Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông thôn và Khoa Nông nghiệp & Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học An Giang tiến hành khảo sát việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, cho thấy nông dân quá lơ là, chủ quan trong việc sử dụng thuốc BVTV.
Đây là một trong những mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe con người nhất là tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thuốc sau một thời gian dài.
Trong số 100 nông dân được hỏi thì có 48 người trình độ học vấn tiểu học, 46 người trình độ THCS, 2 trung cấp nghề và 4 trình độ cao đẳng. Điều này cho thấy hầu hết nông dân có trình độ văn hóa thấp kèm theo ý thức, nhận thức thấp. Nhiều nông dân cho biết việc sử dụng các loại thuốc BVTV trong phun xịt lúa đều làm theo kinh nghiệm, thói quen, nghe người khác mách bảo hay chủ tiệm bán thuốc BVTV giới thiệu.
Kết quả khảo sát cách sử dụng thuốc BVTV cho thấy: 93 người dựa vào kinh nghiệm; 36 người quyết định mua thuốc theo đề nghị của bạn bè, người quen; 32 người nghe theo đề nghị của người bán thuốc BVTV và chỉ có 16 người dựa vào nhãn hiệu. Ngoài ra, rất nhiều nông dân không chú ý đến các biện pháp an toàn khi phun xịt thuốc, nhất là không có đồ bảo hộ, không đeo khẩu trang, không để ý hướng gió, liều lượng phun xịt.
Anh Lê Vĩnh Hòa, canh tác 5 công đất ruộng ở xã Vĩnh Hanh thừa nhận anh vẫn biết thuốc BVTV nguy hiểm nhưng khi bắt tay vào việc thì lại bỏ qua các biện pháp an toàn. "Quảy bình thuốc 16 lít nặng trịch muốn sệ vai, lội dưới ruộng đất lún không đủ hơi mà thở, mang khẩu trang vào chắc chết ngộp. Hơn nữa mình đất ít chỉ xịt hơn chục bình là xong, mất công bao tay, bịt mặt bực bội, lu bu lắm", anh Hòa nói. Tương tự anh Phạm Văn Nùng chuyên xịt thuốc sạ phân mướn cho nhiều chủ ruộng ở xã Cần Đăng, huyện Châu Thành.
Hơn 10 năm nay ngày nào anh cũng tiếp xúc với các loại thuốc BVTV hay chất hóa học để kiếm tiền nuôi vợ và 3 con nhỏ. "Có khi đi xịt thuốc mà mang bụng đói, không kịp ăn gì. Có ngày phải đi xịt ở đồng xa, tôi chỉ kịp mua gói xôi bỏ túi để xịt được cỡ chục bình thì nghỉ tay ăn đỡ đói", anh Nùng cho biết. Chúng tôi đến khi anh vừa xịt xong bình thuốc trừ sâu thứ 6. Bỏ bình xịt rồi ngồi cạnh chúng tôi nghỉ mệt, dụi dụi tay còn đẫm ướt vào vạt áo, anh Nùng móc ra điếu thuốc lá hút ngon lành. Tôi hỏi có lần nào đang hút thuốc hay ăn xôi mấy anh thấy muốn ói, chóng mặt không. "Có chớ, nhưng tụi này nghĩ là do mình đói bụng nên sây sẩm chút hà", anh trả lời hồn nhiên.
Một nông dân khác là anh Út vừa xịt thuốc khai hoang để diệt đám sậy cặp mé ruộng gần nhà. Anh lấy 2 thùng nước đổ vào bình súc rửa qua loa rồi đặt ngay góc bếp, còn chai thuốc bỏ vào bọc ni – lông treo lơ lửng ngay giá bếp. Rửa tay vội vàng anh giở chiếc lồng bàn đậy mâm cơm đã dọn sẵn ăn ngon lành. Không chỉ có nông dân, một số chủ cửa hàng bán thuốc BVTV cũng phớt lờ và chủ quan với những nguy hiểm tiềm ẩn. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các cửa hàng bày biện thuốc đủ loại ngay tại gian nhà trước để bán và vô tư dọn cơm nước ăn uống cạnh quầy thuốc mùi nồng nặc.
Bác sĩ Lê Minh Uy, Trưởng Khoa VSATTP Trung tâm y tế dự phòng An Giang cho biết việc sử dụng quá liều lượng các loại nông dược diệt cỏ dại, diệt nấm, diệt côn trùng, sâu bọ, thuốc bảo vệ cây trồng, hóa chất kích thích tăng trưởng… thì chúng sẽ tồn tại lâu dài trong môi trường, gây tích lũy sinh học và là một trong những nguyên nhân dẫn đến phát triển ung thư ở người. |
Chúng tôi ghé vào một tiệm bán thuốc BVTV ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang hỏi mua loại thuốc Ridomil. Chủ cửa hàng đang ăn cơm cùng gia đình vui vẻ đứng dậy lấy hàng. Sau một hồi lục lạo trong đống thuốc anh nói đã hết loại thuốc này và đưa chúng tôi loại Rinmyn thay thế. Chúng tôi từ chối, anh vứt bịch thuốc vào tủ rồi quay lại mâm cơm ăn ngon lành mà không cần rửa tay. Nhìn thấy cảnh này tự nhiên tôi rùng mình nổi gai ốc vì mùi hàng trăm thứ thuốc hỗn tạp hắc lên nồng nặc giữa nắng trưa và lo sợ nếu không cẩn thận sẽ rất dễ xảy ra ngộ độc.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang từ năm 2001-2007 đã có 2.735 trường hợp nhiễm độc thuốc trừ sâu, trong đó hầu hết là do người dùng tự ý, không quan tâm đến khuyến cáo của nhà sản xuất và ngành chức năng. Đây chỉ là những trường hợp đã phát hiện còn nguy cơ ngộ độc do thiếu ý thức trong việc sử dụng thuốc BVTV là rất lớn. Trong số 100 người được hỏi thì có 7 người thừa nhận đã từng bị ngộ độc lúc phun xịt thuốc và chỉ có 21% nông dân chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe.