ, đất cát ven biển… Do giữ ẩm và chống xói mòn tốt nên trồng xen vào vườn cây ăn quả, cây lương thực như ngô làm tăng năng suất trên 50%. Là cây họ đậu, nên nốt sần ở rễ cố định đạm, lá chứa nhiều đạm, làm phân xanh (2,5-3%N), làm thức ăn gia súc tốt. Cây lạc này tạo thảm xanh hoa vàng đẹp, nên đã được trồng để trang trí quanh bờ hồ, quanh nhà cao tầng, biệt thự, cửa hàng ăn (Lê Quốc Doanh, 2007). Chúng tôi vừa thấy loại cây này trồng ở Tiền Giang, nhỏ bé hơn, có lẽ là cây bản địa.
3. Phát triển vườn rừng ven biển
Cũng như rừng ở vùng đồi núi, rừng ngập mặn là hàng rào sinh thái giảm nhẹ tác hại thiên tai từ biển vào, hiện đang bị suy thoái nhanh. Khoa học công nghệ cần được nghiên cứu phát triển theo hướng vườn rừng để tăng thu nhập từ hệ thống canh tác nuôi trồng vùng cây chủ lực là cây rừng, là một trong những hướng tích cực giữ và phát triển rừng ven biển, đồng thời ổn định và nâng cao đời sống cư dân nơi này.
Một thông tin về tuyến đê biển ngăn mặn ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang cho hay: năm 2002 được đắp cao hơn mặt nước biển 1,2-1,5 m, dài 49 km có tác dụng ngăn mặn tốt. Tuy nhiên, đoạn đê 800 m tại xã Bình Sơn bị sóng dữ đánh vỡ toang vào tháng 10/2006. Nguyên nhân do rừng ngập mặn có bề dầy 100 m ban đầu bị kẻ xấu chặt còn 20-30 m phòng hộ mong manh, không đủ ngăn sóng biển. Người dân ở đây cho biết, trồng 1 ha rừng mất khoảng 100 triệu đồng, vá lại đê tốn bạc tỷ. Ở Kiên Giang, có mô hình rừng tràm-ong mật-cá đồng thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, như mô hình của ông Minh ở xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, cũng như nhiều mô hình khác ở rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ.
Một số kiến nghị
1. Nằm trong chiến lược quốc gia đối phó với BĐKH, ngành nông nghiệp cần có những đề tài/dự án phù hợp, vừa có tác dụng ngay, vừa đối phó với BĐKH.
2. Nội dung nghiên cứu nông nghiệp thích nghi bao gồm các biện pháp né và sống chung an toàn với điều kiện bất lợi do BĐKH, như dùng giống lúa cực sớm, lúa cạn và cây lương thực ăn củ ở đất cao để né lũ né hạn/mặn xâm nhập; lúa nước sâu và lúa nổi cùng rau củ thủy sinh để sống chung với nước ngập cho an ninh lương thực.
3. Những hoạt động khuyến nông cần được đầu tư hướng nhiều hơn vào vườn- VAC, lên đồi núi, xuống ven biển, với thành phần chủ lực là cây lâm nghiệp, cây công-lâm nghiệp như cao su, dừa, cọ dầu, cọc giậu…, cây nông- lâm nghiệp như cây ăn trái, cây xa kê… thích ứng với nhiều loại đất vùng đồi núi.